Nhìn lại một năm chiến sự Nga – Ukraine: Ai là bên hưởng lợi?
(PetroTimes) - Những người chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine chỉ nhìn nhận một chiều về chi phí viện trợ và rủi ro trong khi bỏ qua một số lợi thế rõ ràng.
Một năm chiến sự Nga – Ukraine
Sau thời gian căng thẳng kéo dài, rạng sáng 24/02/2022, Nga chính thức tiến hành hành động quân sự đối với Ukraine, đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng giữa Nga-Ukraine, vốn đã bắt đầu từ năm 2014. Như vậy, “cuộc chiến” Nga-Ukraine theo cách gọi của các nước phương Tây gọi đã trải qua tròn một năm. Với những hậu quả to lớn và đứng trước một tương lai bất định, khó dự đoán, việc nhìn lại những gì đã diễn ra và phân tích những ai có thể được hưởng lợi từ “cuộc chiến” này là cần thiết.
Về bối cảnh, hành động quân sự của Nga đã chính thức diễn ra sau nhiều tháng triển khai quân dọc theo biên giới với Ukraine cùng các nỗ lực ngoại giao nhằm cố gắng tránh xung đột. Phía Nga phủ nhận những cảnh báo từ Hoa Kỳ và phương Tây khi cho rằng một cuộc “xâm lược” sắp xảy ra, đồng thời Nga khẳng định họ sẽ tiếp tục ủng hộ lực lượng ly khai có vũ trang ở miền Đông Ukraine và ngăn chặn các nỗ lực của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhằm hội nhập với NATO mà Nga có lý do để cho rằng đấy thực sự là những mối đe dọa. Tổng thống Putin mô tả Ukraine là một phần “không thể thiếu” trong di sản của Nga và công khai đặt câu hỏi về quyền tồn tại của đất nước với tư cách là một quốc gia đã được tuyên bố chính thức từ ba thập kỷ trước đó.
Hoa Kỳ và các đồng minh, hầu như luôn có sự cảnh giác với các động cơ của Putin, đặc biệt sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014 và 8 năm giao tranh ở vùng Donbas của Ukraine giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai do Moscow hậu thuẫn, đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Đông Âu và thề sẽ bảo vệ các thành viên NATO gần Ukraine trước bất kỳ hành động gây hấn tiềm ẩn nào.
Về quy mô, các nước phương Tây và Hoa Kỳ cho đây là “cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II”. Khi quân đội Nga vào Ukraine, Mỹ và chính phủ nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga nhằm gây áp lực với Tổng thống Vladimir Putin, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thành công. Ở phía ngược lại, quân đội Ukraine đã nỗ lực để chống lại quân đội Nga. Họ tổ chức các cuộc phản công với sự trợ giúp ngày càng gia tăng của Mỹ và NATO để giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ; đồng thời chống lại các nỗ lực tiến về phía đông của Nga.
Về hậu quả, số thương vong lên đến hàng nghìn người và hơn 8 triệu người Ukraine đã chạy ra nước ngoài. Hậu quả kinh tế cũng tiếp tục lan rộng trên thế giới, từ việc tranh giành các nguồn năng lượng mới ở châu Âu đến giá ngũ cốc cao hơn ở châu Phi. Kinh tế toàn cầu đã tiếp nhận những cú sốc ngay trong bối cảnh đại dịch Covid 19 và đang tiếp tục đối mặt với những hậu quả đau đớn từ cuộc khủng hoảng Ukraine với hành động quân sự của Nga, nổi bật là tình trạng thiếu ngũ cốc, phân bón và năng lượng. Các nền kinh tế châu Âu đang phải vật lộn để thoát khỏi suy thoái khi cú sốc giá năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và sự không chắc chắn về nguồn cung gây ra khó khăn trên toàn cầu. IMF đã cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng cho năm nay và năm 2022, tương đương với một nghìn tỷ đô la sản xuất bị mất.
Lạm phát tăng vọt dẫn đến các hộ gia đình ở các nước phát triển bị mất thu nhập trong khi các khoản thanh toán hóa đơn và khoản vay cao hơn. Các quốc gia nghèo hơn phải vật lộn với giá lương thực, làm gia tăng sự gián đoạn do đại dịch gây ra và cản trở mục tiêu toàn cầu đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Giá dầu toàn cầu tăng vọt ngay sau khi bắt đầu chiến tranh. Đặc biệt trong bối cảnh có sự lo ngại về lượng dầu thô của Nga bị thất thoát ra thị trường đã đẩy giá lên cao hơn. Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu; đứt gãy chuỗi cung ứng cùng tình trạng phân mảnh.
