Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/12/2022
(PetroTimes) - Công suất điện mặt trời ở EU tăng kỷ lục trong năm 2022; Nga đưa vào khai thác mỏ khí đốt khổng lồ ở Đông Siberia; Đức bắt đầu tiếp nhận LNG qua nhà ga ở cảng Wilhelmshaven… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/12/2022.
Mỏ khí Kovykta ở Đông Siberia. Ảnh: The Moscow Times |
Công suất điện mặt trời ở EU tăng kỷ lục trong năm 2022
Báo cáo mới công bố của tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu (Solar Power Europe) cho biết, công suất năng lượng mặt trời tại Liên minh châu Âu (EU) tăng kỷ lục trong năm 2022 lên tới 41,4 GW, tăng 47% so với năm 2021 (28,1 GW công suất lắp đặt).
Theo Solar Power Europe, Đức vẫn là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở châu Âu trong năm 2022, với 7,9 GW, tiếp theo là Tây Ban Nha (7,5 GW), Ba Lan (4,9 GW), Hà Lan (4,0 GW) và Pháp (2,7 GW). Trong năm 2022, 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã triển khai nhiều năng lượng mặt trời hơn so với năm trước.
Giám đốc điều hành của Solar Power Europe tuyên bố: “Chúng tôi đang vượt xa dự báo của chính mình từ một năm trước”. Theo dự báo của Solar Power Europe, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục và sẽ vượt mức 50 GW công suất mới vào năm 2023, đạt 85 GW vào năm 2026.
Nga đưa vào khai thác mỏ khí đốt khổng lồ ở Đông Siberia
Ngày 21/12, qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ đưa vào khai thác mỏ khí đốt Kovykta và khánh thành đoạn Kovykta-Chayanda của tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”.
Văn phòng báo chí Điện Kremlin dẫn lời ông Putin cho biết, một trung tâm khai thác khí đốt mới của Irkutsk xuất hiện trên bản đồ đất nước, đưa vào khai thác mỏ khí ngưng tụ Kovykta - lớn nhất ở Đông Siberia với trữ lượng có thể thu hồi của mỏ là 1,8 nghìn tỷ m3 khí đốt - là một sự kiện đặc biệt quan trọng.
Tổng thống Putin lưu ý rằng nay tuyến đường vận chuyển khí đốt quan trọng nhất của Nga sẽ được đưa vào khai thác dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến đường. Để chuyển tải khí đốt, một tuyến đường ống dài 800 km đã được xây dựng nối mỏ Kovykta với mỏ Chayandinskoye ở Yakutia và bổ sung cho tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”.
Đức bắt đầu tiếp nhận LNG qua nhà ga ở cảng Wilhelmshaven
Nhà ga tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của Đức tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc bang Niedersachsen ngày 21/12 đã bắt đầu hoạt động, sớm một ngày so với kế hoạch.
Tập đoàn nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức - Uniper xác nhận một tàu chở dầu với khoảng 165.000 m3 LNG đã cập bến cảng mới Wilhelmshaven từ vài ngày trước đó. Lượng khí đốt LNG đủ để cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình trong một năm.
Trước đó, ngày 17/12, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cơ sở tiếp nhận LNG ở cảng Wilhelmshaven là một “đóng góp rất, rất quan trọng” cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này.
Nhật Bản bắt đầu giảm mức trần trợ giá xăng dầu từ đầu năm tới
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự định sẽ giảm dần trợ giá xăng dầu từ đầu năm 2023. Theo đó, từ tháng 1/2023, mỗi tháng, METI sẽ cắt giảm mức trần trợ cấp cho 29 nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu trong nước 2 yen (0,015 USD)/lít để đưa mức trần này từ 35 yen/lít hiện nay về 25 yen/lít vào tháng 5/2023.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chương trình trợ giá cho 29 nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước từ tháng 1/2022 để kiềm chế đà tăng giá sau khi giá bán lẻ xăng ở nước này chạm ngưỡng 170 yen/lít lần đầu tiên sau hơn 13 năm, với mức trợ cấp ban đầu là 3,4 yen/lít. Sau đó, Nhật Bản đã nâng dần mức trợ cấp này lên 25 yen/lít vào tháng 3 và 35 yen/lít vào tháng 4.
Theo quy định, Chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà phân phối và nhập khẩu xăng dầu trong nước khi giá xăng bình quân toàn quốc chạm ngưỡng 168 yen/lít. Mặc dù mức trần trợ cấp cao như vậy nhưng với mức giá xăng dầu hiện tại, Nhật Bản chỉ phải trợ cấp chưa tới 25 yen/lít cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu trong nước và dự định sẽ giảm còn 15,6 yen/lít từ ngày 22/12.
EU thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo 28 tỷ euro của Đức
Kế hoạch hỗ trợ trị giá 28 tỷ euro của Chính phủ Đức sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải. Mở rộng sản xuất năng lượng sạch được coi là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu của Đức là loại bỏ lượng khí thải nhà kính ròng vào năm 2045 cũng như bù đắp một phần nguồn cung năng lượng thiếu hụt do tình hình xung đột tại Ukraine gây ra.
Trước đó, Chính phủ Đức khẳng định trong chưa đầy một thập niên nữa, Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo - trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà. Đây là điều kiện để Đức có thể đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đặt nền tảng để trở thành quốc gia trung hòa carbon.
Nhật Bản sửa đổi quy định thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân
Trong quy định mới được Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản phê duyệt, bắt đầu từ năm thứ 30 kể từ khi đi vào hoạt động, các nhà máy điện hạt nhân sẽ cần chứng nhận kéo dài vận hành được cấp theo định kỳ 10 năm.
Ưu điểm phương án này là các nhà máy 40 năm tuổi có thể đảm bảo thời gian hoạt động liên tục trong thời gian Ủy ban nói trên tiến hành thẩm tra điều kiện an toàn mà không phải tạm dừng vận hành để thẩm tra như trước đây. Thời gian hoạt động thực tế của các nhà máy sẽ tăng lên trong khi gánh nặng về hồ sơ thẩm định của các đơn vị vận hành sẽ không thay đổi so với trước.
Theo quy định hiện hành, các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản được phép hoạt động trong thời gian 40 năm. Sau thời hạn này, các nhà máy sẽ tạm dừng hoạt động và chỉ khởi động trở lại sau khi Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử phê duyệt điều kiện an toàn. Nếu không đáp ứng điều kiện, các nhà máy điện hạt nhân 40 năm tuổi sẽ phải dừng hoạt động.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/12/2022 |
T.H (t/h)