Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (10-15/7/2023)
(PetroTimes) - BP và TotalEnergies trúng thầu hàng loạt trang trại điện gió ngoài khơi ở Đức; Gazprom tìm cách tịch thu tài sản thế chấp của Deutsche Bank; TotalEnergies bắt đầu khai thác mỏ khí khổng lồ ở Azerbaijan… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Hai gã khổng lồ dầu mỏ BP (Vương quốc Anh) và TotalEnergies (Pháp) đã trở thành người chiến thắng trong đợt gọi thầu cho dự án trang trại điện gió ngoài khơi ở Đức. Với công suất lắp đặt là 7 GW và trị giá 12,6 tỷ euro (13,96 tỷ USD), dự án này đã bật lên sức hấp dẫn của những tài sản năng lượng tái tạo trên khắp châu Âu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh những đại gia dầu mỏ châu Âu đang tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh ít carbon của họ, bằng cách tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo - một thị trường đang nở rộ vì tính hữu ích, dù rằng trong những năm gần đây, lợi nhuận từ dự án năng lượng mặt trời và gió đang bị lung lay, do những hạn chế về chuỗi cung ứng và tình trạng gia tăng lãi suất.
Công ty Thăm dò và Khai thác (E&P) khổng lồ Exxon Mobil đã đồng ý mua lại nhà phát triển các giải pháp thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), Denbury Inc. trong một giao dịch toàn bộ cổ phiếu trị giá 4,9 tỷ USD, tương đương 89,45 USD/cổ phiếu. Denbury tái chế CO2 thông qua các hoạt động thu hồi dầu tăng cường (EOR) và sử dụng nó để sản xuất loại dầu thân thiện hơn với môi trường. Công ty sở hữu mạng lưới đường ống CO2 lớn nhất tại Mỹ với chiều dài 1.300 dặm, bao gồm gần 925 dặm đường ống CO2 ở Louisiana, Texas và Mississippi, cũng như 10 địa điểm trên bờ. Việc mua lại là một phần trong các dự án CCUS mới được triển khai của ExxonMobil. Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods nói rằng hoạt động kinh doanh carbon thấp của công ty có tiềm năng vượt trội so với hoạt động kinh doanh dầu khí truyền thống trong vòng một thập kỷ và tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ USD.
Nga có khả năng sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt lên Công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine, nếu công ty này tiếp tục có thêm những hành động kinh doanh không lành mạnh. Ông Dmitry Peskov - Phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết. Trước đó, ông Alexey Miller - Chủ tịch Ủy ban Điều hành Gazprom, cũng gợi ra khả năng Nga trừng phạt Naftogaz nếu cần thiết. Cụ thể, ông Miller cho biết, Naftogaz của Ukraine tiếp tục đưa ra những yêu sách bất hợp pháp về việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Đồng thời, bản thân công ty cũng đã “vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với những lý do bịa đặt”.
Theo hồ sơ nộp lên tòa án Saint Petersburg, RusKhimAlyans - một chi nhánh của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom yêu cầu tịch thu tài sản thế chấp của những công ty con thuộc ngân hàng Deutsche Bank, với lý do chưa thanh toán những khoản bảo lãnh ngân hàng. Deutsche Bank đã từ chối bình luận về động thái của RusKhimAlyans. Theo tài liệu mà Reuters nắm được, vụ kiện lần này có liên quan đến khoản bảo lãnh ngân hàng trị giá 238,1 triệu euro (261 triệu USD) từ tháng 9/2021. Theo những tài liệu mà Tòa trọng tài Saint Petersburg và Vùng Leningrad công bố vào tuần trước, RusKhimAlyans đã đệ đơn kiện đòi tổng cộng 31 tỷ rúp (339 triệu USD) từ Deutsche Bank và ngân hàng Commerzbank. Cụ thể, RusKhimAlyans đòi bồi thường hơn 22 tỷ rúp từ Deutsche Bank và hơn 8 tỷ rúp từ Commerzbank. Theo tòa án, RusKhimAlyans muốn tịch thu 100% tài sản thế chấp của 2 công ty con của Deutsche Bank tại Nga, là Deutsche Bank Limited Liability Company và Deutsche Bank Technology Centre.
Iraq và Tập đoàn dầu khí TotalEnergies của Pháp mới đây đã ký một thỏa thuận năng lượng trị giá 27 tỷ USD bị trì hoãn từ lâu nhằm mục đích tăng sản lượng dầu và nâng cao năng lực khai thác năng lượng của Iraq với 4 dự án dầu, khí đốt và năng lượng tái tạo. Được ký ban đầu vào năm 2021, thỏa thuận này đã vấp phải sự chậm trễ trong bối cảnh tranh chấp giữa các chính trị gia Iraq về các điều khoản, nhưng cuối cùng đã được chốt lại vào tháng 4 khi Iraq đồng ý mua một lượng cổ phần nhỏ hơn so với yêu cầu ban đầu trong dự án là 30%. TotalEnergies nắm giữ 45% cổ phần trong dự án, Công ty dầu mỏ nhà nước Basrah với 30%, trong khi QatarEnergy nắm giữ 25% còn lại.
Cũng trong tuần qua, TotalEnergies và Công ty Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) đã bắt đầu khai thác từ giai đoạn phát triển đầu tiên của mỏ khí đốt khổng lồ Absheron ngoài khơi Azerbaijan. Giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển mỏ Absheron, sản lượng khai thác ước tính sẽ đạt khoảng 4 triệu m3 khí đốt mỗi ngày và 12.000 thùng khí ngưng tụ mỗi ngày. Khí đốt từ mỏ sẽ được bán trên thị trường nội địa của Azerbaijan. TotalEnergies và SOCAR mỗi bên nắm giữ 50% trong dự án mỏ Absheron, được điều hành bởi Công ty điều hành chung Absheron Oil.
Tập đoàn năng lượng OMV của Áo sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga theo hợp đồng cung cấp dài hạn bất chấp lệnh trừng phạt, Giám đốc điều hành Alfred Stern cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times đăng hôm Chủ nhật 9/7. "Miễn là Gazprom còn cung cấp khí đốt, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục mua khí đốt theo hợp đồng này từ Gazprom", ông Stern nói.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (17-23/4/2023) |
Nh.Thạch