Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động ở 8 địa phương đến khi nào?
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) giải thích việc tạm dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc ở 8 địa phương là để chờ xem xét, ký thỏa thuận mới trong năm 2023.
Tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc với 8 huyện thuộc 4 tỉnh phía Bắc |
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động Hàn Quốc |
Tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc tại 8 huyện, thành phố |
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa thông tin nhiều nội dung liên quan việc Hàn Quốc thông báo tiếp tục tạm dừng tiếp nhận lao động tại 8 địa phương ở Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) đến nay vẫn còn hiệu lực. Do đó, đầu năm nay vẫn tiếp tục phải thực hiện việc tạm dừng này.
"Việc tạm dừng tiếp nhận lao động hiện chỉ là đợt 1 năm 2023, sau đó 2 nước sẽ ký lại thỏa thuận mới. Trong quá trình ký lại, hai bên sẽ trao đổi lại về chuyện có nên tiếp tục tạm dừng tiếp nhận lao động ở các địa phương đã nêu hay không bởi thỏa thuận cũ đã không còn phù hợp", ông Liêm thông tin.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) |
Theo vị lãnh đạo Cục, hiện nay, tình trạng người lao động Việt Nam ở lại quá thời hạn, cư trú bất hợp pháp tại nước bạn đã tạo nên hình ảnh không tốt. So với các nước khác, tỉ lệ người lao động Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng cao hơn. Điều đó làm ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc cũng như hình ảnh của người Việt làm việc tại nước ngoài.
"Việc lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp gây ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc của các lao động tại quê nhà", ông Liêm nói.
Đề cập tới tình trạng một số tổ chức, cá nhân có thể giúp cho người lao động vượt qua kỳ thi sang Hàn Quốc, ông Liêm khẳng định không có chuyện này. Ông lý giải, công tác tổ chức thi hành hiện nay đã được đổi mới nghiêm ngặt, tất cả đều được công khai trên máy và người lao động thông qua mã số của mình có thể nắm được tình hình.
Bên cạnh đó, tất cả các vấn đề lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được tuyển chọn đào tạo đều công khai thông qua Sở LĐ-TB&XH địa phương, tránh được tình trạng thông qua các tổ chức trung gian "cò mồi" như trước đây.
Lao động chờ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay |
"Người dân phải mất tiền cho các bên trung gian, cò mồi nên phải trốn lại là không còn xảy ra nữa", Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nói.
Ông Liêm cho biết, để hạn chế tình trạng bỏ trốn, Trung tâm lao động ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cũng có bộ phận quản lý lao động bên đó phối hợp với các trung tâm hỗ trợ người lao động phía Hàn Quốc để kịp thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh cho người lao động.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền về các chính sách pháp luật của Hàn Quốc để người lao động nắm và tuân thủ quy định, tránh tình trạng làm việc bất hợp pháp hoặc ở lại quá hạn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tới gia đình người lao động ở trong nước và trực tiếp tới người lao động tại Hàn Quốc để vận động người lao động về nước đúng quy định.
Đầu tháng 3/2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với tám huyện đến hết năm 2022. Đó là TP Chí Linh (Hải Dương); huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Các huyện, thị xã này có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn, từ 70 người trở lên, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc tạm dừng không áp dụng với người dự tuyển ngành ngư nghiệp; lao động đi theo chương trình EPS về nước đúng hạn và người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời gian Hàn Quốc miễn phạt. |
Theo Sơn Nguyễn/ Dân trí