Không làm gì được Nga, EU toan tính áp trần giá khí đốt của Na Uy
(PetroTimes) - Theo ông Pascal Canfin - Chủ tịch Ủy ban Môi trường thuộc Nghị viện châu Âu, quyết định hạn chế giá khí đốt từ phía Na Uy chính là một thách thức về “tình đoàn kết giữa các đồng minh EU”.
Theo vị đại biểu Nghị viện châu Âu, sau khi Nga cắt nguồn khí đốt, Na Uy trở thành nhà cung cấp chính mới. Hiện nay, EU đang tiến hành đàm phán với Na Uy về giá khí đốt.
Tuy nhiên, ông Pascal Canfin cho biết: “EU và Na Uy có rất nhiều điểm chung: Giá trị về nhiều mặt, nền dân chủ, lập trường phản đối Nga… nhưng không phải thu nhập từ khí đốt. Lý do là vì chúng tôi tiêu tốn khoảng 100 tỷ euro chỉ để mua khí đốt từ Na Uy. Mọi lợi nhuận đều thuộc về Na Uy. Vì vậy, tiến hành thỏa thuận mức giá tối đa là quyết định hoàn toàn chính đáng”.
Vị cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển Pháp này nói tiếp: “Người châu Âu chúng tôi luôn nói, phải thể hiện tình đoàn kết. Chúng tôi đồng ý, đổi lại, chúng tôi có quyền yêu cầu thái độ trên từ các đối tác của mình, đúng không? Đây là thời điểm mang tính lịch sử: EU cần thấy tình đoàn kết giữa Na Uy - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu, và châu Âu - khách hàng hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành đàm phán. Mục tiêu của chúng tôi là đạt được một mức giá tối đa cho khí đốt”.
Tiếp tục lộ trình đa dạng hóa nguồn cung, ông Pascal Canfin cho biết: “Tiếp theo, chúng tôi sẽ đàm phán với Algeria - một nhà cung cấp khí đốt lớn khác của EU. Tôi nghĩ quá trình đàm phán sẽ không dễ, nhưng đây là điều phải làm. Và sau đó, chúng tôi sẽ đàm phán với Hoa Kỳ”.
Thủ tướng Na Uy tỏ thái độ “hoài nghi” về việc đạt được mức giá trần.
Trước đây, EU từng có dự định áp trần giá khí đốt của Nga nhưng không thành, ngay cả quyết định áp trần giá dầu Nga của G7 cũng chưa được thực thi.
Quan chức Đức nói khó "cai" khí đốt Nga |
Cuộc chiến tranh giành LNG giữa châu Âu và châu Á |
Châu Âu tìm cách giải bài toán giá năng lượng cao kỷ lục |
Ngọc Duyên