Tại sao Nga và phương Tây phải “tự làm khổ nhau”?
(PetroTimes) - Phương Tây và Nga lại đang gây tổn hại cho nền kinh tế của nhau, với việc Moscow hiện đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính tới Đức vào thứ Bảy tuần trước, trong khi G7 thông báo giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga và EU lại đang đe dọa sẽ áp giá trần với khí đốt đến từ Moscow. Những động thái này xuất phát từ chiến trường Ukraine.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Gazprom, gã khổng lồ năng lượng do nhà nước kiểm soát của Nga, đã tuyên bố ngừng đường ống Nord Stream 1 dẫn khí từ Nga sang Đức. Lý do được tập đoàn Nga đưa ra là lỗi kỹ thuật của đường ống. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các cuộc điều động chính sách năng lượng cao cấp được coi là sự kéo dài của chiến tranh Ukraine.
Các thông báo được đưa ra khi Moscow và Kiev đổ lỗi cho các hành động của họ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng, nơi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến hôm thứ Năm tuần trước với nhiệm vụ giúp ngăn chặn thảm họa. Vladimir Rogov, một quan chức thân Nga ở khu vực Zaporizhzhia, cho biết các lực lượng Ukraine đã ném bom nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu nhiều lần trong đêm và đường dây điện chính đến nhà máy bị cắt, buộc ông phải sử dụng các nguồn điện dự trữ, như đã xảy ra vào tuần trước.
Quyết định hoãn lại vô thời hạn việc vận hành Nord Stream 1 của Gazprom sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề của châu Âu về nguồn cung cấp nhiên liệu cho mùa đông, khi chi phí sinh hoạt đã tăng lên, đặc biệt là giá năng lượng. Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic để cung cấp cho Đức và các nước khác, dự kiến sẽ hoạt động trở lại sau ba ngày ngừng hoạt động để bảo trì, nhưng nhà điều hành đường ống đã báo cáo dòng chảy bằng không vài giờ sau đó. Moscow đã cáo buộc các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau cuộc chiến Ukraine ngày 24/2 của Nga, cản trở các hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Brussels và Washington cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí kinh tế.
Hôm thứ Ba tuần này, Nhà Trắng phản ứng rằng Nga đã "chọn đóng cửa" đường ống dẫn khí Nord Stream 1 cung cấp cho châu Âu và "rõ ràng là sai" khi liên kết việc dừng này với các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Hoa Kỳ và châu Âu đang làm việc cùng nhau để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp", một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, đồng thời hứa rằng "dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ được lấp đầy vào mùa đông tới". “Chúng tôi biết rằng vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng tôi tiếp tục tìm cách để tăng trữ lượng khí đốt của châu Âu hoặc giúp thúc đẩy các nguồn năng lượng khác nếu có thể”, người phát ngôn Mỹ nói thêm. Theo Washington, Điện Kremlin đã liên hệ việc ngừng cung cấp đường ống dẫn khí đốt chiến lược này với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây thực hiện sau cuộc chiến tại Ukraine của Nga. Tuy nhiên, Nga không hề có tuyên bố về việc ngừng vận hành Nord Stream 1 là để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu mà chỉ thông báo rằng việc ngừng này để bảo trì cơ sở hạ tầng khí đốt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư đã bác bỏ thông tin rằng Moscow đang sử dụng năng lượng như một "vũ khí" chống lại châu Âu, vài ngày sau khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream bị ngừng lại. “Người phương Tây nói rằng Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí. Đây là điều vô lý! Chúng ta đang sử dụng vũ khí gì vậy? Hãy cho chúng tôi một tuabin và ngày mai chúng tôi sẽ khởi động lại Nord Stream", Tổng thống Nga phát biểu trước các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị châu Á tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok.
