Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/11/2022
Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; Mỹ nêu điều kiện để Ấn Độ mua dầu Nga theo mong muốn; Mỹ, Đức và EU cam kết giúp Ai Cập chuyển đổi sang năng lượng sạch… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/11/2022.
Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới - đã tăng cường mua dầu thô của Nga trong năm nay. Ảnh minh họa: OutlookIndia |
Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11/2022.
Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022. Bộ Tài chính thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Thử tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan; tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Mỹ nêu điều kiện để Ấn Độ mua dầu Nga theo mong muốn
Washington sẽ cho phép Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga với khối lượng theo mong muốn, thậm chí với giá vượt mức quy định của cơ chế giá trần do G7 áp đặt, nhưng chỉ khi nước này hạn chế sử dụng các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và hàng hải của phương Tây để thực hiện các giao dịch đó.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 11/11 cho biết, Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục xuất khẩu nhiều dầu như trước đây, nếu Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua dầu của Nga. Moskva sẽ phải tìm kiếm rất nhiều khách hàng và nhiều nước trong số đó vẫn phụ thuộc vào các dịch vụ của phương Tây. Các biện pháp trừng phạt sẽ giới hạn tính khả dụng của các dịch vụ đó đối với những khách hàng tuân thủ mức giá trần. Cơ chế này sẽ giúp Ấn Độ và các quốc gia khác giao dịch bên ngoài giới hạn đòn bẩy lớn hơn, nhưng phải trả chi phí cao hơn cho việc nhập khẩu dầu mỏ.
Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới - đã tăng cường mua dầu thô của Nga trong năm nay. Theo công ty giám sát hàng hóa năng lượng Vortexa, vào tháng 10, Moskva đã vượt Saudi Arabia và Iraq, trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của New Delhi.
Mỹ, Đức và EU cam kết giúp Ai Cập chuyển đổi sang năng lượng sạch
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/11 nêu rõ Mỹ, EU và Đức sẽ cung cấp gói hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhằm tạo điều kiện để Ai Cập chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo ông Biden, khoản đầu tư này sẽ giúp Ai Cập cắt giảm 10% lượng khí nhà kính.
Ông Biden cho biết Mỹ, EU và Đức sẽ phối hợp với Ai Cập để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua việc thu giữ gần 14 tỉ m3 khí tự nhiên hiện bị rò rỉ từ các hoạt động dầu khí của quốc gia Bắc Phi này. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nhờ sự hợp tác này, Ai Cập đã nâng tham vọng khí hậu của mình, đồng thời đề cập đến các mục tiêu khí hậu mà các quốc gia đệ trình lên Liên hợp quốc theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ai Cập đặt mục tiêu nâng sản lượng điện được sản xuất từ các nguồn tái tạo lên 42% vào năm 2035. Với gói hỗ trợ tài chính từ Mỹ, Đức và EU, quốc gia này sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình trong 5 năm tới.
Đức rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng
Ngày 11/11, Đức “theo chân” Pháp và Hà Lan rút khỏi hiệp ước năng lượng ký năm 1994 mà những người chỉ trích cho rằng nó bảo vệ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Thư ký tại Quốc hội của Bộ Kinh tế Đức Franziska Brantner cho biết: “Chúng tôi luôn điều chỉnh chính sách thương mại của mình theo hướng bảo vệ khí hậu và theo đó đang rút khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng (ECT). Đây cũng là một tín hiệu quan trọng gửi tới hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc”.
ECT hình thành như một cách để bảo vệ đầu tư vào năng lượng, đặc biệt là ở Trung Á, Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Một yếu tố chính trong Hiệp ước này là cho phép các công ty năng lượng kiện chính phủ về những thay đổi trong chính sách năng lượng có thể làm tổn hại tới các khoản đầu tư của họ khiến các nhà nước phải bồi thường hàng tỉ USD.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/11/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/11/2022 |