Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/3/2023
(PetroTimes) - Moscow đối diện nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường dầu mỏ Ấn Độ; UAE và Saudi Arabia dẫn đầu Trung Đông về năng lượng tái tạo; Nhật Bản tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 5/3/2023.
Tàu chở dầu bốc hàng tại Kozmino ở Nga. Ảnh: Nakhodka Maritime Services |
Nga đối diện nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường dầu mỏ Ấn Độ
Ấn Độ - một trong những đối tác thương mại chính của Nga đã cấm tàu chở dầu và tàu chở hàng rời có tuổi đời trên 25 năm vào các cảng của nước này. Theo giải thích, New Delhi đang lên kế hoạch giải quyết vấn đề lão hóa đội tàu buôn gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó đến tháng 12/2022, Nga có khoảng 50% tàu chở dầu trên 15 tuổi. Một số lượng lớn tàu cũ như vậy được liên kết với "hạm đội bóng tối" - đội tàu chở dầu cho Nga, nhờ đó nước này vượt qua được các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Số lượng những con tàu nói trên theo nhiều ước tính khác nhau thì dao động trong khoảng 100 đến 550 tàu.
Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới không phân biệt đối xử với tàu cũ, nhưng lệnh cấm của Ấn Độ dự báo sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với việc Nga khi tiếp cận thị trường năng lượng đất nước Nam Á này.
UAE và Saudi Arabia dẫn đầu Trung Đông về năng lượng tái tạo
Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P), Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đang dẫn đầu khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với việc sản xuất 90% sản lượng năng lượng tái tạo của vùng Vịnh.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Mỹ này cho biết, vào cuối năm 2021, công suất của các nhà máy năng lượng mặt trời ở hai quốc gia này đã tăng lên 3 GW từ mức 165 MW của năm 2016, trong đó UAE chiếm tới 77% tổng sản lượng phát điện khu vực từ năng lượng tái tạo trong năm 2021.
Theo báo cáo của S&P, Saudi Arabia và UAE dự định tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. S&P cho rằng các kế hoạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể giúp hai nước Trung Đông này đạt được các mục tiêu về khí hậu. Hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ cũng đã nêu bật vai trò của chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, thông qua việc thiết lập các khuôn khổ hợp tác công tư.
Nhật Bản tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga
Nhật Bản nối lại việc nhập khẩu dầu của Nga sau 8 tháng gián đoạn, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp của nước này mới đây cho biết. Trước đó, Nhật Bản ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga vào tháng 5 năm ngoái.
Theo dữ liệu sơ bộ về nhập khẩu dầu thô do Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản công bố ngày 28/2, Nhật nhận được 747.706 thùng dầu thô trong tháng 1 từ dự án dầu khí Sakhalin-2 ở Viễn Đông, Nga. Việc giao hàng được thực hiện thông qua công ty Taiyo Oil của Nhật Bản. Người phát ngôn của công ty cho biết lô hàng này là một phần của khối lượng dầu thô còn lại theo hợp đồng năm 2022.
Cuối năm ngoái, Nhật Bản áp giá trần đối với dầu nhập khẩu của Nga như một phần trong nỗ lực nhằm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Moskva. Các biện pháp do Mỹ đưa ra và được G7, EU, Australia ủng hộ. Tuy nhiên, Tokyo không giới hạn nhập khẩu dầu từ dự án Sakhalin-2, nói rằng một động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của nước này.
Algeria phát triển điện năng lượng mặt trời ở sa mạc
Ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria, ông Mohamed Arkab, đã thông báo nước này sẽ triển khai thử nghiệm hệ thống lưu trữ điện năng cho hai nhà máy điện năng lượng mặt trời mới có công suất lần lượt là 3 và 4 MW.
Các nhà máy này do Tập đoàn Điện lực và Khí đốt Algeria (Sonelgaz) đầu tư xây dựng và vận hành tại tỉnh Djanet, nằm hoàn toàn trong sa mạc Sahara. Bộ trưởng Arkab cho biết đây là lần đầu tiên Algeria tiến hành thử nghiệm này trong lĩnh vực sản xuất và lưu trữ 100% năng lượng mặt trời. Ông đồng thời khẳng định loại nhà máy điện này sẽ tiếp tục được xây dựng tại tất cả các khu vực sa mạc xa xôi ở phía Nam đất nước với mục đích giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên và dầu diesel trong sản xuất điện.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Năng lượng tái tạo Algeria, bà Samia Moualfi, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng này là một chiến lược của Algeria để đạt được tỷ lệ 30% năng lượng tái tạo vào năm 2035. Trước đó, trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, Algeria đã đặt mục tiêu giảm 7% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và cho biết có thể nâng tỷ lệ này lên 22% nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính quốc tế.
Iran cho phép thanh sát viên quốc tế kiểm tra cơ sở hạt nhân
Thông tấn Interfax hôm nay (5/3) dẫn lời Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi xác nhận, "Iran quyết định tự nguyện cho phép IAEA thực hiện các hành động xác minh và giám sát phù hợp" tại các cơ sở hạt nhân của nước này. "Các điều khoản cụ thể sẽ được thống nhất trong khuôn khổ cuộc họp mang tính kĩ thuật tới đây", ông Grossi khẳng định.
Theo một số hãng tin, Tehran nhất trí để IAEA tiếp tục vận hành các máy quay giám sát tại các cơ sở hạt nhân. Đây là động thái giải toả phần nào lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân Iran, trong bối cảnh các bên chưa tìm được cách cứu vãn thoả thuận 2015.
Từ phía Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi hy vọng IAEA không bị các cường quốc ảnh hưởng. Ông Raisi cũng đề cập tới việc Iran mong muốn sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/3/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/3/2023 |
H.T (t/h)