Phát triển mô hình nuôi cá sấu tại vùng U Minh Thượng
(PetroTimes) - An Minh là một trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi quen thuộc, gần đây một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá sấu.
Có duyên với nghề
Bén duyên với nghề nuôi cá sấu từ năm 2015, trang trại cá sấu của anh Tôn Văn Sồi ở xã Đông Hòa (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đến nay tổng đàn đã có hơn 6.000 con.
Anh Sồi chia sẻ, trước đây anh làm nghề bán cá mồi cho các trang trại nuôi cá sấu trong khu vực ĐBSCL và một vài trại bên Campuchia. Thấy nghề nuôi cá sấu độc lạ, nên cũng hay ngồi lại với chủ trại trao đổi thêm kinh nghiệm nuôi. Dần dà anh thấy kỹ thuật nuôi cá sấu không quá khó, thổ nhưỡng vùng đất An Minh thích hợp với con cá sấu nên năm 2017 anh quyết định xây trại nuôi.
Thời điểm đó, anh Sồi đầu tư 40 triệu đồng xây 3 chuồng nuôi cá sấu, mỗi chuồng 50m2, nuôi tổng cộng 400 con. Sau 18 tháng, vụ cá sấu đầu tiên mỗi con khoảng 15kg, anh xuất bán với giá 125 nghìn đồng/kg. Vụ đầu tiên này trừ chi phí anh lời được trên 100 triệu đồng.
Sau thành công bước đầu, giữa cuối năm 2018 anh Sồi quyết định tăng đàn lên 1.200 con, xây thêm 6 chuồng. Tiếp tục vụ thứ 2, sau 18 tháng anh bán cá loại size 15kg, giá 115 nghìn đồng/kg. Đợt này anh lời hơn 300 triệu đồng.
Anh Sồi cho biết, kỹ thuật nuôi cá sấu không khó, chỉ cần cho ăn, thay nước theo định kỳ, cá lớn đến lứa là xuất bán. Với cá sấu cứ 2-3 ngày cho ăn 1 lần, khi cá lớn nuôi duy trì có thể nửa tháng hoặc 1 tháng cho ăn một lần vẫn được. Và cứ khoảng 2 tháng thay nước 1 lần, vào mùa nắng thì 1 tháng thay 1 lần.
Trại cá sấu của anh Sồi chủ yếu cho ăn cá phi. Tuy nhiên, để giảm chi phí thức ăn, anh mở xưởng gia công cắt đầu cá, lấy phần thân cá bán cho các chợ, còn phụ phẩm từ đầu cá (phần lớn là cá biển) anh phụ thêm vào thức ăn. Với phần phụ phẩm từ đầu cá này anh giảm được khoảng 30% chi phí thức ăn… Đợt xuất bán vào năm 2019, gia đình anh bán được 3.000 con cá sấu. Sau khi trừ hết chi phí, còn lời hơn 700 triệu đồng.
Thừa thắng xông lên, năm 2020 anh quyết định mở rộng lên nuôi 4.000 con cá sấu thì may mắn đã không mỉm cười với anh như hai đợt nuôi trước, đại dịch Covid-19 ập đến, cá đến lứa bán ra không được, thương lái ép giá… nên anh gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, da cá sấu được dùng nhiều trong việc sản xuất túi xách, ví, thắt lưng, va li, giày dép... nên luôn có đầu ra ổn định. Hiếm khi người nuôi cá sấu gặp phải tình trạng dội hàng, rớt giá.
Bà con nông dân ở đây cho biết, trên cùng diện tích ao chuồng chăn nuôi, ít có mô hình nào cho lãi nhiều như nuôi cá sấu. Tuy nhiên, muốn thành công, đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về tập tính sống, khả năng tăng trưởng và một số đặc tính quan trọng khác của cá.
