Những lần "trắng tay" và bài học xương máu của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Trương Gia Bình là một doanh nhân khác lạ trong mắt nhiều người. Càng đặc biệt hơn ở cách vị đại gia công nghệ này nói về những thất bại lẫn cách vươn lên của một "người Việt không biết cúi đầu".
Sân bay quốc tế Sheremetyevo (Liên Xô) năm 1985, Trương Gia Bình - 29 tuổi chờ chuyến bay về Việt Nam sau 12 năm học tập. Hành trình trở về của nhà khoa học trẻ, bên cạnh những ấp ủ, hoài bão là lỉnh kỉnh đồ đạc, dây mayso, nồi áp suất, bàn là… Ông cũng như bao người lao động Việt Nam khi ấy, bị buộc phải đi cửa riêng vì dãy dài hành lý họ mang theo về đất nước, để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Ôm con gái bé bỏng trên tay bước xuống máy bay, đặt chân lên mảnh đất quê hương, nhìn đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ bên đường băng rộng lớn, vắng vẻ của sân bay quốc tế Nội Bài, ông Bình lặng lẽ rơi nước mắt…
"Thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên khi đất nước còn chiến tranh. Chúng tôi mang trong lòng niềm tự hào dân tộc lớn lao bởi quanh mình có rất nhiều anh hùng kiên trung. Thời chiến mà, "ra ngõ gặp anh hùng". Và khi đi ra nước ngoài học tập, tôi mang tâm thế là đại diện của một dân tộc bất khuất, đã chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Thế nhưng, bôn ba khắp nơi mới thấy một thực tế rằng nhiều người Việt ở nước ngoài bị phân biệt đối xử. Tôi nhớ mãi lần ra sân bay tiễn người bạn nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô về nước, tận mắt chứng kiến lối hành xử thô bạo của một cán bộ công an nước sở tại với tấm hộ chiếu Việt Nam.
Cảm giác khi đó thật đau đớn.
Những ký ức đó hằn sâu càng làm tôi thêm nung nấu quyết tâm về một nước Việt Nam phải thoát nghèo.
Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập công ty, chúng tôi đã xây dựng tuyên ngôn rằng, FPT phải "góp phần hưng thịnh quốc gia". Khi viết ra lời đó, tận sâu trong con tim và khối óc của mình, chúng tôi thực lòng mong muốn đất nước giàu mạnh. Đó cũng là lời thề của cả một thế hệ phải lớn lên trong gian khó, khốc liệt", ông Trương Gia Bình chia sẻ với Dân trí.
Ông bắt đầu thực hiện "lời thề" đó từ khi nào?
- Đầu những năm 1970, tôi là một trong số 100 học sinh của cả miền Bắc được Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) lựa chọn kỹ lưỡng, trang bị kiến thức, bồi dưỡng ngoại ngữ trong nước một năm rồi đưa sang Liên Xô học kiến thức chuyên môn.
Đất nước còn gian khó, chúng tôi còn rất trẻ nhưng được đào tạo rất bài bản. Ưu đãi mà đất nước dành cho chúng tôi rất lớn, có đủ cơm ăn, áo ấm để mặc.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, khi đó là Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Đại học Kỹ thuật Quân sự thường nói với chúng tôi: "Đi học về, các bạn có nhiệm vụ gia tốc kinh tế đất nước".
Thầy mời những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam như GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS TS Vật lý Vũ Đình Cự, GS Toán học Hoàng Xuân Sính… tới nói chuyện với chúng tôi về khoa học. Chúng tôi có cơ hội được giao tiếp, trao đổi với những "bộ óc" lớn nhất của đất nước.
Lúc đó chưa nắm hết ý của thầy, nhưng khi đã trưởng thành hơn, tôi hiểu, đó cũng là cách thầy giáo dục chúng tôi về tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Những lời dạy về khát vọng chấn hưng đất nước thấm thía cho tới tận bây giờ, tận khi tôi đang ngồi đây và trả lời phỏng vấn bạn.
