Phân tích hành động cấm rồi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu diesel của Nga
(PetroTimes) - Thứ Sáu (ngày 6/10), Chính phủ Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel qua đường ống đến các cảng, loại bỏ phần lớn các hạn chế được áp đặt vào ngày 21/9. Trong khi đó, các hạn chế xuất khẩu xăng vẫn còn hiệu lực.
Các tuyến đường xuất khẩu dầu của Nga sau lệnh cấm của phương Tây |
Ngày 21/9, Nga đã ban hành lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel sang mọi quốc gia, trừ 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trong nước. Động thái này đã gây gián đoạn thị trường thương mại toàn cầu vốn đã phải thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu nhiên liệu của Nga.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chính phủ Nga đã tuyên bố rằng quyết định dỡ bỏ các hạn chế được áp dụng đối với những doanh nghiệp cung cấp ít nhất 50% dầu diesel sản xuất được cho thị trường nội địa.
Theo dữ liệu của LSEG, Nga đã sản xuất 85 triệu tấn dầu diesel vào năm ngoái và xuất khẩu khoảng 35 triệu tấn, trong đó có 25,6 triệu tấn được vận chuyển thông qua công ty độc quyền đường ống dẫn dầu Transneft của Nga.
Những hạn chế về xuất khẩu dầu diesel thông qua đường sắt vẫn có hiệu lực, ngoại trừ một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Trong cùng ngày, Transneft cho biết rằng họ sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu diesel qua các cảng Biển Baltic và Biển Đen ngay khi nhận được sự cho phép từ chính quyền và các nhà cung ứng đã sẵn sàng, thông tấn xã TASS đưa tin vào ngày 6/10.
Việc Nga nối lại xuất khẩu dầu diesel sẽ có tác động lớn nhất đến Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil vì là hai khách hàng lớn nhất của Nga trong năm nay.
Bà Serena Huang, người đứng đầu bộ phận phân tích APAC tại Vortexa cho biết: "Khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không cần nhập khẩu thêm dầu diesel từ châu Á, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tốc độ khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu diesel của Nga".
Các thương nhân cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm diesel có thể đồng nghĩa với việc các lô hàng diesel châu Á lẽ ra sẽ thay thế Nga xuất khẩu sang châu Phi và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng giờ đây sẽ giữ lại khu vực này, bổ sung vào nguồn cung vốn đã dồi dào.
Thị trường phản ứng như thế nào?
Mức chênh lệch giá dầu diesel tương lai ở thị trường châu Âu giảm mạnh sau tin tức này. Khoản chênh lệch giữa giá hiện tại và giá tương lai trong 6 tháng đã giảm gần 30% xuống còn 80,50 USD/tấn. Ma trận dự phòng là một cấu trúc thị trường trong đó giá tương lai được giao dịch ở mức chiết khấu so với giá hiện tại, cho thấy nguồn cung khan hiếm.
Biên lợi nhuận lọc dầu của dầu diesel chuẩn châu Âu đã giảm mạnh vào ngày 5/10 sau khi nhật báo Kommersant đưa tin Chính phủ Nga chuẩn bị nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel trong những ngày tới.
Kinh doanh chênh lệch giá Đông - Tây về dầu diesel cũng bị ảnh hưởng, chênh lệch - thường được xác định bằng cách trao đổi hợp đồng tương lai lấy hợp đồng hoán đổi (EFS) - giảm 54 USD/tấn vào ngày 6/10, mức thấp nhất trong một tháng, sau khi nhận được thông báo.
Tại sao Nga áp đặt các hạn chế này?
Các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu ở Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và đồng rúp suy yếu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhiên liệu.
Nga đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt dầu diesel và xăng trong những tháng gần đây, nhưng lại chuyển sang hạn chế xuất khẩu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu.
Ngày 4/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã tuyên bố rằng các hạn chế đang mang lại hiệu quả, lượng hàng dự trữ đã tăng 430.000 tấn kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực.
Lệnh cấm kéo dài bao lâu?
Nga cho biết hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục được nối lại sau khi thị trường nội địa ổn định, nhưng không đưa ra mốc thời cụ thể.
Các nhà phân tích - ví dụ công ty tư vấn FGE Energy - dự đoán lệnh cấm dầu diesel có thể sẽ kéo dài 2 tuần trước khi Nga bổ sung nguồn dự trữ và tiếp tục xuất khẩu.
FGE Energy cho biết việc bổ sung lại các khoản dự trữ xăng của Nga có thể mất đến 2 tháng.
Lệnh cấm diesel sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường nhiên liệu toàn cầu bởi Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, Nga đã vận chuyển trung bình 1,07 triệu thùng dầu diesel/ngày từ đầu năm đến ngày 25/9, chiếm hơn 13,1% tổng giao dịch dầu diesel bằng đường biển.
Trong khi đó, xuất khẩu xăng của Nga ít quan trọng hơn. Tính từ ngày 1/1 đến 25/9, nước này đã vận chuyển trung bình 110.000 thùng xăng/ngày.
Ý Thiên