Đặc biệt, ngoài yếu tố chịu khó, nhẫn nại bám nghề, thì vốn đầu tư cũng rất quan trọng. Vì một chu kỳ nuôi cá sấu khá dài, đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn mạnh. Thấu hiểu điều này, thời gian qua Agribank luôn đồng hành tiếp sức về vốn, giúp bà con an tâm lao động sản xuất.
Theo số liệu của Agribank Chi nhánh An Minh - Kiên Giang II, đến nay, tổng dự nợ đạt trên 1.400 tỷ đồng (với khoảng 6.000 khách hàng); tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm trên 99% tổng dư nợ.
Đồng hành của Agribank
Với trang trại nuôi cá sấu quy mô 6.000 con lớn nhỏ của anh Sồi hiện nay, ít ai biết rằng ngay từ đầu quyết định nuôi cho đến ngày hôm nay anh cũng gặp nhiều khó khăn, có giai đoạn rất khó khăn. Nhưng có sự đồng hành của Agribank anh đã mạnh dạn đầu tư và vượt qua khó khăn để có được như ngày hôm nay.
Anh Sồi nhớ lại, năm 2017 khi quyết định xây chuồng nuôi cá sấu anh có được một ít vốn tích góp sau nhiều năm làm nghề bán cá mồi để đầu tư chuồng trại và con giống. Nhưng nuôi cá sấu chi phí thức ăn rất nhiều, nên năm 2018 đã quyết định vay vốn từ Agribank chi nhánh huyện An Minh 500 triệu đồng để mua thức ăn và chuẩn bị cho việc mở rộng trại, tăng đàn.
Đến năm 2020, 2021 tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra cá sấu vô cùng khó khăn, lúc này anh tiếp tục được Agribank tăng hạn mức vay vốn để mua thức ăn cho cá, duy trì để không bán lỗ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn này anh còn được Agribank gia hạn nợ, giãn kỳ hạn trả nợ và điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp.
Trong 2 năm đại dịch Covid-19, với khoản tiền vay của mình anh được giảm lãi suất khoảng 60 triệu đồng. Sau dịch bệnh, để tăng đàn và thúc cá lớn đều để đợi giá bán, anh Sồi được Agribank nâng hạn mức vay lên 3 tỷ đồng.
Hiện nay, với đàn cá sấu 6.000 con các loại size, anh có thể xuất bán với giá hiện tại size 30-35kg/con có giá 68 nghìn đồng/kg; cá size 11-20kg giá 87 nghìn đồng/kg; cá dưới 11kg/con có giá 800 nghìn đồng/con.
“Lúc chuẩn bị lập trại nuôi cá sấu tôi đã đến Agribank tìm hiểu, khi biết chắc số tiền mình sẽ được vay thì tôi mới mạnh dạn đầu tư nuôi cá sấu. Nếu không vay được tiền của ngân hàng tôi sẽ không dám đầu tư nuôi, vì vay tiền bên ngoài lãi suất rất cao, nuôi sẽ không có lời. Đặc biệt lúc đại dịch Covid-19, không những tôi được gia hạn nợ, giảm lãi suất mà con được Agribank cấp nâng hạn mức vay để tôi có nguồn tiền mua thức ăn duy trì đàn cá, không phải bán lỗ, nên đợt cá này tôi mới có đủ tiền trả nợ và có lời” - Anh Sồi chia sẻ.
Anh Sồi cũng cho biết, sau đợt cá này anh sẽ trả nợ vay cũ, tiếp tục vay nguồn vốn mới tái đàn và mở xưởng gia công sản phẩm từ cá sấu, đồng thời mở rộng diện tích nuôi cá thát thát ao lắng để lọc nước, vệ sinh môi trường và tăng thu nhập.
Thành công của mô hình nuôi cá sấu, không chỉ giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giả, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho lời giải bài toán phát triển kinh tế của huyện An Minh. Và sự đồng hành của Agribank có ý nghĩa đồng hành, hỗ trợ để địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra.
Minh Khương – Hồng Cẩm