Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/10/2022
(PetroTimes) - Người dân Đức biểu tình do chi phí năng lượng tăng cao; Nga lập điểm sưởi ấm tại các thành phố ở châu Âu; Tổng thống Pháp chỉ trích Mỹ bán năng lượng giá cao cho EU… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 23/10/2022.
Những người biểu tình cầm những tấm biển có khẩu hiệu như giảm lạm phát, cắt điện hạt nhân và trợ cấp giá năng lượng nhiều hơn cho người nghèo. Ảnh: Dawn |
Người dân Đức biểu tình do chi phí năng lượng tăng cao
Hàng chục nghìn người biểu tình ở 6 thành phố của Đức đã tập trung trong ngày 22/10 để yêu cầu các quỹ của chính phủ phân phối công bằng hơn nhằm đối phó với giá năng lượng cao, chi phí sinh hoạt tăng và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn.
Andrea Kocsis, Phó chủ tịch ver.di, một trong những công đoàn tổ chức các cuộc biểu tình, cho biết việc hỗ trợ tài chính cho những công dân để cân bằng về mặt xã hội là rất cần thiết. Chính phủ đang làm rất nhiều nhưng mức mà họ đang hỗ trợ vẫn thấp. Những người có thu nhập thấp cần được hỗ trợ nhiều hơn những người giàu có.
Quốc hội Đức hôm 21/10 đã thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (195 tỷ USD). Gói này bao gồm trả một lần để chi hóa đơn khí đốt hàng tháng cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ chế hạn chế tăng giá từ tháng 3/2022. Gói hỗ trợ cũng sẽ giúp giới hạn giá điện cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp từ tháng 3/2022 đối với giá giao ngay và từ tháng 12/2022 đối với giá kỳ hạn.
Nga lập điểm sưởi ấm tại các thành phố ở châu Âu
Các trung tâm văn hóa Nga ở Phần Lan và Luxembourg đang chào đón những người có nhu cầu sưởi ấm đầu tiên trong bối cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng vọt ở EU. Theo cơ quan liên bang Rossotrudnichestvo của Nga phụ trách đồng bào sống ở nước ngoài và hợp tác nhân đạo quốc tế, các điểm này giúp người có nhu cầu sưởi ấm, đồng thời được thưởng thức trà hoặc xem phim.
“Mọi người đang dần dần tìm đến chúng tôi. Ở Phần Lan và Luxembourg, chương trình chiếu phim kết hợp sưởi ấm kéo dài đến tháng 2/2023”, một phát ngôn viên của Rossotrudnichestvo tiết lộ với các phương tiện truyền thông Nga hôm 22/10.
Rossotrudnichestvo cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Liên minh châu Âu (EU) đã ảnh hưởng trầm trọng hơn đến người dân châu Âu khi mùa đông lạnh giá đến gần. Ngoài việc thưởng thức trà nóng và xem phim, du khách đến thăm các ngôi nhà văn hóa ở Nga còn có thể sạc điện thoại và tham gia nhiều hoạt động thú vị khác.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ vì gây sức ép lên đồng minh Ả-rập Xê-út
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi Mỹ dừng gây sức ép lên Ả-rập Xê-út vì vấn đề sản lượng dầu thô, và kêu gọi Washington nên tìm các giải pháp khác để giải quyết vấn đề, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) do Riyadh và Nga dẫn đầu quyết định giảm sâu sản lượng dầu từ tháng 11.
Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc Mỹ chỉ trích OPEC+ là có thể chấp nhận được, sau khi nhóm các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới quyết định giảm sâu sản lượng dầu thô 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Tuy nhiên, ông Cavusoglu nhận định việc Mỹ gây sức ép lên Ả-rập Xê-út là không đúng đắn.
Trước đó, ngày 11/10, Tổng thống Biden nói rằng, Ả-rập Xê-út sẽ phải gánh chịu hậu quả sau quyết định gây tranh cãi của OPEC+. Tuyên bố diễn ra trong bối cảnh một số đảng viên Dân chủ đã kêu gọi Mỹ đóng băng hợp tác với Riyadh.
Hungary cam kết thúc đẩy năng lượng địa nhiệt
Trong một tuyên bố vào ngày 22/10, Bộ Đổi mới và Công nghệ Hungary cam kết thúc đẩy việc sử dụng năng lượng địa nhiệt - được coi là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của đất nước. Theo đó, cơ quan này sẽ thiết lập môi trường pháp lý cho việc sử dụng năng lượng địa nhiệt và thúc đẩy các hoạt động đầu tư liên quan. Hungary cũng có kế hoạch chi khoảng 16 tỷ euro cho kế hoạch địa nhiệt vào cuối thập niên này.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết Hungary sẽ triển khai một chương trình tiết kiệm năng lượng trị giá lên tới 360 triệu USD cho các nhà máy sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới. Theo đó, Hungary sẽ cung cấp các khoản trợ cấp nhà nước lên tới 30% cho các công ty ở Budapest và 45% cho các công ty có trụ sở bên ngoài thủ đô.
Ông Peter Szijjarto nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xung đột là lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông chỉ trích các biện pháp này của EU đang gây ảnh hưởng nặng nề cho các công ty, người dân và các quốc gia châu Âu. Các quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng đặc biệt trong mùa đông này.
Tổng thống Pháp chỉ trích Mỹ bán năng lượng giá cao cho EU
Hãng tin Bloomberg ngày 22/10 đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích chính sách năng lượng và thương mại của Mỹ, cho rằng Washington áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi giữ giá năng lượng ở trong nước thấp, nhưng bán cho châu Âu với giá cao. Trong khi đó, Farnews dẫn lời Tổng thống Pháp mô tả "khí đốt của Mỹ rẻ hơn 3-4 lần so với giá họ cung cấp cho châu Âu".
Ông Macron thông tin thêm, Mỹ cho phép viện trợ nhà nước lên đến 80% đối với một số lĩnh vực, trong khi ở châu Âu không được phép, khiến các doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi thế trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp dự kiến thăm Mỹ tháng 12 tới. Ông tuyên bố sẽ nêu các vấn đề còn khúc mắc với giới chức Mỹ.
Theo báo cáo của OilPrice.com, chỉ riêng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Mỹ sang Pháp đã tăng 421% trong 8 tháng đầu năm nay. Mặt khác, giá LNG đã tăng gần 1.100% chỉ trong tháng 8/2022.
Hungary tuyên bố sẽ ngăn chặn các lệnh trừng phạt mới của EU đối với khí đốt của Nga
Chánh văn phòng Chính phủ Hungary Gergely Gulyas ngày 22/10 cho biết nước này sẽ ngăn chặn các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt của Nga, nếu điều này ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty của Hungary.
Ông Gergely Gulyas lưu ý rằng đây không phải là một “cử chỉ có đi có lại” đối với Liên bang Nga và các hợp đồng khí đốt với Nga không ảnh hưởng đến quan điểm của Hungary liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Chánh Văn phòng Chính phủ Hungary nhấn mạnh rằng, nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, vì “chúng chỉ gây tổn hại cho chính các nước châu Âu chứ không góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine”. Quan chức này kêu gọi Mỹ và EU tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, cho rằng đó là cách duy nhất để đạt được giải pháp cho cuộc xung đột.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/10/2022 |
T.H (t/h)