Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/2/2023
(PetroTimes) - Trao quyết định đầu tư cho 3 dự án năng lượng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Libya kêu gọi các công ty toàn cầu hỗ trợ ngành dầu khí nước nhà; Nhiều nước EU xem xét sử dụng năng lượng địa nhiệt thay thế khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 5/2/2023.
Ngày 5/2, 3 dự án năng lượng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được trao quyết định đầu tư. Ảnh minh họa |
Trao quyết định đầu tư cho 3 dự án năng lượng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Sáng 5/2, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng được tổ chức tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 19 dự án của doanh nghiệp.
Tổng vốn đăng ký của các dự án này là hơn 26.581 tỷ đồng và 2.691,7 triệu USD.
Lĩnh vực năng lượng cũng đóng góp 3 dự án được trao quyết định đầu tư gồm Dự án Trang trại Điện gió BT2 - Giai đoạn 2 (54,6 triệu USD) của Công ty Cổ phần Điện gió BT3 tại Quảng Bình; Dự án Nhà máy điện rác Khánh Hòa (3.250 tỷ đồng) của Tập đoàn AMACCAO; Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp sử dụng LNG tại tỉnh Bình Thuận của Tập đoàn AES (2,1 tỷ USD).
Libya kêu gọi các công ty toàn cầu hỗ trợ ngành dầu khí nước nhà
Trong bài phát biểu thay mặt Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah tại diễn đàn Hỗ trợ ngành Dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/2, Bộ trưởng Tài chính Libya Khalid Al-Mabrouk cho biết Thủ tướng Dbeibah đã kêu gọi các công ty dầu mỏ toàn cầu nối lại hoạt động tại Libya.
Theo ông Al-Mabrouk, Thủ tướng Dbeibah đã tái khẳng định sự ủng hộ của GNU đối với các nỗ lực của NOC trong việc hỗ trợ kích hoạt các thỏa thuận đã ký và ký kết những thỏa thuận mới, qua đó góp phần thúc đẩy sản lượng dầu khí của Libya.
Tại diễn đàn, NOC đã trình bày tầm nhìn và kế hoạch gia tăng sản lượng của ngành dầu khí Libya cũng như hỗ trợ ngành ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp vốn cho các dự án năng lượng tại Libya. Diễn đàn cũng đã thảo luận về quan hệ đối tác giữa khu vực tư nhân Libya và các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Nhiều nước EU xem xét sử dụng năng lượng địa nhiệt thay thế khí đốt
Cuộc xung đột ở Ukraine đã củng cố xu hướng sử dụng năng lượng địa nhiệt bởi nó khiến việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu bị đình trệ và gây ra sự gia tăng đáng báo động về chi phí năng lượng.
Trên khắp châu Âu, sự quan tâm đến các dự án địa nhiệt đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây khi các quan chức khu vực tìm cách khử carbon cho hệ thống năng lượng của họ.
Vào cuối năm 2022, chính phủ Đức đã công bố kế hoạch tăng sản lượng năng lượng địa nhiệt gấp 10 lần vào năm 2030 lên 10 terawatt giờ (Twh). Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng, Đức, quốc gia sử dụng 50% khí đốt để sưởi ấm, muốn triển khai "ít nhất 100 dự án địa nhiệt mới".
Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, nhà máy địa nhiệt mới của thành phố Munich (Đức) sẽ có thể cung cấp khí sưởi ấm cho 80.000 hộ gia đình địa phương thông qua một mạng lưới đường ống rộng lớn.
Saudi Arabia cảnh báo hậu quả từ các biện pháp trừng phạt Nga
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngày 4/2 cảnh báo các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây áp đặt với Nga có thể gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai.
Ông Abdulaziz bin Salman nêu rõ: "Tất cả những cái gọi là biện pháp trừng phạt, cấm vận, cắt giảm đầu tư, sẽ hợp lại thành một hậu quả duy nhất, đó là thiếu nguồn cung tất cả các loại năng lượng vào thời điểm rất cần năng lượng".
Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cũng cho biết Saudi Arabia đang thúc đẩy để gửi tới Ukraine khí hóa lỏng (LPG) thường được sử dụng để đun nấu và sưởi ấm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) thực hiện các vấn đề chính sách liên quan đến thị trường năng lượng và dầu mỏ, không can dự các vấn đề chính trị.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/2/2023 |
H.T (t/h)