Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/10/2022
(PetroTimes) - Trà Vinh xây dựng nhà máy điện sinh khối hơn 1.000 tỷ đồng; EU cảnh báo việc áp trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện; Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được thỏa thuận mới để tăng xuất khẩu khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/10/2022.
Một tàu chở LNG ở vùng Sakhalin của Nga. Ảnh: ZUMA |
Trà Vinh xây dựng nhà máy điện sinh khối hơn 1.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Quyết định số 1947/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh, tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Dự án có 4 đơn vị doanh nghiệp thực hiện gồm Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty CP Năng lượng HCG Trà Vinh; Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ; Công ty CP Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận.
Dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 11 ha và 0,6 ha mặt nước. Nhà máy điện sinh khối sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng lò hơi đốt ghi xích với công suất thiết kế của nhà máy 25MW.
Tổng vốn đầu tư Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh cùng một số công trình phụ trợ khác là trên 1.066 tỷ đồng, thời gian thực hiện 3 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án 49 năm. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng từ quý II/2023 và thời gian vận hành thương mại nguồn năng lượng tái tạo vào quý I/2025.
EU cảnh báo việc áp trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện
Ngày 25/10, Bộ trưởng Kinh tế Estonia Riina Sikkut cho biết, cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cùng ngày tại Luxembourg chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp giá trần khí đốt. Ủy ban châu Âu (EC) đã chia sẻ với các nước bản phân tích về trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, một cơ chế mà Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã triển khai trong mùa hè này, sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine và việc nguồn cung khí đốt cho EU bị cắt giảm, khiến giá năng lượng tăng.
Việc mở rộng ra toàn EU - một ý tưởng mà Pháp ủng hộ, có thể khiến nhu cầu khí đốt trong khối tăng thêm 9 tỷ m3. Điều đó sẽ cần có những biện pháp để ngăn chặn việc điện giá rẻ được xuất khẩu sang các nước ngoài khối như Anh và Thụy Sỹ, những nước hiện không áp trần giá.
Đức và Hà Lan đã cảnh báo, trần giá có thể khiến mức tiêu thụ tăng trong thời điểm các nước đang đẩy mạnh việc tiết kiệm nhiên liệu và tìm nguồn cung thay thế Nga, nước cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt cho EU trước xung đột. Theo EC, cơ chế trần giá có thể làm lợi ròng 13 tỷ Euro (12,8 tỷ USD) và góp phần hạ nhiệt lạm phát nếu giá khí đốt trên thị trường ở mức 180 Euro/MWh trong một năm.
Bất chấp G7 áp giá trần, 90% lượng dầu của Nga vẫn có thể lưu thông
Theo hãng tin Reuters, với số lượng tàu chở dầu và dịch vụ vận chuyển có sẵn của Nga và các nước châu Á, dầu của Nga vẫn có thể giao dịch mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Tháng trước, các lãnh đạo G7 đã nhất trí về việc áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu của nước này từ xuất khẩu năng lượng. Giới hạn giá vẫn chưa được quyết định. Các công ty ngân hàng, bảo hiểm và vận tải biển sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ cho các công ty Nga bán dầu với giá cao hơn mức giá được quy định. Ngày 5/12 cũng đánh dấu thời hạn Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển.
Tuy nhiên, theo một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, 80-90% dầu Nga vẫn có thể lưu thông bên ngoài cơ chế giá trần trên. Vị quan chức nhấn mạnh một số tàu đang thay đổi quốc gia đăng ký và các công ty, doanh nghiệp cũng dần chuyển ra khỏi các nước thuộc nhóm G7 để tránh việc bị áp đặt mức giá trần.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được thỏa thuận mới để tăng xuất khẩu khí đốt
Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Sabah ngày 24/10 dẫn lời Mohammad Reza Julaei, người đứng đầu các hoạt động điều phối tại Công ty Khí đốt Quốc gia Iran (NIGC), cho biết các bên liên quan ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đồng ý về một thỏa thuận mới để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt từ Tehran cho Ankara và các khía cạnh kỹ thuật của quá trình này sẽ được hoàn thành trong những tháng tới.
"Theo thỏa thuận, tất cả các hoạt động kỹ thuật, vận hành và điều hành xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện trong 6 tháng tới với sự phối hợp của cả hai bên", ông Julaei nêu rõ.
Thỏa thuận trên được công bố sau cuộc họp giữa các quan chức của nhà nhập khẩu năng lượng quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ BOTAS và NIGC. Ông Julaei cho biết theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ phối hợp về các kế hoạch vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và bảo vệ cùng một số vấn đề khác liên quan đến xuất khẩu khí đốt.
Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu
Tại Hội nghị Kinh tế 2022 tổ chức ở thành phố Sharm El-Sheikh ngày 24/10, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Mohamed Shaker cho biết bộ này cùng Bộ Dầu khí đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nhằm tài trợ cho những nghiên cứu tiềm năng liên quan tới chuỗi cung ứng hydro carbon thấp.
Theo ông Shaker, EBRD sẽ giúp Ai Cập khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh bằng cách hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia nhằm sản xuất hydro xanh với chi phí thấp.
Chiến lược nói trên sẽ giúp Ai Cập sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất trên toàn thế giới, có giá khoảng 1,7 USD/kg, vào năm 2050. Mục tiêu tham vọng này cũng mở đường cho việc thực hiện kế hoạch lớn nhằm hỗ trợ đất nước Bắc Phi này giành được 8% thị phần thị trường hydro toàn cầu.
Nga cảnh báo cắt hoàn toàn khí đốt nếu EU áp giá trần
Tập đoàn năng lượng sở hữu nhà nước Gazprom cảnh báo sẽ dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt tới Liên minh châu Âu (EU) nếu giá trần khí đốt được thực hiện. Theo Giám đốc Điều hành Gazprom Alexei Miller, bất kỳ động thái nào nhằm áp giá trần khí đốt đều sẽ vi phạm hợp đồng giữa các khách hàng EU và Gazprom, dẫn đến việc công ty này sẽ ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt.
Mặc dù việc vận chuyển khí đốt từ Nga tới EU qua các đường ống Dòng chảy phương Bắc và Yamal - Europe đã nhiều lần bị gián đoạn kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra và cả hai đường ống này hiện đã ngừng vận chuyển khí đốt tới châu Âu nhưng khí đốt Nga vẫn được vận chuyển tới một vài châu Âu qua trạm Sudzha ở biên giới với Ukraine và đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu trong tương lai gần đồng nghĩa rằng EU sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế về ngắn và dài hạn. Qatar hiện đứng đầu danh sách nguồn cung thay thế nhưng tuần trước, nước này cho biết sẽ không chuyển hướng dòng chảy khí đốt theo hợp đồng với các khách hàng châu Á sang châu Âu trong mùa đông này, bất kể tình hình ra sao.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/10/2022 |
T.H (t/h)