Tới khi đi học ở Liên Xô, tôi được học những người thầy, những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người có tầm nhìn, kiến thức lỗi lạc. Ở gần những con người ấy, chúng tôi được nuôi dưỡng khát vọng, hoài bão lớn đưa đất nước vươn lên tầm cao nhất.
Lý do gì để năm 1988, ông quyết định khởi nghiệp với một công ty về thực phẩm?
- Sau khi học tập trở về, tôi và nhóm bạn làm công tác khoa học ở Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam). Lúc ấy, lạm phát 3 con số, lương (khoảng 5 USD-NVCC) chỉ đủ ăn một tuần. Một người bạn đã nói với tôi: "Bình ơi, cứu tao với. Tao không đủ tiền để nuôi vợ và hai con". Điều đó làm tôi suy nghĩ.
Suy tính nát nước, tôi tới gặp anh Vũ Đình Cự (GS Vũ Đình Cự - PV), lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. "Thưa anh, em muốn thành lập công ty", tôi nói. Anh Cự bảo: "Muốn làm gì thì… tên công ty vẫn phải mang tên sản phẩm như: bóng đèn, phích nước, diêm". Tôi trả lời: "Chúng em chỉ muốn làm công nghệ cao".
Anh Cự đề xuất: "Vậy thành lập công ty công nghệ chế biến thực phẩm, trong công nghệ chế biến thực phẩm có đủ những công nghệ cao nhất".
Chúng tôi nhận quyết định của Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia và con dấu. Ngày 13/09/1988, chúng tôi gồm 13 nhà khoa học của Việt Nam thành lập ra Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty Cổ phần FPT ngày nay.
Khởi nghiệp thì phải có vốn. Vậy tài sản mà ông và nhóm của mình có khi đó là gì?
- Tài sản lớn nhất của tôi và các đồng đội, đó là "con tim", "khối óc" và cốt cách mà dân tộc truyền cho: Một dân tộc không biết cúi đầu. Đó là cái vốn liếng quý nhất.
Và những bước đi khởi nghiệp đầu tiên là…?
- Thời điểm đó, đi nước ngoài về, tôi mang theo được ít đồ dùng như nồi hầm, bàn là... Tôi tích lũy lại bán đi rồi mua vàng. Khi công ty thành lập, tôi lại bán vàng để lấy tiền hàng tháng trả lương cho mọi người. Chúng tôi xác định phải sống được cái đã. Tất cả anh em làm ở công ty đều nghèo, hầu hết đi bộ đi làm, chỉ vài người có xe đạp…
Đó là lý do cho đến giờ, một số thành viên hội đồng sáng lập FPT vẫn nhắc về những ngày gian khó ở số 30 Hoàng Diệu như một ký ức không thể nào quên?
- Những ngày đầu tiên, mỗi ngày, anh em đều tụ họp ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để thảo luận các ý tưởng. Chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ưu ái cho một gian phòng nhỏ tại đây, đặt một chiếc máy tính lấy chỗ làm việc.
Những ngày ở 30 Hoàng Diệu ấy, các thành viên tìm mọi cách để tồn tại.
Công ty được thành lập nhưng vốn hoạt động gần như là con số không, không có trụ sở, kinh nghiệm kinh doanh cũng ít ỏi. Khi đó, quyết tâm lớn nhất của chúng tôi là đưa máy tính về Việt Nam và phát triển công nghệ thông tin.
Chúng tôi mời anh Nguyễn Chí Công ở Viện Tính toán và Điều khiển về FPT. Anh là một trong những người tham gia nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam. Anh cũng là người thầy đầu tiên dạy nhóm chúng tôi về máy tính.
Chúng tôi cứ thế vừa học vừa nghĩ rồi tự dạy cho nhau và quyết với nhau là nghĩ rồi thì phải bắt tay vào làm, không nghĩ suông, không nói suông.
Tại sao thời điểm đó ông lại chọn hướng đi về máy tính chứ không phải lĩnh vực khoa học như ông được đào tạo?