Chặng đường phía trước còn rất khó đoán định
Bất chấp các dự đoán, thực tiễn chiến sự vốn khó lường trước các quyết định của Tổng thống Putin, ngày lại càng khó đoán định với quyết tâm của Ukcaine và sự hỗ trợ củ Hoa Kỳ cùng các nước phương tây. Mặc dù đa số từng cho rằng Ukraine sẽ thất thủ trong vòng chỉ vài tuần, thậm chí là vài ngày sau cuộc tiến quân của Nga, tuy nhiên Ukraine đã chiến đấu không ngừng. Phía Nga cũng đã điều chỉnh các phương án và có vẻ cuộc chiến đang đến các khúc rẽ nhưng rõ ràng sau mười hai tháng, cuộc chiến đã cho thấy đây là một “thách thức chưa từng thấy đối với trật tự toàn cầu kể từ Thế chiến II” (theo báo cáo đặc biệt của NPR).
Tình báo Mỹ cho rằng Nga đã đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine và tính toán sai về tốc độ tiến quân trong chiến dịch quân sự. Ngay từ 08/3/2022, trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang diễn ra trái ngược với nhận định lạc quan ban đầu của Moskva về tốc độ tiến quân. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin ban đầu đánh giá lực lượng Nga có thể chiếm thủ đô Kiev của Ukraine trong hai ngày đầu của chiến dịch. Tuy nhiên, chiến sự đã kéo dài hơn dự kiến. Mặt khác, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ nâng mức cảnh báo đối với lực lượng hạt nhân chiến lược. Hoa Kỳ đánh giá “ông Putin coi đây là cuộc chiến không thể thua, vì mục tiêu chiến thắng mà ông ấy sẵn sàng chấp nhận có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào tổn thất trên thực tế". Giám đốc CIA cho rằng “quan điểm của Tổng thống Nga ngày càng cứng rắn; điều đó khiến việc đối phó ông ấy cực kỳ khó khăn". Thực tế cho thấy, ngay cả Mỹ và các nước cũng đã dự đoán thiếu chính xác. Nga đã rất khó khăn trong suốt một năm kể cả các tổn thất, thương vong, bao gồm cả việc rút lui khỏi những vùng lãnh thổ rộng lớn. Cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lập lại hòa bình, Ukraine và Nga đều đang quyết tâm cho các mục tiêu chiến lược rất khó thỏa hiệp để có thể kết thúc cuộc chiến. Nga đang tiếp tục các nỗ lực quân sự, nhằm giữ nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ trong quỹ đạo của mình và ngăn nước này gia nhập NATO. Moscow nắm giữ gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea, phần lớn khu vực công nghiệp Donbas ở phía đông và các khu vực rộng lớn ở phía nam, bao gồm nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Trong khi đó, Ukraine muốn đẩy Nga trở lại các biên giới được quốc tế công nhận, các lực lượng có động cơ của họ hiện được trang bị vũ khí tấn công mạnh hơn đến từ phương Tây.
Các nhà phân tích quân sự lập luận rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi một bên đạt được đủ đòn bẩy để áp đặt các điều khoản trong đàm phán. Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai, họ suy đoán rằng Ukraine có thể thúc đẩy việc cắt đứt quyền tiếp cận của Nga đối với bán đảo Crimea hoặc Moscow có thể cố gắng áp đảo hệ thống phòng thủ của Kyiv bằng cách mở lại mặt trận thứ hai từ Belarus.
Ai có thể là bên hưởng lợi
Khi tiếp tục chiến đấu chống lại hành động quân sự đang diễn ra của Nga, Ukraine vẫn được xem là phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ cả về quân sự và kinh tế từ Hoa Kỳ và phương Tây. Thực tế là cả về phương diện tinh thần, khi Tổng thống của Ukraine đã công du khẩn cấp sang Mỹ vào 21/12/2022 và tuyên bố trước lưỡng viện quốc hội Mỹ, trong tiếng vỗ tay của các nghị sĩ, rằng "Bất chấp tất cả những nghịch cảnh, Ukraine đã không sụp đổ. Ukraine vẫn sống sót và đang phát triển". Tổng thống Biden của Hoa Kỳ mới đây đã có chuyến viếng thăm Ukraine vào ngày 20/02/2023 trên một chuyến tàu hỏa từ biên giới Ba Lan. Tại Kiev, Tổng thống Joe Biden phát biểu: "Tôi ở đây để thể hiện sự hỗ trợ không ngừng của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này. Sau một năm, Kiev vẫn đứng vững. Ukraine vẫn đứng vững. Nền dân chủ vẫn đứng vững".