Tuần trước, nhóm G7 gồm hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển đã đồng ý thực hiện giới hạn giá dầu của Nga , nhằm "giảm ... khả năng của Nga trong việc tài trợ cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời hạn chế tác động của cuộc chiến của Nga đối với giá năng lượng thế giới". Paolo Gentiloni - ủy viên châu Âu về mảng Kinh tế, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã "chuẩn bị kỹ" trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt hoàn toàn. Các khâu chuẩn bị bao gồm lấp đầy kho dự trữ năng lượng và đề chính sách tiết kiệm khí đốt. Ông tuyên bố: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chống lại ý định vũ khí hóa khí đốt của Nga. Chúng tôi không sợ các quyết định của Tổng thống Putin, mà còn yêu cầu người Nga tôn trọng các điều khoản hợp đồng. Nếu không, chúng tôi sẵn sàng phản ứng”.
Phản ứng trước quyết định này của G7, ông Putin tuyên bố sẽ ngừng cung cấp tất cả các sản phẩm năng lượng cho châu Âu nếu EU và các đồng minh phương Tây áp đặt giới hạn giá đối với dầu và khí đốt tự nhiên của Nga. "Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm - chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì cho châu Âu", Tổng thống Putin phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok. Lãnh đạo Nga nói rằng việc áp giá trần dự kiến đối với dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga là một “sự ngu ngốc”.
Ngày 8-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong cuộc họp khẩn cấp của Liên minh châu Âu ngày 9-9, EU sẽ đề xuất giới hạn khí đốt của Nga để cắt giảm thu nhập của ông Putin như một phần của gói các biện pháp tức thời rộng lớn hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.
Giới quan sát cho rằng những cuộc so găng về kinh tế giữa Nga và phương Tây phản ánh thực trạng cuộc chiến tại Ukraine hiện nay. Trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến, hàng nghìn người đã thiệt mạng và các thành phố của Ukraine biến thành đống đổ nát, và giờ đây nguy cơ về một thảm họa hạt nhân đang hiện hữu. Một nhóm thanh tra của Liên Hợp Quốc, do trưởng nhóm Rafael Grossi dẫn đầu, đã bất chấp pháo kích dữ dội để tiếp cận nhà máy điện Zaporizhzhia hôm thứ Năm tuần trước và dự kiến sẽ đưa ra một báo cáo vào đầu tuần tới và hai chuyên gia từ đội kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ ở lại hiện trường trong thời gian dài hơn. Công ty hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine cho biết, một lò phản ứng tại địa điểm này đã được kết nối lại với lưới điện Ukraine, một ngày sau khi nó ngừng hoạt động do pháo nổ gần khu vực này. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia đánh bom gần cơ sở vẫn do Ukraine vận hành và cung cấp hơn 1/5 lượng điện trong thời bình cho Ukraine. Kiev cũng cáo buộc Nga sử dụng cơ sở này để cất vũ khí của mình, điều mà Moscow phủ nhận. Cho đến nay, Nga vẫn phản đối các lời kêu gọi quốc tế rút quân khỏi nhà máy và phi quân sự hóa khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Ukraine tiếp tục sử dụng vũ khí của các đồng minh phương Tây để ném bom nhà máy. Ông bác bỏ những tuyên bố từ Kiev và phương Tây rằng Nga đã triển khai vũ khí hạng nặng tại nhà máy.
Ở những nơi khác trên chiến tuyến, Ukraine trong tuần trước đã bắt đầu một cuộc tấn công nhằm giành lại lãnh thổ ở miền nam Ukraine, chủ yếu là thành phố Dnipro, phía Nam Trung bộ của Ukraina. Cả hai bên Nga và Ukraine đều tuyên bố những thành công trên chiến trường trong những ngày đầu của cuộc chiến nhưng thông tin chi tiết rất khan hiếm, các quan chức Ukraine tiết lộ rất ít thông tin.
Các chuyên gia cho rằng chừng nào cuộc chiến ở Ukraine chưa hạ nhiệt thì cuộc so găng về kinh tế giữa Nga và phương Tây không thể chấm dứt.
Nga ra tối hậu thư để mở lại đường ống khí đốt lớn nhất tới Đức |
Nga giữ nguyên điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine |
Ukraine nói sẽ quyết định thời điểm kết thúc xung đột |
H.Phan