Tin hoạt động của các công ty năng lượng quốc tế trong tuần qua (31/10-6/11)
(PetroTimes) - Bị Nga cắt khí đốt, Uniper chịu mức lỗ kinh hoàng; Rosneft khuyên BP trở lại Nga, hứa chia cổ tức cao hơn; ExxonMobil và Chevron trước làn sóng chỉ trích của Nhà Trắng; Sonatrach khởi động hai dự án thử nghiệm sản xuất hydro xanh; Eni và BP hợp tác phát triển dự án khí đốt ở Địa Trung Hải… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Từ đầu năm nay, vì Nga cắt giảm khí đốt giao đến châu Âu, tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper (Đức) đã phải chịu khoản lỗ ròng khủng khiếp lên tới 40 tỷ euro – một sự kiện lần đầu tiên xảy ra với một công ty Đức. Theo thông cáo báo chí đưa ra hôm 4/11, Uniper đã trải qua khoản lỗ ròng 40,37 tỷ euro trong chín tháng đầu năm 2022, cao gấp 10 lần so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Giới truyền thông nhận định đây là “con số lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử doanh nghiệp Đức”. Trước đó, doanh nghiệp nắm giữ kỷ lục lỗ ròng lớn nhất nước Đức là nhà viễn thông Deutsche Telekom, với khoản lỗ 25 tỷ euro trong năm 2002.
BP mới đây đã công bố kết quả kinh doanh của quý 3 ấn tượng, vượt xa kỳ vọng của thị trường, bao gồm thu nhập ròng đã điều chỉnh là 8,15 tỷ USD. Kết quả này cao hơn gần 5 tỷ so với lợi nhuận 3,3 tỷ USD của công ty chỉ một năm trước. Các nhà phân tích tại Jefferies hiện cho rằng BP sẽ mua lại cổ phiếu với mức giá cao hơn mức đã công bố. Nhóm chuyên gia lưu ý rằng BP liên tục tốt hơn các công ty cùng ngành ở châu Âu là Shell và TotalEnergies trong việc nắm bắt thị trường LNG chặt chẽ hơn trong năm nay.
Trên thực tế, BP hiện không đơn độc. Các ông trùm dầu khí đang có xu hướng mua lại cổ phiếu của họ ở mức gần kỷ lục trong năm nay nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt giúp họ có lợi nhuận cao, từ đó tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo dữ liệu từ Bernstein Research, bảy ông lớn dầu khí thế giới đã sẵn sàng chi trả 38 tỷ USD cho các cổ đông thông qua các chương trình mua lại trong năm nay, trong khi ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets nhận định con số này có thể lên tới 41 tỷ USD.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy hôm thứ Tư đã công bố việc mua lại BeGreen của Đan Mạch, công ty chuyên phát triển các dự án năng lượng mặt trời ở Tây Bắc Châu Âu. Số tiền giao dịch không được tiết lộ. Hiện nay, BeGreen có các dự án đang được phát triển ở Đan Mạch, Thụy Điển và Ba Lan với tổng công suất hơn 6 GW, Equinor cho biết trong một tuyên bố. Đã có mặt trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Argentina, Brazil và Ba Lan, Equinor, một nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn, đặt mục tiêu có công suất lắp đặt trong các loại năng lượng tái tạo từ 12 đến 16 GW vào năm 2030.
Rosneft ngày 1/11 cho biết, BP nên suy nghĩ lại về quyết định rời Nga và quay trở lại hoạt động tại nước này, hứa hẹn sẽ trả cổ tức nhiều hơn. Giám đốc điều hành của Rosneft, Igor Sechin, tuần trước cho biết BP được hưởng 700 triệu USD tiền cổ tức nửa cuối năm 2021, mà Rosneft đã chuyển vào các tài khoản "C" đặc biệt ở Nga. Nhiều công ty phương Tây, bao gồm cả các công ty dầu mỏ, đã rời khỏi Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Người đại diện Rosneft cho hay: "Chúng tôi chỉ có thể chân thành khuyên các đồng nghiệp của chúng tôi từ BP xem xét lại quyết định rời Nga". Rosneft cũng cho biết hội đồng quản trị của họ sẽ thảo luận về việc trả cổ tức 9 tháng đầu năm 2022 vào cuối tháng này và BP có thể "tăng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ở Nga thêm khoảng 700 triệu USD". Được biết, BP hiện chưa có bất kỳ bình luận nào về thông tin kể trên. Tuần trước, ông lớn dầu khí Vương quốc Anh đã nhấn mạnh rằng, quan điểm của họ đối với Nga vẫn không thay đổi.
Châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Mỹ sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển của EU có hiệu lực vào đầu tháng 12, Claudio Descalzi, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Eni của Ý nói với Bloomberg. Cụ thể, lệnh cấm vận đối với dầu thô nhập khẩu của Nga sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12. Nguồn cung sang châu Âu sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, Descalzi nói với Bloomberg bên lề hội nghị năng lượng ADIPEC ở Abu Dhabi. Giám đốc điều hành của Eni cho rằng, đòn giáng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với châu Âu.
