Kỷ nguyên thống trị của khí đốt Nga sắp kết thúc?
(PetroTimes) - Cuối tuần này, Ba Lan, Na Uy và Đan Mạch đã khánh thành một đường ống dẫn khí đốt chiến lược, giúp Ba Lan và châu Âu trở nên độc lập khỏi dầu khí của Nga.
Tại lễ khánh thành Baltic Pipe ở phía tây Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki - Thủ tướng Ba Lan phát biểu: “Kỷ nguyên thống trị của khí đốt Nga sắp kết thúc. Từ hôm nay, châu Âu sẽ bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên tự chủ về năng lượng”. Được biết, đường ống Baltic Pipe có công suất 10 tỷ m3 khí đốt/năm.
Ông Terje Aasland - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy cho biết: “Đây là một bước quan trọng trên con đường giúp châu Âu thoát khỏi năng lượng Nga”.
Bà Mette Frederiksen - Thủ tướng Đan Mạch cũng hoan nghênh việc “mở con đường khí đốt mới ở châu Âu”. Bà nói thêm: “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để loại bỏ năng lượng Nga”.
Sự cố đường ống Nord Stream 1 và 2
Bà Mette Frederiksen nhận thấy, sự cố “tình cờ” rò rỉ đồng thời ở 4 điểm khác nhau trên hai đường ống dẫn khí đốt dưới lòng biển Nord Stream 1 và 2 là một chuyện “khó tưởng tượng”.
Bà chia sẻ với truyền thông Đan Mạch: “Sự rò rỉ Nord Stream 1 và 2 là sự kiện rất đáng quan ngại, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường an ninh năng lượng toàn châu Âu. Có 4 lỗ rò rỉ ở những khoảng cách khác nhau. Vì vậy, đây là một chuyện bất thường, khó ngẫu nhiên”.
Đối với ông Andrzej Duda - Tổng thống Ba Lan, việc khai trương đường ống dẫn khí Baltic Pipe đã hiện thực hóa “giấc mơ Ba Lan”.
Trước đây, Ba Lan phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga. Và trong nhiều năm qua, Ba Lan đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào xứ láng giềng khổng lồ ở phía đông. Với đường ống Baltic Pipe, Ba Lan sẽ hội tụ đủ yếu tố cần thiết để tách khỏi hydrocarbon của Nga.
Vào năm 2015, Ba Lan đã khánh thành một cảng nhập LNG trên biển Bắc với công suất xử lý 6,5 tỷ m3. Với cảng biển này, Ba Lan đã mở ra nhiều con đường khí đốt đến các nước láng giềng.
Kết thúc hợp đồng với Gazprom
Vào năm 2019, Chính phủ Ba Lan cho biết họ sẽ không gia hạn hợp đồng với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom (Nga) sau năm 2022.
Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, Gazprom đã ngừng giao khí đốt đến Ba Lan trong năm nay. Nguyên nhân là do công ty khí đốt PGNiG (Ba Lan) đã từ chối thanh toán chi phí bằng đồng rúp Nga.
Trong năm 2021, khí đốt Nga chiếm gần một nửa nhu cầu tiêu thụ của Ba Lan, tức khoảng 20 tỷ m3. Tuy nhiên, năm nay, Ba Lan dự kiến chỉ tiêu thụ khoảng 18 tỷ m3.
Theo lịch trình, Baltic Pipe bắt đầu hoạt động vào ngày 1/10/2022.
Theo thông cáo báo chí của PGNiG, vào năm 2023, đường ống dẫn khí Baltic Pipe sẽ vận chuyển 6,5 tỷ m3 khí. Vào năm 2024, sản lượng sẽ tăng lên 7,7 tỷ m3. Vào tuần trước, công ty khí đốt Ba Lan đã ký một thỏa thuận dài hạn với tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor (Na Uy) để cung cấp khoảng 2,4 tỷ m3 khí/năm trong 10 năm qua Baltic Pipe.
PGNiG cũng cho biết họ đã ký các thỏa thuận khác nhằm đảm bảo duy trì lô hàng qua đường ống dẫn khí này. Công ty khí đốt của Ba Lan cũng đang khai thác khí đốt ở Biển Bắc.
Tuy nhiên, các chuyên gia Ba Lan chỉ trích Đảng Bảo thủ vì đã chậm trễ trong việc ký hợp đồng, khiến Ba Lan phải bỏ số tiền lớn vào khí đốt của Na Uy.
Hiện nay, châu Âu đang đầu tư vào một đường ống dẫn khí đốt tích hợp vào hệ thống dẫn Europipe 2. Đường ống này sẽ kết nối Na Uy với Đức qua Đan Mạch. Đường ống sẽ đi vào hoạt động khi nhu cầu sản lượng từ Na Uy vào châu Âu tăng lên.
Khí đốt Nga đi đường vòng, Trung Quốc vẽ lại bản đồ năng lượng? |
Quan chức Đức nói khó "cai" khí đốt Nga |
Trung Quốc có thể nhập khí đốt Nga rồi tái xuất qua châu Âu? |
Ngọc Duyên