Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (15-21/8)
(PetroTimes) - Xuất khẩu khí đốt của Gazprom giảm 36%; Aramco sẵn sàng tăng sản lượng dầu nếu có yêu cầu; Sinopec và PetroChina muốn hủy niêm yết trên sàn NYSE; Shell mua lại công ty Sprng Energy của Ấn Độ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Vào tháng 7/2022, công ty dầu khí quốc gia Nigeria NNPC đã nhận được sự ủng hộ của pháp luật trong quyết định ngăn chặn việc hoàn tất giao dịch được thực hiện vào đầu năm 2022, giữa ExxonMobil và Seplat. Tuy nhiên, Tổng thống Muhammadu Buhari vừa công bố quyết định cho phép tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil bán tài sản ở vùng nước nông do ExxonMobil nắm giữ, thông qua liên doanh với công ty dầu khí quốc doanh NNPC, cho công ty địa phương Seplat Energy.
Theo Femi Adesina, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nigeria, quyết định cho phép tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil bán tài sản cho Seplat liên quan đến "những lợi thế đáng kể" mà sau khi hoàn thành, giao dịch sẽ tạo ra cho nền kinh tế đất nước, trong bối cảnh việc sản xuất dầu của Nigeria mất ổn định trong vài tháng gần đây. Quyết định của Tổng thống Buhari được Seplat Energy hoan nghênh như một tin tuyệt vời sẽ giúp công ty có thể tăng gần gấp ba mức sản lượng nhờ việc bổ sung khoảng 95.000 thùng dầu tương đương, đủ để đưa công ty trở thành “một trong những công ty năng lượng độc lập lớn nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nigeria và London”. Đối với ExxonMobil, quyết định này hiện thực hóa tham vọng đã được tuyên bố từ lâu của họ là giảm tải, giống như một số công ty khác, các hoạt động dầu mỏ trên đất liền hoặc ở vùng nước nông. Các hoạt động thường phải chịu các hành động phá hoại và trộm cắp thô bạo làm suy yếu kết quả tài chính của họ.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga ngày 16/8 cho biết xuất khẩu khí đốt tự nhiên của họ đã giảm 36,2% xuống còn 78,5 tỷ m3 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến giữa tháng 8, do lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu giảm mạnh. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Gazprom đã cắt giảm nguồn cung cấp cho các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, bao gồm cả việc cắt giảm việc giao hàng cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.
Cũng trong ngày 16/8, Gazprom cảnh báo rằng giá khí đốt chuẩn của châu Âu có thể tăng 60% trong mùa đông này. Giá khí đốt ở châu Âu vốn đã rất cao và tiếp tục tăng trong tuần này do nhu cầu cao trong đợt nắng nóng và nguồn cung cấp nhiên liệu khác cho sản xuất điện bị hạn chế bởi mực nước thấp trên sông Rhine - hành lang vận chuyển xăng dầu chính của châu Âu. Giá khí đốt chuẩn của châu Âu tại trung tâm TTF của Hà Lan tăng 2% lên 215,50 USD (211,35 euro)/MWh vào ngày đầu tuần (15/8) và tăng thêm 5,9% ở mức 243 USD (239,62 euro) mỗi MWh vào sáng 16/8 ở Amsterdam.
Aramco sẵn sàng tăng sản lượng dầu lên 12 triệu thùng/ngày bất cứ khi nào chính phủ Ả Rập Xê-út yêu cầu điều này, Giám đốc điều hành Amin Nasser mới đây cho biết. Phát biểu tại buổi giới thiệu kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm của Aramco, ông Nasser lưu ý rằng nhu cầu dầu toàn cầu đang thể hiện sự tăng trưởng tốt và nhu cầu nhiều hơn nữa sẽ đến từ châu Á. Ngoài ra, vị Giám đốc điều hành này còn cho biết, ông lo lắng về việc giảm tỷ lệ khai thác tại các mỏ trưởng thành và thiếu đầu tư vào việc khai thác dầu mới trên quy mô toàn cầu. Giám đốc điều hành Aramco cũng nhắc lại mối quan ngại của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Abdulaziz bin Salman, người đã nhiều lần nói rằng các khoản đầu tư thấp vào khai thác dầu mới là cơ sở cho giá dầu cao hơn. Ông Nasser nói rằng năm tới có thể chứng kiến mức tăng trưởng toàn cầu thêm 2 triệu thùng/ngày mà không có công suất dự phòng để đáp ứng nhu cầu cao hơn.
Trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của mình, OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu ở mức 3,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, dự kiến sẽ giảm xuống 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023, với tổng mức tăng từ khoảng 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 102,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Ả Rập Xê-út là thành viên OPEC có công suất dự phòng lớn nhất, và Aramco đầu năm nay đã công bố kế hoạch tăng công suất bền vững tối đa từ mức hiện tại là 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Đồng thời, Ả Rập Xê-út sẽ không vội vã tăng cường sản lượng với dự đoán thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn. Theo các nguồn tin giấu tên được Reuters trích dẫn hồi đầu tháng, Ả Rập Xê-út và UAE có thể tăng sản lượng dầu đáng kể nhưng sẽ chỉ làm điều đó nếu nguồn cung dầu thực sự bị thắt chặt.
