Ai sẽ thắng trong “trật tự mới” của thị trường năng lượng toàn cầu?
Thị trường năng lượng toàn cầu đã thiết lập trật tự mới khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, và sẽ có những người chiến thắng cũng như người thua cuộc khi dòng chảy thương mại trong lĩnh vực năng lượng đã thay đổi.
Nga vẫn nhận đều mỗi ngày gần 1 tỷ USD doanh thu từ dầu khí do châu Âu tiếp tục mua khí đốt của Nga và đang hoảng sợ trước khả năng bị Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt. Trong ngắn hạn, Nga đã thắng khi các nền kinh tế lớn của châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của họ.
Nhưng trong trung và dài hạn, Moscow có khả năng mất đi vị thế siêu cường về năng lượng toàn cầu vì quyết định cắt đứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga của châu Âu là không thể thay đổi.
Quyết định của châu Âu để cắt bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga (cuối năm 2022) và khí đốt (dự kiến năm 2027) đang làm suy yếu vị thế cường quốc năng lượng của Nga trong trung và dài hạn. "Trước khi xung đột xảy ra, Nga có thể tự tin đảm bảo nguồn thu từ dầu khí trong 30 năm. Giờ đây, họ chỉ có thể xem xét trong 3 năm tới", một quan chức cao cấp của Đức chia sẻ.
Châu Á có thể tiếp nhận nhiều dầu hơn từ Nga nhưng việc chuyển dịch dòng chảy khí đốt của Nga từ châu Âu sang Trung Quốc sẽ phải mất vài năm chứ không thể giải quyết trong vài tháng. Đường ống và lượng khí đốt của Nga chuyển tới Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng khí đốt xuất sang châu Âu, ngay cả khi Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong những tuần qua.
Đồng thời, giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao đang giúp Mỹ trở thành kẻ chiến thắng trong trung và dài hạn vì phương Tây sẽ phải tìm kiếm dầu và khí đốt không thuộc Nga trong nhiều năm tới, bất kể chiến sự tại Ukraine có sớm kết thúc hay không.
Tuy nhiên, ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang đối mặt với những khó khăn ngắn hạn trong việc gia tăng sản lượng. Những trở ngại này bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao và chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy năng lượng sạch. Họ cũng không quên đổ lỗi cho ngành công nghiệp dầu mỏ gây ra những "náo loạn" gần đây vì nguồn cung thắt chặt góp phần đẩy giá xăng lên cao kỷ lục.
Nếu Mỹ thực sự tạo ra môi trường pháp lý đủ tốt để hỗ trợ đầu tư vào sản xuất dầu, họ có cơ hội chiến thắng trong trò chơi địa chính trị về năng lượng trong dài hạn. Dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Mỹ sẽ dễ dàng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là châu Âu hay các đồng minh ở Bắc Á – những nước không muốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Với đặc thù gần gũi về địa lý, Mỹ Latin cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu năng lượng của Mỹ.
Minh Trí