Thực hư việc UAE xem xét rời OPEC
Thị trường dầu thế giới đã biến động mạnh sau khi có tin Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) xem xét rời khỏi OPEC, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ với 13 thành viên hùng mạnh nhất.
Trong phiên giao dịch ngày 3/3 tại thị trường New York, giá dầu Brent đã giảm tới 2,8% sau thông tin này. Tuy nhiên, sau đó diễn biến đã chuyển biến tích cực khi UAE bác bỏ thông tin này. Giá dầu Brent đã hồi phục trở lại, giao dịch ở mức 85,23 USD/thùng, tăng 0,57% so với ngày trước đó.
Thị trường dầu biến động mạnh sau tin UAE xem xét rời khỏi OPEC (Ảnh: Reuters). |
Nguồn tin của Reuters cho biết, việc một tờ báo đưa tin UAE đang cân nhắc rời khỏi OPEC là "không đúng sự thật".
Trước đó, nguồn tin giấu tên của Wall Street Journal cho hay, UAE đang thảo luận về việc rút khỏi OPEC trong bối cảnh rạn nứt ngày càng tăng với đồng minh thân cận lâu năm - Saudi Arabia.
UAE là thành viên quan trọng của OPEC. Đây là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của nhóm, sau Saudi Arabia và Iraq. Do đó, việc UAE rời khỏi OPEC sẽ có tác động đáng kể đến sức ảnh hưởng của OPEC trên toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này lại cho phép UAE theo đuổi các kế hoạch sản xuất dầu riêng phù hợp với lợi ích nước này. Abu Dhabi từng nhiều lần muốn tăng sản lượng dầu để thúc đẩy nguồn thu nhưng bị hạn chế bởi cam kết sản lượng của OPEC+, nhóm do nhà sản xuất dầu lớn nhất Saudi Arabia nắm quyền chi phối.
Thực tế, theo CNBC, ý tưởng rời khỏi OPEC không hề mới. UAE được cho là đã tranh luận về việc rời khỏi liên minh dầu mỏ trong nhiều năm. Nhưng gần đây chủ đề này mới được hồi sinh khi những bất đồng với Riyadh ngày càng gia tăng, Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức của UAE cho hay.
Những rạn nứt này đã thể hiện ở những mục tiêu khác nhau của hai nước trong cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen, hay cạnh trạnh nhau về đầu tư nước ngoài… Tranh chấp về mức sản lượng dầu trong tháng 7/2021 giữa hai nước cũng khiến OPEC không thể đưa ra được kế hoạch sản lượng và đã dẫn đến giá dầu tăng vọt.
Abu Dhabi đã yêu cầu tăng mức cơ sở (khối lượng sản xuất tối đa mà OPEC cho phép) cho sản xuất dầu thô của mình vì con số này đã bị cắt giảm khi phải tuân thủ các thỏa thuận sản lượng của OPEC. Các thành viên đều cắt giảm với tỷ lệ phần trăm như nhau so với mức cơ sở, do đó, nếu có mức cơ sở cao hơn, UAE sẽ có hạn ngạch sản xuất lớn hơn.
UAE ban đầu yêu cầu tăng mức cơ sở của mình từ 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày. Song thỏa thuận cuối cùng với Saudi Arabia đã cho phép UAE nâng mức cơ sở lên 3,65 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4 năm ngoái.
Trước đó, Qatar cũng rời khỏi OPEC vào năm 2019 và Ecuador cũng rút khỏi tổ chức này vào năm 2020.
Theo Dân trí
Mỹ trở thành nhà cung ứng năng lượng lớn nhất nhờ chiến sự |
Ba yếu tố chi phối giá dầu thô hiện nay |
EU cấm vận dầu Nga đã thay đổi dòng dầu thô ra sao? |
Giá dầu tăng vọt, Brent lên mức 86,00 USD/thùng |