EU chia rẽ trong việc áp giá trần đối với riêng khí đốt Nga
Một số quốc gia châu Âu lo ngại việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moscow ngừng toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Brussels đang đối mặt với sức ép từ ít nhất 10 quốc gia ở châu Âu trong việc thực hiện áp giá trần khí đốt đối với tất cả nguồn cung khi các chính phủ cảnh báo rằng, việc chỉ áp giá trần đối với khí đốt Nga có thể khiến Tổng thống Nga Putin cắt hoàn toàn nguồn cung cho châu Âu.
Một số quốc gia châu Âu lo ngại việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moscow cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu (Ảnh: Getty) |
Theo Financial Times, các quốc gia thành viên EU phản đối đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong việc chỉ áp giá trần đối với khí đốt Nga, bao gồm cả Itlay, Ba Lan và Hy lạp.
Họ cho rằng, việc thiếu đồng thuận trong việc áp giá trần khí đốt có nghĩa là đề xuất này chỉ được thảo luận một cách chóng vánh tại cuộc họp khẩn của các bộ trưởng năng lượng châu Âu vừa diễn ra hôm 9/9. Cuộc họp nhằm thảo luận các biện pháp giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
Điện Kremlin đã cảnh báo sẽ ngừng toàn bộ nguồn cung năng lượng tới châu Âu nếu châu Âu áp giá trần với khí đốt. Nguồn cung khí đốt Nga cho châu Âu đã bị cắt giảm khoảng 80%, xuống còn 84 triệu mét khối mỗi ngày kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.
"Thành thực mà nói, người Nga có thể sẽ trả đũa về điều này", ông Nikos Tsafos, cố vấn năng lượng chính của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, nói với Financial Times.
Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng của Italy Roberto Cingolani lại ủng hộ việc áp giá trần "ở mức hợp lý" và cho tất cả nguồn cung.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết, "mọi người đều sợ hiệu ứng domino" nếu Nga cắt đứt nguồn cung bởi các nước châu Âu vẫn quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Cuộc chiến tại Ukraine đã thôi thúc châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga vốn đã diễn ra trong hàng thập kỷ, song khối này đang thiếu các giải pháp thay thế ngắn hạn.
Nỗ lực tìm nguồn cung cấp mới, kết hợp với quyết định khóa van dòng chảy khí đốt qua đường ống của Moscow cho đến khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt. Việc giá khí đốt liên tiếp tăng cao khiến giá điện trên châu Âu cũng tăng lên, làm tăng nguy cơ mất điện và phải phân bổ năng lượng trong mùa đông này.
Các quan chức EU cho rằng, việc thực thi giá trần đối với khí đốt Nga có thể sẽ cần phải được toàn bộ 27 quốc gia thông qua, bởi vì nó được coi như một lệnh trừng phạt của khối này đối với Nga. Mức giá trần chung cho khí đốt có thể đạt được thông qua với sự tán thành của đa số.
Tuy nhiên, Hungary, Áo và Hà Lan đã lên tiếng bảo lưu về việc áp giá trần chung cho tất cả các nguồn cung.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết tại cuộc họp ở Rotterdam cùng với bà von der Leyen, Hà Lan đã có "quan điểm tích cực hơn" về đề xuất của EC áp giá trần đối với Nga.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho rằng sự chia rẽ về việc áp giá trần khí đốt chủ yếu là do các vấn đề kỹ thuật mà các thành viên trong ủy ban có thể giải quyết.
Những người ủng hộ áp giá trần cho toàn bộ khí đốt nhập khẩu cho rằng châu Âu nên đặt mức giá cao hơn so với mức giá hiện nay ở châu Á và Mỹ nhằm đảo bảm thu hút được các nhà giao dịch quốc tế đưa hàng đến châu Âu.
Theo Dân trí