"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ IX): "Cơn sóng ngầm" trong lòng nước Mỹ
Nvidia, Intel và Qualcomm đang vận động để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình trước các cuộc “đàn áp” tiếp theo của Mỹ với ngành công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ? |
Các tập đoàn chip hàng đầu của Mỹ đang bất đồng với chính quyền Joe Biden liên quan tới chính sách siết chặt công nghệ đối với Trung Quốc. |
Thế khó của các "ông lớn" ngành chip
Một năm kể từ khi chính quyền Biden “nổ phát súng” đầu tiên bằng việc hạn chế bán chất bán dẫn đối với Trung Quốc, Washington đang bắt đầu chuẩn bị đưa ra các quy định bổ sung nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ quan trọng đối với vũ khí hiện đại.
Thế nhưng, ý muốn chính trị của Wasshington dường như đang vấp phải thái độ chống đối của các nhà sản xuất chip hàng đầu trong nước. Nhóm các công ty bao gồm Nvidia, Intel và Qualcomm gần đây được cho đã có nhiều hoạt động nhằm phản đối các lệnh cấm mới từ Nhà Trắng.
Họ đã cảnh báo việc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc sẽ làm tổn hại lớn đến hoạt động kinh doanh và làm hỏng kế hoạch xây dựng các nhà máy bán dẫn mới ở trong nước. Ngoài ra, các tập đoàn này cũng cảnh báo xu hướng này của Mỹ có thể đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp chip độc lập của Trung Quốc, mở đường cho Bắc Kinh thống trị ngành chip toàn cầu.
Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 thị trường bán dẫn toàn cầu và mang lại tổng doanh thu hàng năm hơn 50 tỷ USD cho Nvidia, Intel và Qualcomm. Năm ngoái, các công ty trong ngành đã buộc phải chấp nhận những hạn chế theo Đạo luật CHIPS của Mỹ.
Kể từ đó, các công ty đã phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh để hài hòa các bên. Nvidia đã phải phát triển một phiên bản chip trí tuệ nhân tạo - H100 - dành riêng cho Trung Quốc bằng cách giảm hiệu suất của nó xuống dưới mức tối đa mà các quy định mới cho phép.
Âm thầm vận động chính sách
Để bảo vệ quyền lợi của mình, các tập đoàn chip Mỹ đang thực hiện một kế hoạch vận động các quan chức Nhà Trắng và kêu gọi các tổ chức nghiên cứu tham gia để thuyết phục Washington xem xét lại các biện pháp kiểm soát chip bổ sung.
Chiến dịch vận động được kỳ vọng sẽ góp phần trì hoãn các lệnh cấm mới và thu hẹp những thay đổi mà chính quyền Biden có thể thực hiện, dù để Nhà Trắng ngưng các biện pháp cứng rắn là bất khả thi.
Các lãnh đạo tập đoàn của Intel, Nvidia hay Qualcomm đang ra sức vận động chính sách nhằm giảm nhẹ các lệnh cấm bổ sung. |
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia đã cam kết bảo vệ các công nghệ nhạy cảm. Bà Sarah Weinstein, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Thời gian và phạm vi của các quyết định kiểm soát xuất khẩu được thiết kế cẩn thận để có tác động tối đa”.
Thái độ của các công ty đã hé lộ thế khó của ngành chip Mỹ, giữa một bên là mối lo ngại về an ninh quốc gia và một bên là lợi ích thương mại.
Khi căng thẳng ngày một gia tăng và Trung Quốc cũng thể hiện rằng họ có thể phát triển các con chip hiện đại mà không cần Mỹ - như đã làm với chip Kirin 9000s dựa trên công nghệ 7nm mới ra mắt - các chuyên gia lo ngại Mỹ sẽ phải tăng cường các lệnh cấm mạnh mẽ hơn nữa.
Vào tháng 7, đã có những tin đồn ở Mỹ rằng chính quyền Biden sắp mở rộng giới hạn bằng cách cấm Nvidia bán chip AI mà hãng này đã phát triển cho Trung Quốc, bên cạnh những thay đổi khác. Thậm chí, có thể sẽ xem xét lại việc Qualcomm bán chip di động 4G cho Huawei, dù công ty này có giấy phép đặc biệt.
Tình hình căng thẳng tới mức ngay trong tháng 7, ba giám đốc điều hành của 3 công ty, gồm Patrick Gelsinger của Intel, Jensen Huang của Nvidia và Cristiano Amon của Qualcomm đã phải tới Washington để thuyết phục chính quyền.
Nội dung không được công bố rộng rãi nhưng theo tờ New York Times, các tập đoàn đã tỏ thái độ không hài lòng với các quan chức về các động thái mới. Đồng thời, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ sau đó cũng đưa ra tuyên bố chỉ trích các hạn chế của chính phủ là “quá rộng, mơ hồ và phần nào đơn phương”.
Các tập đoàn cũng đang mở rộng chiến dịch của mình nhắm mục tiêu vào các tổ chức nghiên cứu. Vài tháng trước, lãnh đạo Nvidia đã gặp lãnh đạo một số tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng ở Mỹ, như CSIS hay Hội đồng Đại Tây Dương.
Chưa kể, các giám đốc điều hành còn đang thuyết phục Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Google - một người ủng hộ các biện pháp hạn chế với Trung Quốc. Kể từ khi rời khỏi Google vào năm 2018, ông Schmidt đã trở thành một người có tiếng nói ở Washington khi ông phục vụ trong hai ban cố vấn của Bộ Quốc phòng và tài trợ cho tổ chức nghiên cứu của riêng mình - Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VII): Ứng xử với dòng vốn đầu tư mới |
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ? |