Chiến lược mới về an ninh kinh tế và giảm thiểu rủi ro của EU
(PetroTimes) - Liên minh châu Âu (EU) muốn duy trì lợi thế công nghiệp và năng lực cạnh tranh trong một thế giới đang theo đuổi sử dụng sản phẩm xanh và sản phẩm kỹ thuật số. Tuy nhiên, EU lệ thuộc rất nhiều vào những nước khác để có những kim loại hiếm, nhất là Trung Quốc.
Liên minh châu Âu muốn duy trì lợi thế công nghiệp và năng lực cạnh tranh nhưng lại lệ thuộc rất nhiều vào kim loại hiếm của Trung Quốc. |
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và cạnh tranh Trung - Mỹ, rủi ro là từ khóa chính trong chính sách kinh tế của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Họ cần phải cân nhắc cách bảo đảm chuỗi cung ứng và phạm vi phổ biến công nghệ.
Các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về những chủ đề này tại hội nghị thượng đỉnh ngày 6/10.
Giảm rủi ro
EU muốn hạn chế lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài trong một số sản phẩm chiến lược, nhất là những sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển dịch xanh như lithium (sử dụng trong pin xe điện) hoặc đất hiếm (ứng dụng làm nam châm turbine gió).
Ngày nay, Trung Quốc xử lý gần 90% nguyên liệu đất hiếm và 60% lithium trên toàn cầu.
Thay vào đó, EU đặt mục tiêu cho năm 2030 là tăng cường khai thác, tái chế và xử lý những nguyên liệu thô quan trọng tại "lục địa già". Đồng thời, không để bất kỳ nước thứ ba nào đáp ứng trên 65% nhu cầu của EU đối với bất kỳ khoáng sản quan trọng nào.
Theo EU, giảm rủi ro không đồng nghĩa với việc phải cắt quan hệ với Trung Quốc, nhưng họ đã học được một bài học đắt giá từ việc lệ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra và nguồn cung bị cắt đứt.
EU càng lúc càng trở nên cảnh giác với Trung Quốc vì Moscow và Bắc Kinh đang thắt chặt mối quan hệ. Đồng thời, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã lên đến 420 tỷ USD, cao gấp đôi so với 5 năm trước.
Trung Quốc hiện yêu cầu các nhà xuất khẩu phải có giấy phép vận chuyển kim loại gali và germani - hai vật liệu dùng trong sản xuất linh kiện bán dẫn.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, EU cũng cần đến Trung Quốc để có thiết bị bảo hộ, và sau này là thuốc và nguyên liệu dược phẩm.
Chiến lược an ninh kinh tế
Đánh giá lại rủi ro căng thẳng địa chính trị là một phần quan trọng trong Chiến lược An ninh kinh tế châu Âu, được công bố vào tháng 6/2023.
Chiến lược này tập trung vào những rủi ro đối với những yếu tố sau: Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; an ninh vật chất và an ninh mạng của cơ sở hạ tầng quan trọng; an ninh công nghệ - rò rỉ thông tin; vũ khí hóa thương mại hoặc cưỡng ép kinh tế.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thực hiện đánh giá rủi ro trong những lĩnh vực này. Nhằm giảm thiểu rủi ro, EU muốn đầu tư vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình hoặc xây dựng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia.
EU cũng có thể lựa chọn thực hiện biện pháp bảo vệ, bao gồm Công cụ Chống cưỡng bức mà các nhà lập pháp đã thông qua vào hôm 3/10 hoặc áp đặt những biện pháp kiểm soát xuất khẩu - đầu tư ở các nước thứ ba.
EC khuyến nghị thực hiện đánh giá đối với 4 công nghệ sau: Linh kiện bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, lượng tử và công nghệ sinh học. Theo họ, đó là những công nghệ mang rủi ro tiềm ẩn vì “những quốc gia đáng lo ngại” có thể đưa chúng vào sử dụng cho mục đích quân sự hoặc vi phạm nhân quyền.
Đáng chú ý, tuy không nhắc cụ thể đến Trung Quốc, nhưng chiến lược kinh tế có đề cập đến việc hợp tác với những quốc gia đồng tư tưởng. Ngoài ra, mục tiêu “giảm thiểu rủi ro” cũng là một phần trong chính sách giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Công việc đánh giá phải được hoàn thành vào cuối năm nay. Nhờ đó, EC sẽ đề xuất được những biện pháp xử lý, chẳng hạn như đầu tư ra nước ngoài.
Dự định năm 2024 của EC là kêu gọi thực hiện đánh giá thêm 6 lĩnh vực công nghệ, bao gồm năng lượng, robot và vũ trụ.
Trong khuôn khổ chiến lược kinh tế, EU sẽ cho xem xét lại hệ thống sàng lọc đầu tư nước ngoài vào EU. Hiện nay, hệ thống này vẫn còn nhiều điểm chấp vá. Do đó, EU muốn tìm ra đề xuất nhằm kiểm soát xuất khẩu hiệu quả hơn và đưa ra được những biện pháp cải thiện an ninh trong nghiên cứu.
EC sẽ cần có sự cân bằng khéo léo trong quá trình xây dựng chiến lược này, vì an ninh quốc gia là thẩm quyền của 27 thành viên EU.
Tuy hầu hết các nước đều thừa nhận tính cần thiết của một chiến lược hòa hợp - nhất là vì EU có chính sách thương mại chung, nhiều nước vẫn chần chừ trong việc chuyển giao quyền lực cho Brussels.
EC là cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU. Theo họ, công việc thiết kế chiến lược và thực hiện đánh giá sẽ được thực hiện với các chính phủ của EU.
Ngọc Duyên