Vì sao Phương Tây âm thầm nới lỏng trừng phạt Nga?
Giới quan sát nhận định, phương Tây dường như đang âm thầm nới lỏng các biện pháp cấm vận Nga ở một số lĩnh vực để tránh bị tác động tiêu cực từ chính các động thái trừng phạt trước đó.
Vị thế của Nga trong ngành năng lượng dường như khiến phương Tây gặp khó trong việc trừng phạt Moscow mà không gây tổn hại cho chính họ (Ảnh: Reuters). |
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 6 và căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang dồn dập trong suốt thời gian qua. Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới trong một nỗ lực nhằm gây áp lực lên Moscow để chấm dứt chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, có một thực tế mà nhiều chuyên gia và chính trị gia đã thừa nhận rằng, phương Tây đã làm tổn thương chính mình khi cố gắng trừng phạt Nga. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, các lệnh cấm vận Moscow đã khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt dẫn tới lạm phát ở nhiều nước phương Tây gia tăng.
Vì vậy, theo các chuyên gia, phương Tây trong thời gian qua đã bắt đầu có những biện pháp âm thầm nhằm nới lỏng các biện pháp cứng rắn chống lại Nga.
Đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định thêm những ngoại lệ vào lệnh trừng phạt Nga, cho phép các nước ngoài khối có thể giao dịch với các thực thể Nga bị trừng phạt, bao gồm các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước của Moscow, ví dụ như Rosneft. Theo Bloomberg, các ngoại lệ này được áp dụng cho các thực thể "được xem là thiết yếu cho việc vận chuyển thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp và dầu tới các nước thứ 3 bên ngoài EU".
Theo giới quan sát, EU dường như đang nỗ lực để thuyết phục các bên rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga hoàn toàn không liên quan đến việc nguồn cung cấp thực phẩm hoặc năng lượng toàn cầu bị gián đoạn, hoặc ít nhất, EU không nhằm mục đích để chúng xảy ra.
Trong thông báo của Hội đồng châu Âu, EU cho biết "cam kết tránh sử dụng các biện pháp có thể dẫn đến mất an ninh lương thực trên toàn cầu. EU không áp dụng biện pháp nào để cản trở quá trình giao thương nông sản, thực phẩm, trong đó có lúa mì, phân bón, giữa các nước thứ 3 và Nga".
EU có thể đã nhận ra rằng, các lệnh trừng phạt chống lại Nga dường như không hoạt động quá hiệu quả theo cách mà EU mong muốn, và có nguy cơ gây tổn thương tới các bên thứ 3 không liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.
Những bất cập
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, EU cũng đã có những điều chỉnh trong lệnh trừng phạt để cho phép một phần dầu Nga đi vào thị trường để tránh làm giá dầu thế giới tăng vọt. Trước đó, toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu của Nga được vận chuyển qua đường biển, việc bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga sang nước thứ 3 đều bị cấm. Tuy nhiên, lệnh này đã được nới lỏng bớt.
Hai tháng trước, EU đã công bố lệnh cấm trên toàn thế giới đối với việc cung cấp bảo hiểm hàng hải cho các tàu chở dầu của Nga. EU kỳ vọng, Anh - trung tâm của ngành bảo hiểm hàng hải toàn cầu - sẽ tham gia vào nỗ lực này để làm khó hoạt động xuất khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, cho tới nay, Anh vẫn chưa có động thái tương tự dù sự tham gia của London được xem là có vai trò then chốt, đảm bảo lệnh cấm có hiệu quả với Nga.
Mỹ, trong khi đó, đang vận động các đồng minh thực hiện áp giá trần lên dầu Nga để làm giảm doanh thu của Moscow. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, biện pháp này nhiều khả năng bất khả thi.
Một nghịch lý khác mà EU phải đối mặt đó là dù cấm dầu Nga, nhưng sản phẩm này vẫn được xuất tới một bên thứ 3 bên ngoài EU. Tại đây, dầu Nga sẽ được tinh chế và xuất sang EU. Không bên nào có thể xác định rằng sản phẩm mà EU nhập về có phải có nguồn gốc từ Nga hay không.
Chính vì vậy, theo chuyên gia Alastair Crooke, các động thái của EU trong thời gian qua chính là âm thầm nới lỏng các lệnh trừng phạt áp lên Nga.
Giới quan sát nhận định, các nhà hoạch định chính sách phương Tây dường như đã nhận ra một thực tế rằng, việc trừng phạt Nga là không dễ dàng như việc trừng phạt các nhà xuất khẩu dầu quy mô nhỏ khác. Mặt khác, Nga không chỉ là ông lớn năng lượng mà còn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới những mặt hàng thiết yếu như phân bón, lương thực.
Theo Dân trí