- Khoa học là nghiên cứu còn máy tính là công nghệ. Có sản phẩm dịch vụ thì mới bán được và có tiền. Máy tính khi ấy bắt đầu vào Việt Nam nên chắc chắn lĩnh vực này rất tiềm năng.
Sau bao lâu thì nhóm ông và các đồng đội có được hợp đồng lớn đầu tiên?
- Không lâu. Sau một năm loay hoay với việc kiếm tiền duy trì sự hoạt động, FPT có hợp đồng đầu tiên - xây dựng hệ thống điều hòa không khí của Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Hợp đồng trị giá 10,5 triệu VNĐ, trong khi lương của chúng ta hồi đó chỉ khoảng 100 nghìn/tháng.
Hợp đồng thứ 2 là cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Giai đoạn trước khi về nước, tôi có thời gian làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Tôi nhận thấy, họ không có máy tính cá nhân nên chúng tôi gửi lời chào hàng.
Tôi thảo thư để anh Nguyễn Văn Đạo gửi đến Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Họ lập tức mời chúng tôi sang ngay để làm việc. Đó là hợp đồng kỷ lục về doanh thu thời điểm ấy, trị giá 10,5 triệu rúp chuyển nhượng (tương đương với 16 triệu USD thời điểm đó).
Cũng chính nhờ hợp đồng này, FPT thiết lập quan hệ với hãng máy tính Olivetti và tập trung phát triển mô hình tin học. Năm 1990, Công ty đã đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ (Financing and Promoting Technology) và vẫn giữ nguyên tên viết tắt FPT cho đến nay.
Nhiều người cho rằng, một trong những điều làm nên thành công của FPT chính là tinh thần "không biết sợ" của những người mang giấc mơ lớn. Ông đánh giá sao về nhận định này?
- Tôi nghĩ quan trọng nhất là "tinh thần đồng đội". Thời kỳ khó khăn, ai cũng phải tự cứu mình. Họ làm đủ việc, đủ nghề nhưng thường làm với tư cách cá nhân.
Còn chúng tôi là những người bạn trở thành đồng đội, cộng sự đồng hành, san sẻ yêu thương, vì nhau và cùng nhau làm điều gì to lớn. Cứu mình thì có nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, chúng tôi tha thiết mong muốn góp phần hưng thịnh quốc gia.
Thứ hai chính là "học". Thời kỳ đầu khó khăn, chúng tôi thường mua sách về đọc rồi giảng cho nhau nghe. Có lần sang thăm Đại học Harvard (Mỹ), tôi tìm được cuốn sách Mini MBA rất hay, tôi đọc và quyết định đây là cuốn sách giáo khoa đầu tiên cho toàn bộ nhân viên FPT. Thời gian đầu, ai muốn vào FPT đều phải kinh qua tất cả các phòng ban (kế toán, bán hàng, hành chính, kỹ thuật…). Sau đó nếu trả được bài thi thì mới được nhận.
Năm 1995, được sự ủng hộ các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo Nhà nước và nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo chuyên môn về kinh doanh, tôi góp sức thành lập Khoa Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học quốc gia Hà Nội.
Khoa hợp tác với khoa Quản trị kinh doanh - Trường Amos Tuck - Đại học Dartmouth đưa nhiều doanh nhân thế hệ đầu tiên ra nước ngoài học hỏi chương trình tốt nhất. Chính quá trình học hỏi đó hun đúc cho chúng tôi ước mơ "họ có thì mình phải có, họ làm được thì mình phải làm được".
Khát vọng làm chủ công nghệ, đưa Việt Nam vươn ra thế giới đã đi cùng FPT trong suốt hàng chục năm qua. Suốt quá trình đó, điều gì làm ông nhớ tới nhất?
- Năm 1998, FPT đã đứng đầu ngành công nghệ thông tin quốc gia. Hầu hết hệ thống công nghệ thông tin lớn trong nước đều do chúng tôi phát triển như: Hệ thống đặt chỗ giữ vé của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, phần mềm cho hàng loạt ngân hàng.