Tuy nhiên, mối quan hệ này không đơn phương như thoạt nhìn. Theo Giáo sư Taras Kuzio, Phương Tây được hưởng lợi nhiều khi hậu thuẫn Ukraine chống Nga. Sự ủng hộ của phương Tây thực sự rất quan trọng trong việc giúp Ukraine tự bảo vệ mình, nhưng thế giới dân chủ cũng gặt hái được nhiều lợi ích từ việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Những người chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine chỉ nhìn nhận một chiều về chi phí viện trợ và rủi ro trong khi bỏ qua một số lợi thế rõ ràng.
Thứ nhất, trước tiên và quan trọng nhất trong số những mặt lợi ích này là Ukraine đang dần phá hủy tiềm năng quân sự của Nga. Điều này làm giảm đáng kể mối đe dọa đối với sườn phía đông của NATO. Theo thời gian, nó sẽ cho phép các nước phương Tây tập trung sự chú ý vào Trung Quốc. Cần nhớ là Mỹ nói chung và Joe Biden nói riêng được cho là Hoa Kỳ nên ưu tiên tập trung vào thách thức đến từ Bắc Kinh. Vì thế, thành công quân sự của Ukraine (nếu có) sẽ giúp Hoa Kỳ tháo gỡ tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa các thách thức Nga và Trung Quốc.
Việc sa lầy ở Ukraine sẽ khiến Nga bị hạn chế, thậm chí bị loại khỏi hàng ngũ các siêu cường quân sự thế giới và khiến Moscow phải đối mặt với nhiều năm xây dựng lại trước khi một lần nữa có thể đe dọa khu vực rộng lớn hơn. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert M. Gates đã không giấu diếm khi gần đây đã huỵch toẹt viết trên tờ The Washington Post rằng “Cách để tránh đối đầu với Nga trong tương lai là giúp Ukraine đẩy lùi kẻ xâm lược ngay bây giờ. Đây là bài học lịch sử sẽ hướng dẫn chúng ta, và nó tạo ra sự cấp bách cho những hành động phải được thực hiện, trước khi quá muộn”. NATO cho rằng nếu Ukraine thất bại, Nga gần như chắc chắn sẽ tiến xa hơn và tấn công các nước thành viên NATO như các quốc gia vùng Baltic, Phần Lan hay Ba Lan. Và khi đó, NATO sẽ không thể tránh được thương vong và tổn thất.
Thứ hai, phản ứng quốc tế đối với cuộc chiến giữa Ukraine với Nga đã trở thành một “cuộc chiến ủy nhiệm” và định hình lại bối cảnh địa chính trị. Kể từ tháng 2 năm 2022, nó đã hồi sinh phương Tây như một lực lượng chính trị. Cuộc chiến đã mang lại cho NATO mục đích đổi mới và mang lại sự mở rộng hơn nữa của liên minh quân sự ở vùng Scandinavia mà các đơn xin gia nhập gần đây của Thụy Điển và Phần Lan là minh chứng. EU cũng đoàn kết hơn bao giờ hết và hiện đã vượt qua cuộc khủng hoảng niềm tin kéo dài do sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa mang lại.
Thứ ba, sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine đang mang lại nhiều bài học tromg hoạch định chiến lược, chiến thuật và các lợi ích quân sự thiết thực. Trong khi các đối tác phương Tây của Ukraine cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo chiến trường quan trọng, thì Ukraine đáp trả bằng cách cung cấp thông tin tình báo có giá trị tương đương về chất lượng và hiệu quả của quân đội, thiết bị quân sự và chiến thuật của Nga. Mặt khác, bằng cách hỗ trợ Ukraine, phương Tây làm giảm đáng kể tiềm năng quân sự cũng như có cơ hội để đánh giá khả năng của Nga mà không phải đưa bất kỳ binh sĩ nào vào cuộc hoặc gây thương vong.
