Cần Thơ:
Lời hứa của người lính già cả đời đi tìm được 1.000 hài cốt đồng đội
Vì lời hứa với đồng đội tại chiến trường năm xưa, hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Cao Xiểm (TP Cần Thơ) cất công tìm kiếm và giúp đỡ cho hơn 1.000 gia đình nhận được hài cốt liệt sĩ về an táng.
Đại tá Nguyễn Cao Xiểm năm nay 75 tuổi, quê Thái Bình. Năm 1965, khi mới hơn 17 tuổi, chưa thuộc diện gọi nhập ngũ nhưng vì tinh thần yêu nước, muốn góp sức bảo vệ quê hương, ông Xiểm tình nguyện xin đi bộ đội.
Chân dung người lính già Nguyễn Cao Xiểm, ngụ tại TP Cần Thơ, đã dành nửa đời người đi tìm hài cốt liệt sĩ. |
Biên chế về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 Bộ Quốc phòng (E24), vì nhỏ con nhất đơn vị nên ông Xiểm được ưu tiên huấn luyện làm lính liên lạc. Tháng 11 cùng năm, binh nhì Nguyễn Cao Xiểm đã cùng đơn vị tạm biệt quê hương, vào Tây Nguyên chiến đấu.
"Lúc đó, lớp các anh chị đi, mình cũng đi, không mơ ước, không hẹn thề, cũng không sợ hãi, chỉ mong góp sức đánh giặc, bảo vệ quê hương, chỉ mong đi thật nhanh để vào chiến trường thật sớm", ông Xiểm kể.
Sau một đêm, cả đại đội chủ công chỉ còn lại 1 người
Tiếp tục dòng ký ức, ông Xiểm kể, trong những năm đầu vào chiến trường, đơn vị ông tham gia hàng loạt trận đánh, có được, có mất, có hy sinh. Mùi khói súng, sự đói khổ, cái chết, những thứ kinh khủng nhất mà một người có thể tưởng tượng ra đều dần trở thành... chuyện vặt.
"Có những khi sinh hoạt thiếu thốn, đến mức một chút muối cả đơn vị chuyền tay nhau rồi dành ưu tiên cho anh em vừa trúng đạn. Có trận sập hầm chỉ huy, anh em hy sinh nhiều, tôi cũng bị vỡ đầu, mảnh đạn ghim vào lưng. Vậy mà không thấy ai có một ánh mắt sợ hãi. Mọi chuyện có lẽ rất khủng khiếp nhưng lúc đó sao đều cảm nhận... rất thường, thường đến mức một binh nhì mới ra trận như tôi cũng không thèm để ý những chuyện sống chết như thế", ông Xiểm nhớ lại.
Ông Xiểm kể về hành trình đi tìm đồng đội. |
Rồi sau loạt chiến công từ Đắk Lắk, Đắk Tô, Kon Tum, Măng Đen… ùng đơn vị, ông Xiểm cũng trưởng thành, từ binh nhì đã trở thành cán bộ chính trị của tiểu đoàn.
Trận đánh tết Mậu Thân (năm 1968), ông Xiểm cho là trận đánh lớn nhất, bi hùng nhất, cũng là mất mát nhất mà ông từng tham chiến. Đây cũng là trận đánh duy nhất mà suốt 15 năm ở chiến trường, ông Xiểm nghĩ rằng mình sẽ chết.
"Đêm trước trận đánh vào thị xã Kon Tum, anh em tiểu đoàn ngồi với nhau. Tôi bảo với mọi người rằng, tôi mà có chuyện thì anh em báo tin về gia đình giúp. Còn anh em có chuyện thì tôi hứa tôi lo. Không ngờ sau đêm hôm đó, cả đại đội chủ công của tiểu đoàn với 46 người chỉ còn lại duy nhất một người. Tôi bàng hoàng với nỗi đau như mất cả gia đình sau chỉ một đêm. Đã 50 năm, những những hình ảnh đau thương, đêm hẹn thề thiêng liêng vẫn hiện rõ trong ký ức người ở lại", ông Xiểm nhớ lại.
