Tin Thị trường: OPEC sẽ hành động nếu giá dầu tiếp tục giảm
(PetroTimes) - Theo RBC Capital Markets, OPEC sẽ hành động nếu giá dầu tiếp tục giảm; nhà đầu tư Pierre Andurand cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trong năm nay...
RBC: OPEC sẽ hành động nếu giá dầu tiếp tục giảm
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Markets, Helima Croft mới đây nói rằng, nếu tình trạng bán tháo dầu tiếp diễn và giá tiếp tục giảm, OPEC có thể sẽ hành động.
"OPEC có vẻ hài lòng với việc duy trì chính sách khai thác hiện tại và đang tìm cách đứng ngoài cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, chúng ta thấy phạm vi rõ ràng để OPEC điều chỉnh việc cắt giảm sản lượng", Croft bình luận.
Trước đó, OPEC+ đã đồng ý về việc cắt giảm mạnh sản lượng khi đà phục hồi giá dầu từ đầu năm 2022 dần biến mất và những lo ngại về nhu cầu đã đẩy giá các chuẩn dầu đi xuống. Việc cắt giảm được đặt ở mức 2 triệu thùng/ngày từ hạn ngạch khai thác chung, nhưng trên thực tế chỉ có một nửa sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay.
Ả Rập Xê-út đã nhiều lần tỏ rõ lập trường rằng họ không thích những thay đổi nhanh chóng trong chính sách, Croft nói, lưu ý rằng Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman sẵn sàng thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng để đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Do đó, RBC dự báo dầu thô Brent sẽ ở ngưỡng trung bình 96 USD/thùng trong năm nay, với dầu thô WTI ở mức trung bình 92 USD/thùng. Hiện tại, cả hai loại dầu này đều đang giao dịch dưới 80 USD/thùng.
CEO Eni: Châu Phi là lời giải cho bài toán khí đốt của châu Âu
Ông Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italia, mới đây nói với tờ Financial Times rằng, châu Âu nên tìm đến châu Phi để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga.
Eni đang hiện diện ở nhiều nước châu Phi và đã ký một số thỏa thuận để tăng cường cung cấp khí đốt từ châu Phi sang châu Âu kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và sự sụt giảm trong việc cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống.
Vào tháng 4/2022, chưa đầy hai tháng sau khi Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào Ukraine, Descalzi và chủ tịch công ty năng lượng nhà nước Sonatrach của Algeria, Toufik Hakkar, đã ký một thỏa thuận cho phép Eni tăng lượng khí đốt nhập khẩu thông qua đường ống TransMed/Enrico Mattei như một phần của hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với Sonatrach.
Hồi tháng 10 vừa qua, Eni thông báo bắt đầu khai thác từ hai mỏ khí đốt trong hợp đồng Berkine South mới ở Algeria, với khối lượng dự kiến dành cho thị trường châu Âu. Sau đó, đến tháng tháng 11, Eni đã thông báo xuất khẩu lô LNG đầu tiên được khai thác từ mỏ khí Coral ở vùng nước cực sâu của Lưu vực Rovuma nằm ngoài khơi Mozambique.
Nhu cầu dầu sẽ tăng trong năm nay
Nhà quản lý Quỹ phòng hộ Pierre Andurand cho biết ngày càng nhiều nhà máy điện sẽ chuyển từ khí đốt sang dầu mỏ.
Ông Andurand nói rằng, nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng mạnh vào năm 2023 nếu thế giới loại bỏ các hạn chế và phong tỏa do Covid-19.
Theo nhà đầu tư này, nhu cầu dầu thô có thể tăng khoảng 4 triệu thùng, tương đương 4% trong năm nay.
"Việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn có ý nghĩa gì đối với tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới? Nếu quay trở lại xu hướng vào năm 2023, điều đó có nghĩa là nhu cầu sẽ tăng 4,6 triệu thùng/ngày so với năm 2022, vượt xa kỳ vọng của hầu hết các nhà phân tích là 1-2 triệu thùng/ngày. Nhìn chung, tiềm năng tăng nhu cầu dầu mỏ khoảng 3 - 4% vào năm 2023 là có cơ sở", Andurand nói.
Andurand nói thêm rằng, ông hy vọng nhiều nhà máy điện sẽ chuyển từ khí tự nhiên sang dầu trong năm nay, điều này cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ dầu thô. Tuy nhiên, Andurand lưu ý rằng sự gia tăng nhu cầu dầu dự kiến sẽ bị hạn chế bởi sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện, vì xe điện giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 600.000 thùng mỗi ngày.
Tin Thị trường: Sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ lao dốc | |
Tin Thị trường: Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới |
Bình An