Các sự kiện trong mười hai tháng qua đã xác nhận rằng các dự kiến ban đầu của quân đội Nga phần nào không chính xác. Nhờ kinh nghiệm và hiểu biết độc đáo của Ukraine, các nhà hoạch định quân sự phương Tây hiện có một bức tranh đáng tin cậy hơn nhiều về khả năng quân sự thực sự của Moscow. Đặc biệt là bài học về khả năng của Ukraine trong việc điều chỉnh và triển khai vũ khí của NATO bằng cách sử dụng các nền tảng từ thời Liên Xô sẽ cực kỳ hữu ích cho Mỹ và NATO trong các cuộc xung đột tương lai.
Thứ tư, Mỹ và thế giới phương Tây đang được hưởng lợi từ an ninh cùng với thông tin tình báo quan trọng và kinh nghiệm chiến trường độc đáo. Việc sử dụng sáng tạo các công nghệ kỹ thuật số, triển khai hệ thống Starlink của Elon Musk, công nghệ máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại và mang lại những hiểu biết hiếm có cho tất cả các quốc gia NATO. Bài học kết hợp tinh thần chiến đấu dũng cảm với trí thông minh tiên tiến và cách sử dụng sáng tạo phần mềm quản lý trận chiến. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ hiện nay, lưu ý: “Sự bền bỉ, ý chí và việc khai thác công nghệ mới nhất mang lại cho người Ukraine một lợi thế quyết định.
Thứ năm, xung đột Nga-Ukraine ngoài cơ hội định vị vai trò các quốc gia, nhất là các nước lớn thì còn là cơ hội cho các lãnh đạo một số nước trong đó có cả Mỹ và phương Tây ghi điểm trong mắt công chúng. Các cuộc ngoại giao con thoi của các lãnh đạo EU, Hoa Kỳ nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra với tần suất dày đặc thời gian qua. Những mưu toan chính trị cùng các ý đồ mưu lợi càng được tô đậm và định hình rõ nét hơn ngay trong bối cảnh căng thẳng leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thứ sáu, nhiều nhà sản xuất của các nước lớn và các ngành công nghiệp có thể được hưởng lợi từ hậu quả của cuộc chiến, bất chấp sẽ có thể có người thắng và kẻ thua trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, hậu quả kinh tế đã được cả thế giới cảm nhận. Tuy vậy, các quốc gia và công ty riêng lẻ sẽ có thể cải thiện số liệu tài chính và vị thế thị trường của họ. Một sốđược lợi từ chiến tranh, lệnh trừng phạt chống Nga, giá tăng, khủng hoảng nguồn cung, phân phối lại thị trường. Kết quả khảo sát của GMK cho thấy:
Năng lượng: Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và việc nhiều công ty (British Oil, Shell, ExxonMobil,...) và các quốc gia từ chối cung cấp các nguồn năng lượng của Nga đã làm mất cân bằng thương mại năng lượng toàn cầu, dẫn đến giá cao hơn. Theo Fitch, Nga cung cấp khoảng 10% nguồn năng lượng toàn cầu, bao gồm 17% khí đốt tự nhiên và 12% dầu mỏ. Nga đã đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến việc thanh toán nguồn cung cấp năng lượng cho “các quốc gia không thân thiện” bằng đồng rúp, trước đó đe dọa sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1.
Về khí đốt, Na Uy và Algeria cung cấp khối lượng lớn khí đốt cho châu Âu. Tình trạng tương tự với nhà cung cấp lớn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) – Qatar. Các nhà xuất khẩu LNG lớn nhất, Australia và Mỹ, có thể giúp đỡ một phần châu Âu. Hoa Kỳ đã đồng ý với Liên minh Châu Âu về việc cung cấp thêm 15 tỷ QM LNG vào năm 2022.
Đối với dầu, tình hình có vẻ rõ ràng hơn. Mặc dù không có tín hiệu nào về mong muốn tăng sản lượng từ UAE và Ả Rập Xê Út, khi họ “tận hưởng” việc tăng giá, nhưng rất có thể họ sẽ trở thành những người hưởng lợi từ việc thay thế nguồn cung của Nga. Đồng thời, Trung quốc và Ấn độ có thể là những bên có thể hưởng lợi từ việc giá dầu Nga.
Ngũ cốc và nông sản: Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, từ năm 2016/2017 đến 2020/2021, Nga và Ukraine chiếm 19% sản lượng lúa mạch toàn cầu, 14% lúa mì và 4% ngô. Đồng thời, cả hai quốc gia chiếm hơn một nửa sản lượng dầu hướng dương và tỷ trọng xuất khẩu của họ là 63%. FAO ước tính, sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu có thể dẫn đến lương thực toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi tăng 8-22% so với mức cao hiện tại.