Để có được tư liệu về liệt sĩ cần tìm ông Xiểm tìm đến các đơn vị quân đội thậm chí đăng cả thông tin lên tivi để tìm người thân của liệt sĩ đã hy sinh. |
Thậm chí những mẩu báo cũng là dữ liệu để người cựu chiến binh xác định vị trí có hài cốt đồng đội. |
Trận giằng co năm 1972 khiến cả Tây Nguyên đỏ lửa. Rồi tới tổng tiến công xuân 1975, giải phóng đất nước, với ông Xiểm, đó là những ký ức máu đỏ, đất đỏ và hoa đỏ. Những năm tháng chiến đấu trên cao nguyên, bom đạn đã để lại trên thân thể ông Xiểm những vết thương thịt da và cả những vết thương lòng. Nhưng là một lính chiến, khi còn đánh được thì "nhất quyết không chịu về tuyến 2", năm 1979, ông Xiểm tiếp tục cùng đơn vị xuôi quân về biên khu Tây Nam đánh Khmer đỏ.
Rồi trên bãi lầy ngập nước biên giới An Giang, bạn chiến đấu thân nhất và cũng là đồng hương của ông Xiểm là liệt sĩ Tô Xuân Nghĩa bị địch bắt, kéo sang bên kia biên giới hành quyết dã man. Đau đớn hơn, sau khi tiến quân vượt biên, dù tìm cách nào, ông Xiểm cũng không thấy thi thể bạn.
"Dù không lành lặn nhưng mình vẫn về sau những trận đánh, anh em thì không. Không nước mắt, không sợ hãi, không thù hận, đến mức nổi điên. Nhưng đau lắm, đau đến thắt ngực, nhắm mắt lại là nhìn thấy đồng đội.
Anh Nghĩa hơn tuổi tôi, đi cùng trên một chuyến xe từ Bắc vào, đi với nhau suốt 15 năm nhưng đến lúc anh ấy hy sinh tôi không tìm được thi thể. Cảm giác có lỗi, trách nhiệm. Tôi tự hứa với bản thân dù thế nào, dù bao lâu cũng phải đưa anh Nghĩa về lại quê hương", ông Xiểm nói.
Ông Xiểm đưa người thân của liệt sĩ tới làm lễ an táng tại nghĩa trang ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. |
"Tôi chỉ nghỉ khi anh em đã an nghỉ"
Hòa bình, ông Xiểm về Quân khu 9 làm công tác văn phòng sau bao nhiêu năm chinh chiến. Ông lập gia đình và định cư ở Cần Thơ. Là thương binh, trong cơ thể có những mảnh bom vẫn nằm sâu, dù vết thương đã lành miệng. Và đau hơn những thương tích đó, với ông, là hình ảnh anh em, đồng đội hy sinh giữa rừng, giữa ruộng. Đó là những vết thương không bao giờ lành.
Ông Xiểm bảo rằng, việc ông trở về được là điều may cho gia đình, còn với ông, "có khi ở lại cùng anh em cũng không phải chuyện gì bất hạnh".
Ông Xiểm từng vào sinh ra tử trong hàng trăm trận đánh. Trên người ông đầy các vết thương do bom mìn, đạn gây ra. |
Khi còn trong quân ngũ, ông Xiểm vẫn tận dụng hết mọi điều kiện để tham gia tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ và xác minh danh tính những liệt sĩ thất lạc thông tin.
Ban đầu, vì khó khăn, ông Xiểm chỉ tìm kiếm thông tin những đồng đội cùng E24 với ông. Nhưng dần dần, cứ có anh em còn thất lạc là ông quan tâm, tìm kiếm hết vì ở đơn vị nào cũng đều là đồng đội.
Mỗi khi thấy trên báo đài đăng thông tin tìm được hài cốt liệt sĩ, ông Xiểm sẽ lưu lại thông tin, tra cứu xem địa danh đó từng xảy ra trận đánh nào, đơn vị nào tham chiến. Mỗi khi nghe có người nhà tìm kiếm mộ liệt sĩ, ông Xiểm cũng ghi lại hết thông tin.