Chúng tôi thậm chí còn hoàn thành được những dự án đòi hỏi tiến độ gấp rút (hệ thống về thuế giá trị gia tăng cho cả nước) chỉ trong 6 tháng, trong khi những dự án dạng này quốc tế họ thường phải mất 2-3 năm mới hoàn thiện.
Tuy nhiên, cũng năm 1998 này, IBM - công ty tin học lớn nhất thế giới khi đó - rơi vào khủng hoảng. Một "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ thông tin rơi vào khủng hoảng, vì ngủ quên trên chiến thắng mà lỗ mỗi năm gần chục tỷ USD.
Tôi suy nghĩ và thấy rằng, khi người ta đứng lâu ở vị trí đứng đầu thì rất dễ bị suy thoái. Khi ấy, FPT đang đứng đầu ở Việt Nam rồi, tôi quyết định phải đưa FPT vươn ra thế giới.
Thời gian đầu "mang chuông đi đánh xứ người", hẳn là rất gian nan. Vậy cánh cửa nào đã giúp FPT bước ra thế giới?
- Trước đó, tôi có dịp đến Bangalore (Ấn Độ) và nhận ra một con đường rất sáng: Làm phần mềm. Tôi rất ngạc nhiên khi ngoài đường xe cộ, người và lợn, bò hỗn loạn nhưng trong các công ty công nghệ thì hoành tráng. Thầm nghĩ, chắc sản phẩm của họ cũng không có gì tốt lắm.
Tôi đã hỏi họ một câu rất ngô nghê: "Công nghệ các bạn làm cho Mỹ có bằng Mỹ không?". Họ đáp lại: "Cái gì chúng tôi làm thì tất nhiên phải bằng Mỹ trở lên".
Từ đó, tôi ước mơ ra thế giới bằng phần mềm. Dù đã tiếp cận với lý thuyết từ hồi ký của Bill Gates nhưng kinh nghiệm thực tế thì hoàn toàn là con số không. Biết Ấn Độ họ làm phần mềm cho Mỹ đó nhưng cụ thể như thế nào thì không ai hay.
Chúng tôi lại tìm cách học. Học một cách ngây thơ tuyệt đối. May mắn là khả năng học của chúng tôi rất nhanh. Chúng tôi lập tức nhận ra điểm mấu chốt đó là họ đều tuân theo quy trình chuẩn của thế giới: ISO. Ngay sau đó, chúng tôi đã thuê tư vấn xây dựng quy trình cho FPT.
FPT dần tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế. Khi đạt được các bộ tiêu chuẩn, chúng tôi đã chuyển luôn tới Bộ Khoa học Công nghệ để Bộ chia sẻ cho đơn vị nào cần. Tôi muốn cùng các công ty CNTT Việt Nam ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới.
Khi tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, ông đã kiên trì theo đuổi liên tục 10 năm dù không có lãi. Động lực nào giúp ông và các đồng đội của mình nhẫn nại như vậy?
- Trước khi tham gia lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT đã kiên trì phát triển đội ngũ lập trình viên mặc dù không có lãi. Sau 10 năm xây dựng, chúng tôi chỉ có 34 lập trình viên. Tôi nói với mọi người: Tôi muốn cuộc họp có hàng ngàn lập trình viên. Để làm việc đó, chúng tôi mở công ty ở Silicon Valley (Mỹ).
Kết cục là thất bại, hết một năm không một hợp đồng, cả triệu USD mất trắng. Tôi tiếp tục "đưa" công ty sang Ấn Độ vì ngây thơ nghĩ rằng, nơi đây là khu chợ công nghệ của thế giới, mình có cái sạp, khách hàng đến thấy mình có cái sạp ở đó thì cũng giao việc. Nhưng tôi đã nhầm và lại thất bại ê chề. Tiền vốn dần cạn kiệt.
Bài học lớn ở đây là gì, thưa ông?
Là phải hiểu mình, tin vào tiềm lực nội tại của mình và không có gì phải e ngại, sợ hãi.
Khi người Việt không bán được hàng, chúng tôi thuê một chuyên gia bán hàng người Mỹ nhưng anh này vẫn không thể mang về hợp đồng dù hứa rất nhiều. Để mở đường trong giai đoạn khó khăn, tôi đích thân đi chào hàng các đối tác.