Hiện tại, tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của Liên bang Nga - lúa mì, lúa mạch đen, ngô, lúa mạch, sang các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).Điều này dẫn đến các nhà xuất khẩu lớn khác – EU, Canada, Mỹ, Brazil, Argentina, Australia có thể hưởng lợi từ việc giảm nguồn cung ngũ cốc.
Thép và quặng: Ukraine và Nga là những nhà cung cấp chính gang thỏi và bán thành phẩm trên thị trường toàn cầu, chiếm khoảng 60% thị phần. Thị trường của người bán trên thực tế đã biến mất, do đó, giá gang tăng lên sẽ có lợi cho các công ty luyện kim. Những người hưởng lợi chính là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Australia và Ấn Độ từ cơ hội thay thế nguồn cung từ Nga và Ukraine.
Đồng, nhôm, nickel: Việc giảm xuất khẩu các kim loại này của Nga có thể gây ra căng thẳng trong thị trường và làm khan hiếm. Trung Quốc, Chile, Indonesia có thể được hưởng lợi từ các vấn đề tiềm ẩn với nguồn cung cấp đồng từ Nga. Trong khi đó, nhu cầu nhôm sơ cấp toàn cầu tăng và nguồn cung chưa đáp ứng. Vì vậy, thị trường toàn cầu có thể tiếp tục thiếu hụt. Bên hưởng lợi nhiều khả năng sẽ là Trung Quốc. Về nickel, nhà cung cấp toàn cầu chính là Indonesia. Đất nước này đang tích cực tăng cường sản xuất kim loại, điều đó có nghĩa là các công ty của họ có thể hưởng lợi từ việc thay thế nguồn cung của Nga.
Vũ khí, đạn dược: Chiến tranh là thời điểm tốt nhất cho các tập đoàn sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. Kể từ khi bắt đầu xảy ra chiến dịch quân sự của Liên bang Nga đối với Ukraine, cổ phần của các nhà cung cấp vũ khí và đạn dược của Mỹ, như Raytheon, Boeing, Lockheed Mertin, đã tăng vọt.Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm 2022 là 778 tỷ USD; năm 2023 được lên kế hoạch 813 tỷ đô la là ngân sách quân sự lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong lúc một nửa số tiền cung cấp cho quốc phòng sẽ cho các tập đoàn công nghiệp-quân sự của Hoa Kỳ nhận được. Tương tự, ở châu Âu,đặc biệt Đức đã tăng tài trợ cho quân đội của mình thêm 100 tỷ euro, số tiền này sẽ được sử dụng để hiện đại hóa hiện có và mua các thiết bị quân sự mới.
Cơ hội từ các biện pháp trừng phạt: Luôn có rất nhiều cơ hội để lách lệnh trừng phạt và nhiều quốc gia muốn tận dụng cơ hội này. Nga đã công khai nói rằng họ sẽ tìm cách lách lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với Iran. Việc tránh các biện pháp trừng phạt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho một số quốc gia và khu vực. Những bên hưởng lợi chính từ việc lách lệnh trừng phạt sẽ là các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và có kim ngạch ngoại thương đáng kể với nước này như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Trung Á và Kavkaz, Trung Đông.
Để thay cho một lời kết còn dang dở, có thể nhắc lại lời của cựu thủ tướng nổi tiếng của Anh, Winston Churchill (1874-1965), một trong những các nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của thế giới, đã nói “không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy các quốc gia đã hình thành, chia rẽ, sát nhập, thậm chí biến mất; các liên minh hình thành, tan rã cũng căn bản dựa trên lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Lịch sử cũng để lại nhiều bài học cho thấy các cuộc chiến hoặc xung đột chỉ chấm dứt khi một bên “thắng cuộc”, hoặc khi có một hoặc các bên vượt ngưỡng tối đa cái giá có thể chấp nhận; cũng có khi là các bên liên quan không tìm thấy lợi ích cần thiết. Ngược lại, trong trường hợp vẫn còn có bên hưởng lợi, còn các nhân tố mang lại lợi ích tác động, khi đó cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự rất có thể sẽ còn nhiều gian nan để kết thúc. Đặc biệt trong bối cảnh một thế giới có nhiều đan xen về quyền lợi, các liên minh, liên kết phức tạp và luôn ảnh hưởng lẫn nhau như hiện nay.
Cho dù thế nào, các xung đột quân sự và chiến tranh luôn mang đến tổn thất và nỗi đau cho dân chúng. Về phía mình, Việt Nam đã khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
TS Nguyễn Thành Hưởng