Suốt mấy chục năm, thông tin người nhà tìm kiếm mộ liệt sĩ, thông tin mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tổng cộng đã có hơn 6.000 trường hợp được ông Xiểm thống kê, ghi lại khoa học, thứ tự trong những cuốn sổ khổ giấy A3.
"Thời thông tin còn hạn chế, khi phát hiện mộ anh em, tôi còn đăng tin cả trên tivi để người thân, anh em có thể xem được. Mình cứ làm, dần dần nhiều người biết, liên hệ cung cấp thông tin, nhờ mình tìm mộ.
Thường thì từ những thông tin thân nhân liệt sĩ cung cấp, mình sẽ rà soát xem liệt sĩ đó thuộc đơn vị nào, tham chiến ở đâu, rồi đối chiếu thông tin hoặc đến trực tiếp những chiến trường đó xem có phát hiện mộ liệt sĩ không. Cách làm này rất hiệu quả nhất là trong thời công nghệ thông tin còn hạn chế. Rất nhiều trường hợp anh em đã xác định được người thân", ông Xiểm chia sẻ.
Mỗi khi tìm được hài cốt liệt sĩ, ông Xiểm vô cùng hân hoan và xúc động. |
Năm 1990, vừa rời nhiệm sở, ông Xiểm liền thực hiện chuyến đi hơn 1.000 km về lại chiến trường Kon Tum năm xưa, nơi ông cùng đơn vị đánh trận đầu tiên, để tìm mộ đồng đội.
"Đó là nơi đầu tiên chúng tôi đã trực tiếp chôn cất anh em mình. Chuyến đi đó tốn kém, mất thời gian, nhưng chỉ thu được kinh nghiệm, không hẳn là vô công nhưng không được như ý. Đến giờ, anh em nằm lại đó vẫn chưa tìm được", ông Xiểm tiếc nuối.
Những lá thư tri ân của các gia đình được ông hỗ trợ tìm hài cốt thân nhân. |
Mấy chục năm qua, năm nào ông Xiểm cũng đi, đi đến các chiến trường, đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ khắp Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Một trong những trường hợp ông Xiểm nhớ nhất là đi tìm mộ liệt sĩ Trần Công Danh (quê Hà Tĩnh, hy sinh ở chiến trường Tây Nam) theo sự nhờ cậy của gia đình.
"Trước khi nhờ mình, gia đình đã từ ngoài Bắc tự vô đây tìm kiếm 3 lần nhưng không được. Biết gia đình đã tốn kém lắm rồi nên mình cứ âm thầm làm, phần là sợ người nhà áy náy, phần mình cũng sợ khiến gia đình đồng đội thất vọng nếu không tìm được.
Anh Danh hy sinh ở Kiên Giang nhưng vì những lý do khác nhau, mộ được quy tập về tận Bạc Liêu, vì vậy mà mình tìm gần 3 năm mới thấy. Lúc đã xác định được đúng mộ, mình báo tin thì gia đình mừng đến khóc luôn", ông Xiểm kể.
"Người nhà anh Danh nghèo lắm, từ ngoài kia vô, ăn nghỉ ở nhà tôi. Biết được hoàn cảnh, tôi cũng nói với những đồng đội đang còn, mỗi người gom một ít để giúp đỡ.
Hằng năm cứ đến ngày 27/7, ông Xiểm lại ra nghĩa trang cúng viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh vì độc lập của tổ quốc. |
Với những liệt sĩ chưa tìm ra danh tính, ông rất khắc khoải. |
Từ khi rời chiến trường Campuchia, rồi cho đến khi rời nhiệm sở, dù luôn đau đáu phải tìm bằng được mộ liệt sĩ Tô Xuân Nghĩa, người bạn thân cùng đơn vị nhưng phải gần 40 năm, ông Xiểm mới hoàn thành tâm nguyện.
