Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/12/2022
(PetroTimes) - Nga tuyên bố giảm sản lượng dầu đáp trả giá trần năng lượng của EU; Australia chính thức áp trần giá khí đốt; EC phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các công ty bán khí đốt tại Ba Lan… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 23/12.
Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. Ảnh: TASS |
Nga tuyên bố giảm sản lượng dầu đáp trả giá trần năng lượng của EU
Hôm 22/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói Moskva sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đối phó với việc Liên minh châu Âu (EU), G7 áp trần giá nhiên liệu. Ông nói sản lượng có thể bị cắt giảm tới 7% vào đầu năm 2023.
Phó Thủ tướng Nga nói thêm rằng để trả đũa, Nga có kế hoạch cấm cung cấp dầu và sản phẩm dầu cho các quốc gia, cũng như pháp nhân yêu cầu tuân thủ giới hạn giá trong hợp đồng. “Chúng tôi sẵn sàng giảm một phần sản lượng vào đầu năm sau, có thể giảm khoảng 500-700 nghìn thùng mỗi ngày. Đây sẽ là mức 5-7%", ông Alexander Novak cho hay.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Alexander Novak được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên hôm 22/12 rằng ông sẽ ký một sắc lệnh về các biện pháp đáp trả đối với việc giới hạn giá dầu của Nga vào đầu tuần tới.
Tổng thống Nga nhận định áp trần giá sẽ dẫn đến phá hủy năng lượng thế giới
Về việc Liên minh châu Âu (EU) áp trần đối với dầu của Nga, Tổng thống Putin cho biết, ông sẽ ký sắc lệnh vào đầu tuần tới. Theo ông, đây là những biện pháp phòng ngừa, bởi vì không có bằng chứng về bất kỳ thiệt hại cá nhân nào đối với Nga, đối với nền kinh tế, tổ hợp năng lượng và nhiên liệu Nga. Nước này gần như bán dầu ở những mức giá được coi là trần.
Ông Putin lưu ý, nỗ lực điều tiết giá cả về mặt hành chính sẽ không dẫn đến điều tốt đẹp trong lĩnh vực khí đốt, cũng như trong lĩnh vực dầu mỏ. Trần giá khí đốt là một quy định khác so với nỗ lực điều chỉnh giá dầu. Ủy ban châu Âu nói nhiều hơn về sự cần thiết phải điều chỉnh tình hình trên sàn giao dịch, giá phải tương quan với giá LNG, nhưng vẫn là một nỗ lực để điều chỉnh giá cả về mặt hành chính.
Tổng thống Putin đồng thời tuyên bố, Nga đang theo sát việc này. Nếu toàn bộ hệ thống được đề xuất này phát triển theo quy định hành chính và nếu điều này vi phạm hợp đồng của Gazprom và các đối tác của họ, có một hình thức can thiệp nào đó vào các hợp đồng này, Nga sẽ bảo lưu quyền xem xét, liệu sau đó họ có nghĩa vụ phải tôn trọng các hợp đồng này, nếu bên kia vi phạm hay không.
Australia chính thức áp trần giá khí đốt
Chính phủ Australia vừa chính thức ban hành mức trần giá khí đốt trong nước, thiết lập giới hạn tối đa 12 AUD (7,68 USD)/gigajoule (tương đương 26,8 m3 khí), áp dụng trong vòng 12 tháng, tính từ ngày 22/12/2022. Cụ thể, giá trần sẽ áp dụng cho các hợp đồng bán buôn khí đốt mới trong nước của các nhà sản xuất ở bờ biển phía đông Australia (gồm các bang New South Wales và Queensland).
Việc áp giá trần khí đốt, dự kiến sẽ làm giảm giá gas trong nước khoảng 16 điểm phần trăm, trong năm tài chính 2023-2024. Giá sẽ tăng không quá 18% trong năm nay và 4% trong năm tới. Trong khi giá điện bán lẻ sẽ chỉ tăng khoảng 23% thay vì mức tăng 36% như ước tính ban đầu, nếu không có can thiệp của chính phủ.
Kế hoạch áp trần giá khí đốt tạm thời được Nội các Australia nhất trí thông qua ngày 9/12 và đã được Quốc hội phê chuẩn vào tuần trước. Đây được xem là biện pháp nhằm kiểm soát sự tăng giá “phi mã” của khí đốt, giúp người dân Australia giảm áp lực chi phí, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp.
Chuyên gia dự báo giá dầu trở lại mức 100 USD/thùng vào năm 2023
Ông Eric Nuttall, đối tác và nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty Ninepoint Partners LP, nhận định với tờ Financial Post rằng giá dầu sẽ quay trở lại mức 100 USD/thùng vào năm 2023.
