Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (16-22/7/2023)
(PetroTimes) - ADNOC ký thỏa thuận LNG "khủng" với Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ; Gazprom có thể vĩnh viễn mất 65-75% thị phần trên thị trường châu Âu; Công ty dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới tạm ngừng giao dịch với Nga; Shell chốt hợp đồng LNG dài hạn với một quốc gia Bắc Phi… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Gã dầu mỏ khổng lồ Aramco của Ả Rập Xê-út hôm thứ Sáu (ngày 21/7) thông báo rằng họ đã hoàn tất việc mua lại 10% cổ phần của một công ty hóa dầu Trung Quốc, như một phần mở rộng hợp tác với nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Aramco và Rongsheng Petrochemical diễn ra hồi tháng 3/2023. Thỏa thuận quy định Aramco sẽ phải cung cấp 480.000 thùng dầu/ngày cho một nhà máy lọc hóa dầu thuộc sở hữu của một công ty con thuộc Rongsheng.
Cơ quan giám sát cạnh tranh ở Ý hôm thứ Tư (ngày 19/7) thông báo rằng họ đã mở các cuộc điều tra 7 tập đoàn năng lượng, bao gồm Eni, Esso và IP, vì bị nghi ngờ có liên quan đến cáo buộc thông đồng tăng giá nhiên liệu. Các nhà khai thác dầu này, kể cả Iplom, Q8, Tamoil và Saras, “có lẽ đã bắt tay nhau cùng xác định giá trị cần thiết với nhiên liệu”, cơ quan giám sát cho biết. Luật pháp nước Ý quy định rằng ít nhất 10% nhiên liệu phải được trộn với nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, giá nhiên liệu “đã tăng từ 20 euro/m3 vào năm 2019 lên khoảng 60 euro/m3 vào năm nay”, cơ quan chống độc quyền của Ý lưu ý trong một thông cáo báo chí. Cơ quan quản lý cạnh tranh cho biết họ phản đối việc tăng giá “cùng lúc”, và việc này có thể đã được quyết định thông qua “trao đổi thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các công ty có liên quan”.
Công ty Dầu Quốc gia ADNOC của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mới đây đã công bố một thỏa thuận kéo dài 14 năm trị giá 7 - 9 tỷ USD với Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC.NS) để cung cấp 1,2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm. Thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới UAE vào tuần trước, IOC cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Hiệp ước thương mại của Ấn Độ với UAE cho phép nước này nhập khẩu LNG mà không phải trả thuế nhập khẩu 2,5%.
Công ty dầu khí thuộc nhà nước Nga Zarubezhneft đang lên kế hoạch rút khỏi dự án dầu khí Tuna của Harbor Energy, ngoài khơi Indonesia, do những khó khăn đến từ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga, Upstream Online đưa tin. Quyết định của Zarubezhnefts được đưa ra bất chấp việc Moscow duy trì quan hệ gần gũi với Indonesia, quốc gia không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế được đưa ra khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Các nhà chức trách Nga đã đồng ý tăng giá khí đốt theo quy định đối với khách hàng trong nước để tăng cường tài chính cho gã khổng lồ Gazprom do nhà nước kiểm soát. Việc tăng giá chỉ áp dụng cho Gazprom - được các nhà chức trách coi là nhà cung cấp khí đốt độc quyền - không áp dụng cho các nhà sản xuất khí đốt độc lập, như Novatek - không bắt buộc phải bán sản phẩm của mình theo giá cố định của chính phủ. Từ năm 2014 - 2021, Điện Kremlin đã đồng ý mức tăng giá khí đốt hằng năm của Gazprom từ 2 - 7%. Gazprom dự kiến sẽ sử dụng doanh thu bổ sung để xây dựng các đường ống mới nhằm tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn, đồng thời chi cho đầu tư và bảo trì chung.
Cũng trong tuần qua, BCS World of Investments cho biết trong một báo cáo, Gazprom có thể sẽ mất vĩnh viễn 65-75% thị phần trên thị trường khí đốt châu Âu. Trong khi đó, giá khí đốt ở Liên minh châu Âu tiếp tục giảm và có thể giảm sâu hơn nữa vào cuối mùa hè do các cơ sở lưu trữ ngầm bị quá tải. Trước đó, Hội đồng quản trị của Gazprom đã phê duyệt chiến lược phát triển dài hạn của công ty giai đoạn 2024 -2033, đồng thời chỉ đạo người đứng đầu công ty Aleksey Miller loại trừ thị phần ở thị trường khí đốt châu Âu khỏi hệ thống hoạch định chiến lược.
Ngày 14/7, Công ty dịch vụ dầu mỏ SLB (với tên gọi trước đây là Schlumberger) cho biết họ đang tạm dừng cung cấp thiết bị, dịch vụ và công nghệ vào Nga từ tất cả các địa điểm trong bối cảnh phương Tây tăng các biện pháp trừng phạt. SLB - nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, là một trong số ít các nhà cung cấp tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ tại Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Lệnh cấm mới nhất của công ty sẽ tăng các hạn chế đối với Nga - vốn đã có từ năm 2022 - ở nhiều quốc gia hơn. Động thái này được đưa ra "để đáp lại việc quốc tế tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga", công ty cho biết trong thông cáo báo chí.
Shell sẽ cung cấp cho Ma-rốc 0,5 tỷ m3 (bcm) khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hằng năm theo hợp đồng 12 năm, Bộ Năng lượng của quốc gia Bắc Phi này cho biết. Thỏa thuận này được ký kết giữa công ty điện nước ONEE và Shell, thông cáo của Bộ Năng lượng cho biết mà không tiết lộ các điều khoản tài chính của giao dịch giữa hai công ty. Bộ Năng lượng cho biết, ban đầu khí đốt sẽ được vận chuyển từ các cảng của Tây Ban Nha, sử dụng một đường ống dẫn khí nối liền hai nước, cho đến khi Ma-rốc xây dựng các cảng LNG của riêng mình.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (17-23/4/2023) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (10-15/7/2023) |
Nh.Thạch