Điểm đến đầu tiên là IBM vì khi đó chúng tôi là khách hàng mua rất nhiều máy của IBM. Tôi tự hỏi: Mình mua nhiều hàng của IBM sao IBM không mua hàng của FPT? Tôi yêu cầu IBM Việt Nam bố trí để tôi sang gặp IBM Mỹ.
Một mình tôi sang Mỹ. Bước vào phòng họp, tôi ngạc nhiên có 20 giám đốc IBM các nước đang ngồi. Họ nói: "Sao lại là Việt Nam?" - như một lời từ chối khéo.
Họ nhìn tôi sốt ruột chờ đợi xem ông này nói cái gì? Tôi lững thững lên bảng cầm bút viết - một thói quen tôi thường dùng để diễn giải vấn đề. Tôi tiếp tục vận dụng kiến thức toán học, vẽ biểu đồ "waterfall" - thác số.
Họ chăm chú lắng nghe tôi giải thích: Người Việt Nam rất nhiều, như là nước. Muốn tạo ra năng lượng, thủy điện thì cần rất nhiều nước và vực sâu về thu nhập đầu người. Việt Nam là điểm tốt nhất, cần giao việc cho người Việt. Một sản phẩm làm ra, dù ở đâu thì đầu ra cũng như nhau. Nhưng nếu trả lương cho một người Mỹ, người Nhật phải gấp 3-5 lần cho người Việt Nam.
Đó là lý do tại sao các đối tác nên lựa chọn Việt Nam. Đối tác ngồi nghe như thấy có một "luồng điện giật" và nhận thấy đó là điểm mấu chốt quan trọng nhất. Ngay sau đó họ đã đưa người sang Việt Nam để triển khai các bước tiếp theo.
Sang năm 2000, tôi cùng đồng nghiệp đi tìm kiếm thị trường phần mềm trên khắp thế giới. Trong quãng thời gian này, tôi đã gặp ông Nishida, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản.
Ông Nishida đồng cảm với tôi về ý tưởng Thác số - Cầu vượt và đây được coi là "cuộc gặp may mắn của số phận". Ông Nishida đã khuyên chúng tôi nên sang Nhật đồng thời tận tình giúp đỡ, thu xếp các cuộc gặp gỡ với rất nhiều đối tác Nhật.
Cuối cùng, cũng có một khách hàng là NTT-IT cảm nhận được nhiệt huyết của chúng tôi và gửi email hỏi FPT có muốn làm thử hay không. Người Nhật Bản sẽ chọn bạn nếu thấy bạn thực sự quyết tâm.
Ông nghĩ sao khi đến thời điểm này, nhiều người vẫn cho rằng, FPT đơn thuần chỉ là đơn vị thành công với việc gia công phần mềm?
- Gia công cũng tốt chứ sao? Những công ty danh tiếng thế giới như IBM, NTT, KPMG… đều gia công cả. Có thể đây là vấn đề ngôn ngữ, dịch từ "outsourcing" thành "gia công" gây sự hiểu lầm là công việc đơn giản. Nếu được chọn lại tôi sẽ dịch là "thuê ngoài".
Muốn đánh giá một công ty thì đầu tiên phải kể đến doanh thu, số lượng nhân viên, khả năng thực thi các dự án và những trải nghiệm về công nghệ cao.
FPT hiện nay có gần 7 vạn lao động, đang làm việc tại nhiều quốc gia. Một công ty có gần 7 vạn người trên thế giới là rất ổn rồi. Chúng tôi thậm chí có quy mô lớn hơn rất nhiều khách hàng, đối tác lớn của mình.
Nghiên cứu, đầu tư, phát triển những công nghệ cao như IoT, AI, Blockchain… và có chỗ đứng trên toàn cầu, FPT đều có hết. Đó là đẳng cấp. Về đối tác, chúng tôi có hàng trăm công ty khách hàng thuộc top 500 của thế giới tại các châu lục. Có những phần mềm, giải pháp trong top 6 thế giới như akaBot.
Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực suốt 35 năm và đến lúc này chúng tôi bắt đầu làm những việc tốt nhất thế giới. Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến chúng tôi.
Chúng tôi ngập tràn hy vọng ngày hưng thịnh quốc gia đang đến gần.
"Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam và Mỹ giờ đây coi Việt Nam là một "đối tác quan trọng trong khu vực". Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung; với hàng loạt dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp... Một số doanh nghiệp Nhật Bản - khách hàng của chúng tôi cũng muốn đầu tư mạnh hơn nữa tại Việt Nam. Điểm cạnh tranh của Việt Nam đó là tính toàn cầu. Việt Nam học hỏi từ các quốc gia khác, nhìn nhận những mô hình hiệu quả trên thế giới rồi ứng dụng theo cách thức riêng của mình. FPT cũng sẵn sàng đón nhận cơ hội này. Đã đến lúc thế giới cần đến Việt Nam", ông Trương Gia Bình nói. |
Ông đang dành nhiều tâm sức cho công cuộc giáo dục, đào tạo nhân tài. Phải chăng đó là cách ông ươm mầm một thế hệ mới, để viết tiếp khát vọng Việt Nam hùng cường, giống như cách những người như ông đã được nhà nước chăm lo thuở trước?
- 35 năm, tôi và những đồng đội của mình chưa bao giờ quên khát vọng "hưng thịnh quốc gia". Chúng tôi rất biết ơn những người đã gieo khát vọng về một đất nước hùng cường trong lòng những lứa học sinh giỏi của đất nước ngày đó.
Có một dịp, tôi đã đến nói chuyện với PGS Đặng Quốc Bảo rằng tôi muốn trả ơn đất nước bằng cách bồi dưỡng những người tài.
Năm 1999, tôi thành lập Trung tâm Tài năng trẻ FPT (FPT Young Talents), mỗi năm tuyển các bạn học sinh tài năng để bồi dưỡng, trao học bổng, cho học chuyên sâu về công nghệ… Chúng tôi cũng mời những chuyên gia, chính khách lớn đến nói chuyện.
Có rất nhiều bạn đã trưởng thành, vào làm việc ở các công ty lớn, trở thành giáo sư, tiến sĩ và đang viết tiếp khát vọng quốc gia dân tộc hưng thịnh, vươn ra thế giới.
Động lực giúp thế hệ doanh nhân như ông đi lên là "rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu", với thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay, theo ông động lực cho họ là gì?
- Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa ra mục tiêu Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao vào năm 2045. Điều này có nghĩa là GDP bình quân đầu người đâu đó phải đạt trên 12.000 USD. Con số ở thời điểm hiện tại là 4.110 USD.
Đến năm 2030 theo dự báo kinh tế tư nhân chiếm khoảng 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế. Con số này có nghĩa là kinh tế tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng trong mục tiêu đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu và đây là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng Dân trí!
Khi đi ra quốc tế đâu đó vẫn có những câu chuyện không tốt về phong cách kinh doanh của người Việt, như việc không giữ chữ tín, chào hàng một đằng giao hàng một nẻo. Ông nhìn nhận ra sao về câu chuyện này? Ông Trương Gia Bình: Tất nhiên ở đâu cũng có chuyện này chuyện kia, người này người kia. Song khi hợp tác ở nước ngoài, chúng tôi rất được quý mến, nhiều khi nhận điểm 100/100. Tôi nhận thấy có một điểm yếu nhiều người Việt hay gặp phải đó là sự kém dạn dĩ, thiếu tự tin. Điều quan trọng là chúng ta phải bỏ qua nỗi sợ hãi và hãy luôn nhớ rằng, từ xưa đến nay dân tộc Việt Nam không bao giờ cúi đầu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới rộng lớn này. Nhưng cần biết cách phải làm sao để cách mình đến là "cho" chứ không phải "xin". |
Theo Dân trí
Kinh tế Mỹ gặp khó trước nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa |
Làm gì khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc? |
ADB cập nhật dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam |