Tiền rẻ sẽ chảy vào đầu cơ?
Nhiều người lo ngại nếu tiền tệ tiếp tục được bung ra nới lỏng với định giá giá vốn thấp, thì thời kỳ tiền rẻ quay trở lại và sẽ chảy vào các kênh đầu cơ, các kênh tài sản phi sản xuất.
Tại thời điểm cuối 2021, lãi suất huy động dài hạn cao nhất trong hệ thống ở khoảng 7,1%/năm (theo biểu niêm yết); lãi suất cao nhất ở nhóm Big 4 là 5,6%/năm. Tại thời điểm cách đây 2 tuần, lãi suất cao nhất của nhóm Big 4 về mức thấp hơn tại 2021; lãi suất huy động dài hạn trong hệ thống hiện cũng đã về 7%/năm.
Cập nhật đến 12/9, biểu lãi suất niêm yết của 34 ngân hàng trên toàn hệ thống ghi nhận chỉ còn 1 ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với các kỳ hạn 1 tháng đến 9 tháng; nhóm ngân hàng Bảo Việt, CBBank, OCB, Đông Á…đang trả lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng.
Tuy nhiên, lưu ý là mặc dù hệ thống vẫn còn những khoản huy động dài hạn 12 tháng trước mà chưa đến kỳ đáo hạn, lãi suất đều đặn vẫn từ trên 9% chưa kể lãi kép...
Dù vậy, tạm thời có thể xem tiền rẻ đã quay trở lại.
Song trên đây chỉ mới là so sánh “dàn ngang” lãi suất đầu vào, còn lãi suất đầu ra vẫn đang có sự khác biệt so với 2021, chưa kể các khoản phí cộng thêm như mua bảo hiểm (nhân thọ hoặc phi nhân thọ), phí định giá, phí đăng ký thế chấp,…
Vấn đề thứ hai là có thể tiếp cận được dòng “tiền rẻ” này không? Cũng tính trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của toàn hệ thống TCTD tại Việt Nam tăng 6,66% so với đầu năm và tăng 1,13% so với tháng 6. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2023, chỉ đạt 4,56%, thấp hơn cả mức 4,73% tại thời điểm cuối tháng 6. Điều này cho thấy không chỉ nền kinh tế hấp thụ vốn yếu mà doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau đại dịch.
Bản thân ngành ngân hàng cũng gặp khó khăn khi như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu là “Nếu đẩy tăng trưởng tín dụng, nợ xấu sẽ lên”, với lợi nhuận cao của những năm trước bị bào mòn bởi NIM thu hẹp, thu phí dịch vụ giảm, đặc biệt giảm mảng bancassurance, hết thời lãi lớn từ chứng khoán đầu tư… Theo đó, ngân hàng sẽ phải đặt an toàn vốn, chất lượng tài sản lên hàng đầu và đặt tiêu chuẩn tín dụng lên hàng đầu. Và cũng vì vậy mà xuất hiện một hiện tượng, tạm thời có thể xem như nghịch lý ngắn hạn khi nhiều chương trình cho vay đã có mức lãi suất ưu đãi hạ về thấp hơn cả huy động (!).
Theo đó, bên khát vốn cần vay, bên có tiền muốn ào ạt cho vay nhưng cũng không dễ dàng; vốn có rẻ cũng khó có thể chảy vào đầu cơ, nhất là khi đầu cơ chứng khoán được nhận định khó còn cơ hội “lãi bằng lần”; còn bất động sản chưa có tín hiệu hoàn toàn ấm lên.
Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính/
Diễn đàn Doanh nghiệp