Hai tập đoàn dầu mỏ do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc là Sinopec và PetroChina ngày 12/8 đã công bố ý định hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), cùng với hai công ty nhà nước khác. Thông báo hủy niêm yết cổ phiếu hoặc Cổ phiếu lưu ký ở Mỹ (ADS) khỏi sàn NYSE được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán kéo dài giữa các cơ quan quản lý Trung Quốc và Mỹ về các quy tắc kiểm toán, cũng như căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan cách đây hai tuần.
Ngoài Sinopec và PetroChina, các công ty China Life Insurance và Aluminium Corporation of China (Chalco) cũng đã thông báo với NYSE về ý định hủy niêm. PetroChina cho biết đã thông báo cho NYSE về quyết định của mình và sẽ đệ trình lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vào khoảng ngày 29/8 một biểu mẫu để xóa ADS của mình khỏi NYSE. Trong số nhiều lý do kinh doanh để tìm cách hủy niêm yết các ADS của mình, PetroChina viện lý do gánh nặng hành chính đáng kể đối với việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin cần thiết để duy trì việc niêm yết các ADS trên NYSE do sự khác biệt trong các quy tắc quản lý của nhiều sàn niêm yết. Tuy nhiên, PetroChina tuyên bố sẽ tiếp tục niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải, cũng như ba công ty Trung Quốc khác đang tìm cách hủy niêm yết khỏi sàn New York.
Bình luận về kế hoạch hủy niêm yết, một quan chức tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho hay, kế hoạch hủy niêm yết sẽ không ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của các công ty này thông qua thị trường vốn trong và ngoài nước. Ủy ban chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục liên lạc và hợp tác với các cơ quan quản lý có liên quan ở nước ngoài để cùng nhau bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, vị quan chức trên nhấn mạnh.
Shell Overseas Investment đã mua lại Solenergi Power Private Limited và Sprng Energy Group từ công ty ActisSolenergi Limited. Công ty này có trụ sở tại Pune, Ấn Độ với lượng tài sản bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng cũng như các trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sprng Energy đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với ước tính công suất năng lượng đạt 2,9 GW và mục tiêu dài hạn đạt 7,5 GW.
Shell sẽ tăng gấp 3 lần công suất sản xuất năng lượng tái tạo của tập đoàn trong khuôn khổ chương trình Powering Progress. Kế hoạch có 4 mục tiêu phát triển đầy tham vọng cho công ty: duy trì và tạo ra giá trị cho các cổ đông, trung hòa carbon, nâng cao vị thế của tập đoàn và tôn trọng môi trường sinh thái. Do đó, công ty phải phát triển hoạt động để đạt được mục tiêu phát thải ròng đạt mức 0 từ nay cho đến năm 2050.
Theo một số cáo buộc, Shell chưa thực hiện tốt việc giảm phát thải khí nhà kính. Gần đây, tòa án Hà Lan đã ra lệnh Shell phải giảm được 45% lượng khí thải nhà kính từ nay cho đến năm 2030. Theo tòa án, chính sách phát triển bền vững của Shell vẫn chưa đủ. Hoạt động mua lại Sprng Energy là một cơ hội tuyệt vời để “chuộc lỗi” với công chúng và đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Shell. Giao dịch đã kết thúc với giá mua 1,55 tỷ USD, với sự đồng ý của Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI). Shell Overseas Investment B.V, công ty mẹ của tập đoàn, sẽ chịu trách nhiệm quản lý các tài sản mới này. Mặt khác, đây không phải là khoản đầu tư duy nhất của Shell trong khu vực. Gần đây, Shell đã mua cổ phần từ các công ty như Husk Power Energy,chuyên về năng lượng sạch vùng nông thôn và Cleantech Solar Pte Ltd, chuyên về năng lượng mặt trời.
Tuy công ty con vướng vào vấn đề pháp lý tại Chile, Tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Naturgy vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng 15,1% trong nửa đầu năm nhờ giá khí đốt và điện tăng. Trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2022, tập đoàn Naturgy, tiền thân là Gas Natural Fenosa trước khi đổi tên vào năm 2018, đã tạo ra lợi nhuận ròng là 557 triệu euro và thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (ebitda) là 2,04 tỷ euro.
Theo phân tích của nhà cung cấp thông tin tài chính Factset, con số này thấp hơn một chút so với kỳ vọng dự kiến lợi nhuận trung bình là 572 triệu USD. Naturgy cho biết lợi nhuận đến từ việc giá năng lượng cao và nhu cầu gia tăng ở một số thị trường điện như Tây Ban Nha.
Với mục tiêu tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Naturgy đã tăng tốc chính sách đầu tư, đạt kết quả lợi nhuận 721 triệu euro trong nửa đầu năm (tức tăng 64% trong hơn một năm). Trước đó, trong năm 2021, Naturgy thu được lợi nhuận 1,21 tỷ euro. Naturgy cho biết công suất sản xuất năng lượng tái tạo đã đạt mức tổng cộng là 5,3 GW. Tập đoàn này cũng đang thực hiện các dự án sản xuất khí sinh học và hydrogen với trị giá 4 tỷ euro. Vào đầu tháng 2/2022, Naturgy thông báo sẽ tách thành hai công ty niêm yết, nhằm tách bạch hoạt động vận chuyển và phân phối dầu khí khỏi các hoạt động tiếp thị của tập đoàn. Dự án tái cơ cấu lớn này có tên là Geminis. Hiện dự án đã bị đình chỉ do chiến tranh Nga-Ukraine và những bất ổn trong lĩnh vực năng lượng phát sinh từ cuộc chiến, đặc biệt là với khí đốt.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (8-14/8) |
Nh.Thạch