Phân tích lạm phát và giá dầu thế giới những ngày qua
(PetroTimes) - Theo các nhà phân tích, kể từ giữa tháng 6/2022, giá dầu đã giảm 25% và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Thế nhưng, dù Iran có khôi phục lại được thỏa thuận hạt nhân đi nữa, thì vẫn không đủ để kiềm chế lạm phát.
Năm nay, thị trường vàng đen khai màn bằng một pha chấn động: Nga cắt giảm xuất khẩu dầu khí khiến các nhà đầu tư lo sợ, trong bối cảnh nhu cầu tăng trở lại sau làn sóng đại dịch COVID-19.
Vào đầu tháng 3/2022, trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, với lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, EU và các đối tác, giá dầu Brent đã đạt mức 140 USD/thùng.
Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích thuộc công ty chủ quản ngân hàng U.S Bancorp (Mỹ): “Khi đồng USD tăng quá mạnh, lo ngại suy thoái kinh tế đã lấn át triển vọng nhu cầu dầu khí”.
Giá dầu được cố định bằng đồng USD. Do đó, việc tỷ giá tăng đã gây ảnh hưởng đến sức mua của các khách hàng sử dụng đơn vị tiền tệ khác.
Hiện dầu Brent đang có giá 95 USD/thùng, dầu WTI có giá 90 USD/thùng. Vào cuối tuần rồi, giá dầu WTI đã giảm xuống còn 85,73 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2022.
Giá xăng bán lẻ cũng quay trở lại mức đầu năm. Vào cuối tháng 2/2022, đơn giá xăng trung bình tại các trạm xăng Pháp là 1,79 euro/lít.
Trung Quốc và Iran
Theo Geordie Wilkes, nhà phân tích thuộc công ty môi giới hàng hóa Sucden (Pháp): “Tại Trung Quốc, sản lượng dầu thô chế biến tại các nhà máy lọc dầu đã giảm, nhưng trữ lượng xăng đang tăng lên, còn nhu cầu thì giảm”.
Tuy nhiên, theo ông Staunovo, ngân hàng U.S Bancorp dự đoán giá dầu thô Brent sẽ quay lại mức 125 USD/thùng, trước bối cảnh Nga cắt giảm xuất khẩu dầu khí sang châu Âu, Mỹ dừng sử dụng dầu từ kho trữ chiến lược và Trung Quốc tăng nhập khẩu”.
Có một yếu tố có thể ngăn cản giá dầu tăng cao: Iran khôi phục được thỏa thuận hạt nhân, tăng xuất khẩu dầu trở lại. Hiện nay, Iran đang không thể xuất khẩu khoảng một triệu thùng/ngày do bị trừng phạt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), việc đạt được thỏa thuận Iran trong ngắn hạn là rất khó. Hơn nữa, Iran chấp nhận bị phạt đến chừng nào giá dầu còn cao.
Vào năm 2015, khi đạt được thỏa thuận đầu tiên, Iran đã tăng sản lượng dầu một cách nhanh chóng, gây chấn động toàn thị trường.
Goldman Sachs dự đoán, nếu dầu thô Iran quay trở lại thị trường, giá dầu sẽ giảm từ 5 đến 10 USD/thùng vào 2023, so với mức 125 USD/thùng dầu Brent trước thời điểm khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Lạm phát mất kiểm soát
Trước bối cảnh giá dầu thô giảm, dù cho giá xăng bán lẻ có giảm theo, tình trạng lạm phát mạnh vẫn sẽ tiếp diễn, nhất là ở khu vực châu Âu.
Ông Andrew Kenningham, nhà phân tích châu Âu tại doanh nghiệp nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics (Anh) nhận xét: "Thế giới đã thay đổi. Trước đây chúng ta có thể dự đoán giá năng lượng qua giá dầu thô. Còn bây giờ, ta cần một phương trình phức tạp hơn nhiều, bao hàm các xu hướng phát triển của những yếu tố như dầu, khí đốt và điện”.
Theo ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg (Đức), hiện trạng giảm giá dầu thô ở châu Âu trong thời gian gần đây sẽ giúp lạm phát giảm 0,5 điểm phần trăm, hoặc 0,7 điểm trong trường hợp khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo ông Kenningham: “Mức biến động 0,1% hay 0,2% cũng đều rất quan trọng, khi chúng tôi đang làm mọi khả năng để đạt được mức giảm 2%. Nhưng mục tiêu này là bất khả thi nếu lạm phát tăng lên 8,9% trong hơn một năm ở khu vực đồng euro, như trường hợp của tháng 7/2022”.
Mặt khác, ở Mỹ, lạm phát đã chậm lại trong tháng 7/2022. Nguyên nhân phần lớn là do giá xăng giảm. Tuy vậy, mức lạm phát vẫn đang ở mức rất cao (8,5%). Tại Vương quốc Anh, mức lạm phát đã chạm 10,1%.
Ông Schmieding cảnh báo: “Tình trạng giá khí đốt và điện giữ mức cao, kèm việc Chính phủ Đức ngưng trợ cấp cho phương tiện giao thông công cộng và xăng dầu đang góp phần tạo giảm phát ở khu vực đồng euro”.
Ngọc Duyên