Liệt sĩ Nghĩa hy sinh ở Campuchia. Vì vậy, ông Xiểm cứ đinh ninh phải tìm ở bên kia biên giới. Năm 2018, trong một lần đi tìm mộ một liệt sĩ khác, ông Xiểm vô tình nhìn thấy nơi an nghỉ của bạn mình ở Dốc Bà Đắc (biên giới An Giang).
"Vừa thoáng qua thấy bia mộ ghi chữ "Nghĩa", tim tôi bỗng thấy nhói, quay lại nhìn thì đúng tên bạn mình rồi. Tôi quỳ xuống ôm ngôi mộ, nước mắt trào ra. 40 năm mới gặp lại bạn, tôi sụt sùi khấn: "Nghĩa ơi, tao tìm được mày rồi, tao sẽ đưa mày về lại quê mẹ Thái Bình", ông Xiểm không kìm được nước mắt.
Ông Xiểm chia sẻ, khó khăn nhất là đã xác định được chiến trường, nhưng những người hy sinh nhiều quá, quá trình quy tập bị chuyển qua nhiều đơn vị, nhiều nghĩa trang. Gặp trường hợp như vậy, ông âm thầm làm thủ tục rồi tự bỏ tiền xét nghiệm AND. Đồng lương thương binh không đủ, ông xin thêm con cái. May là gia đình luôn ủng hộ hết mình.
"Trận Kon Tum, 45 anh em hy sinh, đến nay 22 người vẫn chưa xác định được danh tính. Năm nào tôi cũng phải cố lên thăm anh em một lần, quyết tâm thực hiện cho được lời hứa đưa anh em về bên gia đình thì mới nghỉ. Họ đều là người thân của tôi, có lẽ nếu hôm đó tôi không về, một ai đó cũng đang đi tìm tôi như việc tôi làm hiện tại", ông Xiểm xúc động.
Đã 75 tuổi, là thương binh nặng, ông Xiểm yếu đi nhiều nhưng vẫn luôn rực cháy quyết tâm đi tìm đồng đội. |
Mấy chục năm qua, ông Xiểm đã trực tiếp cùng các gia đình, thân nhân tìm kiếm, cất bốc… mộ liệt sĩ và hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp khác xác minh được danh tính liệt sĩ thất lạc thông tin.
Ở chiến trường không khóc khi mất anh em, nhưng mấy chục năm qua ông Xiểm không nhớ nổi đã bao nhiêu lần khóc khi tiễn anh em về lại quê mẹ. Trong quá trình tìm mộ đồng đội, ông luôn quyết tâm ba điều, không được phép làm khổ thêm gia đình liệt sĩ, tuyệt đối không được nhận một đồng của gia đình liệt sĩ và đi cho đến khi không thể đi nữa mới thôi.
Giai đoạn năm 2014-2019, ngoài việc biểu dương, khen thưởng cấp quận, TP Cần Thơ ông Xiểm được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen vì có công học tập làm theo tấm gương của Bác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ anh dũng hi sinh bảo vệ quê hương. Ông Trần Hùng - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ cho biết, những năm qua ông Xiểm luôn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội. Hành động tự túc đi tìm mộ đồng đội suốt hàng chục năm qua của ông Xiểm được mọi người ghi nhận, đánh giá rất cao và luôn được tổ chức nêu gương để học tập. "Hành động của ông Xiểm rất cao đẹp và thiêng liêng. Ông tự xuất tiền túi để tìm hài cốt đồng đội, đồng thời còn hỗ trợ các gia đình có con mất vì chiến đấu tìm thi thể. Khi thân nhân liệt sĩ đến Cần Thơ, ông Xiểm sắp xếp cho họ chỗ nghỉ, lo ăn uống, đến khi nào tìm thấy hài cốt mới đưa về quê an táng", ông Hùng nói về nghĩa cử của ông Xiểm. |
Theo Dân trí
Nghe người lính già kể chuyện giải phóng miền Nam |
“Thư viện làng” của vị lính già |
Mùa thu Cách mạng trong ký ức "người lính già đầu bạc” |