Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/2/2023
(PetroTimes) - Việt Nam đẩy mạnh triển khai dự án điện gió ngoài khơi để xuất sang Singapore; Nhật Bản cho phép kéo dài thời hạn sử dụng các lò phản ứng hạt nhân cũ; Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì mua dầu của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 10/2/2023.
Kế hoạch hợp tác giữa Sembcorp và PTSC nhằm thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. Ảnh minh họa |
Việt Nam đẩy mạnh triển khai dự án điện gió ngoài khơi để xuất sang Singapore
Sáng ngày 10/2, tại Singapore, lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Sembcorp trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sembcorp đầu tư vào Việt Nam thông qua Sembcorp Development (SCD) trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản… và Sembcorp Utilities (SCU) trong lĩnh vực năng lượng. Lãnh đạo Sembcorp khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tại Việt Nam, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và nhận được sự ủng hộ trong triển khai thực hiện dự án VSIP và các dự án năng lượng tái tạo…
Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ triển khai các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch hợp tác giữa Sembcorp và PTSC nhằm thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. Hiện Việt Nam và Singapore đang thảo luận kế hoạch xây dựng đường tải điện qua Biển Đông trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Nhật Bản cho phép kéo dài thời hạn sử dụng các lò phản ứng hạt nhân cũ
Ngày 10/2, nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua chính sách cho phép kéo dài thời gian sử dụng các lò phản ứng hạt nhân cũ và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới để thay thế các tổ máy cũ, trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo chính sách trên, các lò phản ứng cũ vẫn có thể hoạt động sau khi hết thời hạn sử dụng theo quy định là 60 năm. Bên cạnh đó, chỉ thay thế các lò phản ứng sắp ngừng hoạt động bằng các lò phản ứng tiên tiến, được coi là an toàn hơn so với các lò phản ứng thông thường, với mục tiêu bắt đầu vận hành các lò phản ứng thế hệ mới vào đầu thập niên tới.
Đây được coi là một thay đổi quan trọng trong chính sách năng lượng ở Nhật Bản kể từ sau các sự cố hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3/2011. Dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình lên Quốc hội để xem xét và thông qua các dự luật liên quan trong kỳ họp thường niên hiện nay nhằm hiện thực hóa chính sách mới.
Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì mua dầu của Nga
Mỹ sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì nước này mua dầu của Nga bất chấp mức giá trần mà G7 - do Mỹ dẫn đầu - đã áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào năm ngoái. Asia News International (ANI) mới đây đăng tải trên Twitter, trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu Karen Donfried bình luận về những lời kêu gọi của Ukraine áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ vì tiếp tục mua dầu thô của Nga.
Mặc dù vậy, theo ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên Năng lượng Mỹ, các mục tiêu của việc áp giá trần đã được thực hiện. "Mặc dù Ấn Độ không tham gia áp giá trần, nhưng nước này đã sử dụng hiệu quả đòn bẩy đàm phán từ giá trần và việc phần lớn thị trường toàn cầu không còn tiếp cận được với Nga, để giảm giá dầu của Nga" - hãng ANI trích lời ông Pyatt.
Sau hàng loạt lệnh trừng phạt mà EU và G7 đã áp đặt với Nga sau chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những người mua dầu thô lớn nhất của Nga, tận dụng chiết khấu mạnh đối với dầu Urals. Trong đó, sự thay đổi trong nhập khẩu dầu của Ấn Độ đặc biệt rõ rệt.
Exxon Mobil sẽ sáp nhập một số đơn vị kinh doanh
Ngày 9/2, tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil Corp cho biết họ sẽ sáp nhập một số đơn vị kinh doanh như một phần trong nỗ lực cắt giảm 9 tỷ USD chi phí hoạt động hằng năm vào năm 2023 so với mức của năm 2019.
Exxon Mobil đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 56 tỷ USD vào năm 2022. Tập đoàn dầu mỏ của Mỹ hồi năm ngoái cho biết họ sẽ cơ cấu lại tập đoàn thành ba doanh nghiệp là Upstream, Low Carbon Solutions và Product Solutions, kết hợp các hoạt động lọc dầu và hóa chất.
Exxon cho biết họ sẽ kết hợp các công ty nhỏ hơn để tập trung các quyết định liên quan đến chuỗi cung ứng, thu mua và mua nguyên liệu thô, cùng các vấn đề khác. Thay đổi này nhằm mục đích trao thêm quyền đàm phán cho Exxon trong các giao dịch với bên thứ ba, chẳng hạn bằng cách loại bỏ khả năng có nhiều hơn một công ty con của Exxon đàm phán các giao dịch riêng biệt với cùng một nhà cung cấp.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/2/2023 |
H.T (t/h)