Thời gian gần đây, Mỹ đã xuất khẩu khối lượng dầu thô và các sản phẩm dầu ở mức kỷ lục, và châu Âu đã trở thành điểm đến chính cho xuất khẩu xăng dầu của Mỹ, đặc biệt là sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Trong quý III/2022, hai công ty dầu mỏ khổng lồ Mỹ - ExxonMobil và Chevron, đã thu về tổng lợi nhuận cực kỳ cao: 30,9 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền này đã khiến họ phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích từ chính quyền Mỹ. Nhờ giá năng lượng tăng vọt trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine, những tập đoàn châu Âu đã bội thu: Shell (Anh) đạt lợi nhuận ròng 6,7 tỷ USD, TotalEnergies (Pháp) đạt 6,6 tỷ USD, còn Eni (Ý) đạt 5,9 tỷ USD.
Việc thu về siêu lợi nhuận có thể sẽ dấy lên căng thẳng giữa những tập đoàn Mỹ với chính phủ của họ. Thật vậy, Tổng thống Joe Biden thường xuyên chỉ trích những chuyên gia dầu mỏ vì đã không tận dụng nguồn lợi nhuận béo bở để tăng sản lượng dầu và giảm giá cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cận kề, vấn đề lạm phát đang là mối quan tâm chính của người dân Mỹ. Do đó, Tổng thống Joe Biden đang cố gắng tìm cách giảm giá năng lượng. Gần đây, Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia để hạ nhiệt giá dầu.
Ủy viên năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), Kadri Simson mới đây cho biết giới hạn giá khí đốt tự nhiên có thể hạn chế mức tăng giá quá mức nhưng chỉ khi các nước trao quyền cho Brussels để áp đặt một biện pháp như vậy. Equinor đã phản hồi đề xuất kể trên trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, nói rằng giới hạn giá sẽ không giải quyết được vấn đề nguồn cung của châu Âu. Hồi đầu tuần này, Simson, quan chức phụ trách năng lượng EU, cho biết mức trần giá khí đốt sẽ hạn chế mức tăng đột biến trong mùa đông này. Quan chức EU nói rằng, biện pháp này sẽ là "biện pháp cuối cùng" nếu giá cả tăng vọt một cách khó kiểm soát. Đáp lại việc EU đang cân nhắc về ý tưởng giới hạn giá đối với khí đốt bán buôn, Giám đốc điều hành của Equinor Anders Opedal nói với Bloomberg: "Bất kỳ giới hạn giá nào cũng không thực sự giải quyết được các vấn đề cơ bản. Trên thực tế, nó có thể phản tác dụng, làm tăng nhu cầu trong khi nguồn cung không tăng".
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu cạn kiệt, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu. Sắp xếp lại chuỗi cung ứng năng lượng thoát khỏi Nga sẽ có nghĩa là EU phải tăng cường đầu tư vào lưới điện - mặc dù giới hạn giá ngăn cản các khoản đầu tư như vậy của các công ty năng lượng.
Theo ông Mohamed Boutouchent - Trợ lý Giám đốc Trung tâm Tài nguyên mới của Sonatrach (Algeria), tập đoàn dầu khí nhà nước này sẽ khởi động hai dự án thử nghiệm sản xuất hydro xanh ở miền nam đất nước vào năm 2023 và 2024. Đây là tuyên bố được đưa ra trong Triển lãm Quốc tế về Năng lượng tái tạo, Năng lượng sạch và Phát triển bền vững (ERA) lần thứ 12. Ông giải thích rằng: “Mục tiêu chính của các dự án thử nghiệm này là phát triển năng lực và làm chủ công nghệ về mọi mặt trong toàn bộ chuỗi giá trị của hydro xanh, từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển cho đến ứng dụng”. Ngoài ra, hai dự án thử nghiệm cũng sẽ cung cấp các bài học cụ thể, được thiết kế theo cách bổ trợ nhằm chỉ rõ cách “làm chủ chuỗi giá trị hydro, từ sản xuất đến vận chuyển”. Hơn nữa, hai dự án này sẽ “giúp Sonatrach xem xét sản xuất hydro xanh trong trung hạn”.
Tập đoàn Eni của Ý và BP của Anh đã thỏa thuận với chính quyền Libya về việc phát triển và khai thác tài nguyên khí đốt tại một khu vực trên Biển Địa Trung Hải nằm ở phía tây của đất nước. Thông tin trên được ông Farhat Bengdara - người đứng đầu Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) - công khai bên lề Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) diễn ra từ thứ Hai ngày 31 tháng 10 đến thứ Năm ngày 3 tháng 11. Vị trí cụ thể của dự án vẫn chưa được xác định và thời gian cụ thể cho việc thực hiện dự án cũng không được tiết lộ. Nhưng nó sẽ bao quát một mỏ "lớn hơn cả mỏ khí đốt khổng lồ Zohr của Ai Cập" ước tính khoảng 77 nghìn tỷ feet khối (Tcf).
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-15/10) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10) |
Nh.Thạch