Theo các nhà phân tích, yếu tố cản trở đà tăng của giá dầu trong năm nay như chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc và một số quốc gia xả kho dự trữ dầu chiến lược sẽ không còn tồn tại vào năm 2023. Cùng với các lệnh trừng phạt dầu và khí đốt Nga, sẽ làm tăng giá dầu. Thêm vào đó, lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục phát triển nhờ nhu cầu các cổ phiếu dầu khí cao.
Tuần trước, Ngân hàng Mỹ dự báo giá dầu Brent ở mức trung bình 100 USD/thùng vào năm 2023 nhờ nhu cầu dầu của Trung Quốc phục hồi và nguồn cung của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày. Còn Goldman Sachs dự báo rằng Trung Quốc mở cửa lại giai đoạn đầu sẽ khiến giá dầu có thể tăng lên 116 USD/thùng; mở cửa lại toàn bộ trên toàn cầu sẽ làm giá dầu tăng lên 125 USD/thùng.
EC phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các công ty bán khí đốt tại Ba Lan
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/12 phê duyệt kế hoạch trị giá 3 tỷ euro của Ba Lan để hỗ trợ các công ty hoạt động trên thị trường khí đốt nước này, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn.
Theo EC, biện pháp này sẽ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty lớn hoạt động trên thị trường khí đốt của Ba Lan, cụ thể là người bán cuối cùng và các tổ chức có nghĩa vụ pháp lý bán khí đốt tự nhiên trên thị trường trao đổi khí đốt. Các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức tài chính khác được loại trừ khỏi chương trình này. Theo dự luật này, viện trợ sẽ có hình thức cho vay trợ cấp.
EC cho biết khoản hỗ trợ này sẽ do ngân hàng Bank Gospodarstwa Krajowego (BGK) cấp và quản lý. EC nhận thấy rằng Ba Lan tuân thủ các điều kiện được đưa ra trong khuôn khổ Khung khủng hoảng tạm thời. EC cũng kết luận kế hoạch của Ba Lan là cần thiết, phù hợp và tương xứng để khắc phục sự xáo trộn nghiêm trọng trong nền kinh tế của một quốc gia thành viên.
Đức không đạt mục tiêu tiết kiệm 20% tiêu thụ khí đốt trong tuần trước
Cơ quan quản lý năng lượng Đức ngày 22/12 cho biết nước này đã không đạt được mục tiêu tiết kiệm 20% mức tiêu thụ khí đốt trong tuần trước, vì thời tiết lạnh làm gia tăng lượng tiêu thụ, đồng thời cảnh báo cần giảm tiêu thụ nếu muốn tránh tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa đông.
Theo số liệu hằng tuần của cơ quan trên, tiêu thụ khí đốt ở Đức trong tuần thứ 50 của dương lịch đã tăng 12% so với mức trung bình vào thời điểm này trong vòng bốn năm từ 2018-2021. So với tuần trước đó, mức tăng này là 20%.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Đức, ông Klaus Mueller cho biết: "Dự kiến, tiêu thụ khí đốt sẽ vẫn tăng khi thời tiết lạnh hơn. Cần chấm dứt tình trạng này trong những tuần tới". Theo cơ quan trên, nhiệt độ trung bình trong tuần này dự báo là 5,9 độ C, trở lại mức ổn định, nhờ vậy, mức tiêu thụ khí đốt được dự báo sẽ giảm bớt.
Thụy Điển chuẩn bị cho việc cắt điện chưa từng có
Chính phủ Thụy Điển ngày 21/12 cảnh báo các hộ gia đình và các doanh nghiệp chuẩn bị cho khả năng cắt điện mùa đông này trong bối cảnh ngừng phát điện tại nhà máy điện hạt nhân, thời tiết lạnh giá và thiếu năng lượng tại châu Âu sau khi Nga giảm xuất khẩu khí đốt.
Bộ trưởng Dân phòng Carl-Oskar Bohlin nhấn mạnh các kế hoạch khẩn cấp cần phải tính đến khả năng mất điện ngắn, cũng như kéo dài khi điện không quay trở lại như dự kiến. Nhà chức trách yêu cầu người dân dự trữ đài chạy pin, đèn pin, chai nước và lương thực. Trong trường hợp mất điện, các hộ gia đình cần dành một căn phòng, trong đó gia đình có thể ở để giữ nhiệt.
Chính phủ Thụy Điển tuần trước cho biết đã yêu công ty quản lý hệ thống điện quốc gia và cơ quan năng lượng của nước này tăng cường nỗ lực bảo đảm nguồn cung điện trong ngắn hạn và dài hạn. Giá điện ở Thụy Điển đã tăng vọt trong năm nay trong bối cảnh lo ngại việc Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ dẫn đến thiếu điện.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/12/2022 |
T.H (t/h)