Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/8/2022
(PetroTimes) - OPEC lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022; Giá than được dự báo sẽ sốt trong nhiều năm; Mỹ chính thức bán dầu xuất từ kho dự trữ chiến lược… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 12/8/2022.
Trong đợt mở bán dầu xuất từ kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược mới nhất đã bán được 20 triệu thùng dầu cho 9 doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Reuters |
OPEC lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 11/8 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 lần thứ ba kể từ tháng 4/2022, viện dẫn tác động kinh tế của căng thẳng Nga-Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Và OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,7 triệu thùng/ngày.
OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,5% xuống 3,1% và hạ mức tăng trưởng cho năm 2023 xuống 3,1%, vì triển vọng kinh tế suy yếu hơn nữa vẫn còn. Quan điểm của OPEC trái ngược với quan điểm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khi trước đó cùng ngày cơ quan này đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới.
Giá than được dự báo sẽ sốt trong nhiều năm
Lệnh cấm nhập khẩu than Nga của Liên minh châu Âu (EU), trong gói trừng phạt thứ 5 của khối này đối với Moscow vì cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 11/8. Một số nhà phân tích dự báo rằng lệnh cấm này có thể góp phần đưa giá than toàn cầu vào một đợt tăng giá kéo dài nhiều năm.
Theo Fitch Solutions, giá than toàn cầu sẽ được hỗ trợ không chỉ bởi sự khan hiếm khí đốt ở châu Âu, mà còn bởi việc các nước châu Á cũng tăng sử dụng than vì khó cạnh tranh về giá trong cuộc chiến giành giật nguồn cung khí đốt hoá lỏng (LNG) với các nước châu Âu.
Trên cơ sở này, Fitch nâng dự báo giá than nhiệt tiêu chuẩn thị trường châu Á lên tàu ở cảng Newcastle, Australia trong năm nay và năm tới. Theo đó, Fitch dự báo giá than nhiệt sẽ bình quân ở mức 320 USD/tấn trong năm nay, cao hơn 90 USD/tấn so với mức dự báo 230 USD/tấn đưa ra trong lần dự báo trước. Trong thời gian từ 2022 đến 2026, mức giá dự báo là 246 USD/tấn, tăng từ mức 159 USD/tấn trước đó.
Canada có thể hỗ trợ thị trường khí đốt tự nhiên của thế giới
Trong một phát biểu mới đây, ông Al Monaco - CEO tập đoàn đa quốc gia Enbridge Inc., có trụ sở tại Canada, sở hữu hệ thống đường ống dẫn năng lượng dài nhất ở Bắc Mỹ, cảnh báo Canada không nên lãng phí cơ hội cung cấp khí đốt tự nhiên cho thế giới, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và châu Âu đang vật về nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với khí đốt tự nhiên của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga đã cung cấp gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu vào năm ngoái. Ông Monaco bày tỏ lạc quan rằng Canada có thể giúp củng cố thị trường.
Enbridge Inc. đang "đặt cược" vào dự án Woodfibre LNG ở tỉnh British Columbia, với vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD cho 30% cổ phần. Khi hoàn thành, hệ thống kho cảng này sẽ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Á. Theo ông Monaco, lưu vực Tây Canada có nhiều lợi thế so với Gulf Coast (Mỹ) để xuất khẩu nhiên liệu, khi nắm giữ nguồn cung khí đốt tự nhiên rẻ hơn; thời gian vận chuyển LNG đến châu Á ngắn hơn từ 2 tuần đến 4 tuần…
Mỹ chính thức bán dầu xuất từ kho dự trữ chiến lược
Các nhà chức trách Mỹ ngày 11/8 cho biết, trong đợt mở bán dầu xuất từ kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) mới nhất đã bán được 20 triệu thùng dầu cho 9 doanh nghiệp. Việc mở bán dầu này là một phần kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Trong số các công ty mua dầu nói trên, Valero Energy Corp mua 4,9 triệu thùng, Motiva Enterprises LLC mua 2,1 triệu thùng, Phillips 66 mua với 950.000 thùng và Chevron Corp mua 350.000 thùng. Quy trình giao hàng sẽ diễn ra từ ngày 16/9 - 21/10.
Chính quyền Mỹ coi việc bán dầu từ kho SPR là cầu nối để cân bằng giữa cung và cầu, khi các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng. Đại diện Bộ Năng lượng cho biết Mỹ muốn đảm bảo cầu nối này sẽ tiếp tục được duy trì và trở nên linh hoạt hơn, trở thành công cụ giúp Mỹ ứng phó với các thách thức trong tương lai, như thảm họa thiên nhiên.
Đức tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế Nga
Công ty Uniper của Đức đã chuẩn bị cho việc đổi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Woodside của Australia lấy khí đốt của Mỹ để có thể tăng nguồn cung cho châu Âu nhanh hơn trong mùa đông tới. Trường hợp không đủ nguồn cung, Uniper có thể sử dụng nguồn LNG của Mỹ được chuyển cho các khách hàng châu Á để phục vụ các khách hàng châu Âu.
Uniper, công ty sở hữu sàn giao dịch năng lượng bán buôn lớn với phạm vi toàn cầu, có các kết nối với các khách hàng tại châu Á để có thể sử dụng các nguồn cung của họ, thay thế bằng khí đốt nhận được từ Woodside theo các hợp đồng cung cấp dài hạn.
Ông Tamir Druz, Giám đốc quản lý của Capra Energy, công ty tư vấn về LNG cho rằng, với việc đổi LNG từ Australia để lấy khí đốt từ Mỹ, Uniper có thể rút ngắn thời gian vận chuyển ít nhất là 10 ngày. Điều này không chỉ giảm đáng kể chi phí vận chuyển mà còn cho phép Uniper nhận được khối lượng khí đốt cao hơn 1-2% nhờ giảm bớt tình trạng bay hơi.
Iraq đồng ý gia hạn thỏa thuận cung cấp nhiên liệu cho Liban
Ngày 12/8, Thủ tướng Liban Najib Mikati cho biết Iraq đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện của Liban mà không cần thanh toán tiền mặt.
Tháng 7/2021, hai nước đã ký thỏa thuận kéo dài 1 năm, trong đó Iraq cung cấp 1 triệu tấn nhiên liệu cho Liban - đất nước đang thiếu tiền mặt và phải cắt điện 23h/ngày trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy. Vào thời điểm ký kết năm 2021, thỏa thuận này trị giá khoảng 300-400 triệu USD. Nay giá trị đã tăng lên khoảng 570 triệu USD do giá nhiên liệu tăng vọt.
Nhiên liệu của Iraq không thể sử dụng trực tiếp tại các nhà máy điện của Liban, vì vậy nước này phải dùng nhiên liệu của Iraq để đổi lấy loại nhiên liệu tương thích từ các nhà cung cấp khác. Với thỏa thuận trên, trong năm qua, các nhà máy điện của Liban đã có thể sản xuất từ 1-2 giờ điện/ngày.
Đức cam kết có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân khi giá năng lượng tăng
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết ngoài gói hỗ trợ tổng trị giá 30 tỷ euro (31 tỷ USD) sẽ “làm mọi thứ có thể để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh gói tài chính trên hướng đến tất cả các nhóm dân cư, không ai bị bỏ lại và phải đối mặt với những vấn đề nan giải và không ai phải gánh vác những thách thức liên quan đến giá cả tăng một mình. Trước đó, chính phủ đã giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng và giá nhiên liệu.
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong tháng 7/2022, lạm phát ở Đức vẫn ở mức cao 7,5%. Giá các sản phẩm năng lượng đã tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá dầu sưởi tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tăng 75,1%.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/8/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/8/2022 |
T.H