Phát triển kinh tế biển xanh, bền vững
(PetroTimes) - Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách lớn, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Ngày 12/8/2023, tại Quân cảng Nha Trang, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng phối hợp tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật "Mạnh giàu từ biển quê hương".
Chương trình được tổ chức để nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về các vùng biển, đảo từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, triển vọng về phát triển kinh tế biển cùng những vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Nội dung chương trình kể lại những câu chuyện xúc động về tinh thần giữ biển, bám biển và vượt qua muôn trùng khó khăn để làm giàu từ biển của hàng triệu người dân, cán bộ, chiến sỹ gắn bó với biển, đảo. Chương trình được thể hiện với những hình ảnh đặc sắc, độc đáo, các nhân vật trải nghiệm, và câu chuyện thú vị về biển, đảo.
Đại diện Agribank (thứ 4 từ phải sang) nhận hoa và Bằng khen của Ban tổ chức chương trình "Mạnh giàu từ biển quê hương" (Ảnh: Ngọc Thành - VOV) |
Là Ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã triển khai đồng bộ các cơ chế tín dụng để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Agribank luôn dành sự quan tâm thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế biển và ven biển thông qua cho vay phát triển thủy sản, đồng hành cùng ngư dân cả nước, triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương.
Đến 31/7/2023, dư nợ cho vay kinh tế biển của Agribank đạt gần 67.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho hơn 12.000 tàu xa bờ vươn khơi bám biển, đầu tư hỗ trợ người dân ven biển nuôi trồng thủy sản...
Chỉ tính riêng chương trình tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 về chính sách phát triển thủy sản, Agribank triển khai cho vay trên địa bàn 27/28 tỉnh ven biển để ngư dân đóng mới nâng cấp trên 600 tàu với doanh số cho vay lũy kế gần 6.000 tỷ đồng. Nhiều đội tàu công suất lớn, hiện đại trên cả nước được hình thành từ nguồn vốn này.
Nguồn vốn Agribank đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển |
Agribank đồng thời triển khai chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp quy định tại Nghị quyết số 68/2013/QĐ-TTg theo đó, cho vay đối với các dự án đầu tư máy, thiết bị, dây chuyền nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trong đó có các loại máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy...), các loại máy sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản; triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường đối với các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Trong những năm qua, Agribank quan tâm đầu tư, cho vay các dự án phát triển du lịch biển, khai thác dầu khí, tài nguyên biển, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Nguồn vốn tín dụng đầu tư không chỉ giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện hiệu quả khai thác tài nguyên du lịch và tài nguyên khoáng sản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, mà còn tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân khu vực ven biển và hải đảo.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, nguồn vốn Agribank khuyến khích cho vay các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, góp phần hỗ trợ thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, cũng như công tác bảo vệ môi trường biển, tiết kiệm, tái tạo tài nguyên biển đã nêu tại Nghị quyết 36-NQ/TW.
Bên cạnh triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng, trong nhiều năm qua, Agribank luôn dành sự quan tâm, đóng góp xây dựng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về biển đảo, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về vị trí, vai trò quan trọng của biển đảo Việt Nam; cùng những hoạt động thiết thực, hỗ trợ vật chất và tinh thần, mang hơi ấm và tình cảm của đất liền động viên cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió: ủng hộ xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đảo Cô lin, tặng xe ô tô bán tải cho đảo Sinh Tồn; trao tặng tủ thuốc, Cờ Tổ quốc giúp ngư dân vươn khơi bám biển…
Trong chuyến thăm, kiểm tra và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 3 năm 2023, Agribank ủng hộ 1,5 tỷ đồng chương trình "Xanh hóa Trường Sa", góp phần tạo cảnh quan môi trường sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo Tổ quốc.
Thanh Ngọc