Lạm phát "nóng" nhất 40 năm, người dân Mỹ chi tiêu chắt bóp
Với mức lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm qua, nhiều người Mỹ bắt đầu ngừng việc đặt vé máy bay đi du lịch, đi cắt tóc, xây hồ bơi mới và sửa chữa nhà. Đây là một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng - một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ - đang giảm dần.
Lạm phát "nóng" nhất 40 năm, dân Mỹ chi tiêu chắt bóp
Với mức lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm qua, nhiều người Mỹ bắt đầu ngừng việc đặt vé máy bay đi du lịch, đi cắt tóc, xây hồ bơi mới và sửa chữa nhà. Đây là một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng - một động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ - đang giảm dần.
Giảm chi tiêu, đi du lịch, ăn ngoài và mặc cả kịch liệt
Trong những tuần qua, các hộ gia đình Mỹ đã giảm việc mua vé máy bay do giá vé tăng quá cao. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, dữ liệu này cho thấy người tiêu dùng Mỹ cũng đang bắt đầu cắt giảm việc ăn uống bên ngoài, đi du lịch và thậm chí cả các dịch vụ thường ngày như làm móng, cắt tóc và thuê dịch vụ dọn dẹp nhà cửa.
Các chủ doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ cho biết giá cả tăng cao, trong khi tiết kiệm giảm sút và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu đã tác động đáng kể đến quyết định chi tiêu của các hộ gia đình.
Người tiêu dùng Mỹ cũng đang bắt đầu cắt giảm việc ăn uống bên ngoài, đi du lịch và thậm chí cả các dịch vụ thường ngày như làm móng, cắt tóc và thuê dịch vụ dọn dẹp nhà cửa (Ảnh: Washington Post) |
Tại công ty dịch vụ dọn nhà Olentangy Maids ở thành phố Columbus, bang Ohio, ngày càng có nhiều khách hàng hoãn hoặc hủy các cuộc hẹn dọn nhà. Một số nơi đang cố gắng thương thảo ở mức giá thấp hơn, trong khi những người khác thì hủy dịch vụ hoàn toàn, Keith Troyer - đồng sáng lập của Olentangy Maids cho biết.
"Đó không phải là sự sụt giảm lớn nhưng cũng đủ để gây chú ý", Troyer nói và cho biết: "Khá nhiều khách hàng đã gọi đến nói rằng "vợ tôi đã nghỉ việc, nên chúng tôi cần phải hủy", hoặc "tôi có thể chuyển từ 2 tuần/lần sang một tháng/lần?". Trước tháng này, điều đó rất ít khi xảy ra".
Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ, đã duy trì mạnh mẽ trong suốt tháng 4, thậm chí khi lạm phát đạt mức cao trong lịch sử. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi tăng trưởng về chi tiêu này đang chấm dứt.
Doanh số bán lẻ đã chậm lại trong tháng trước, lần đầu tiên trong năm nay khi doanh số bán xe hơi giảm 4%. Dữ liệu từ Adobe Analytics cũng cho thấy, lượng đặt vé máy bay tại Mỹ đã giảm 2,3% trong tháng 5 so với tháng trước đó.
Theo một phân tích về dữ liệu tín dụng của Barclays, trong 4-6 tuần qua, cả người thu nhập cao lẫn người thu nhập thấp đều bắt đầu thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là về dịch vụ. Việc giảm chi tiêu này tập trung vào dịch vụ chứ không phải hàng hóa.
Chi tiêu về dịch vụ đang giảm nhanh hơn so với chi tiêu cho hàng hóa (Biểu đồ: Washington Post). |
"Trong suốt năm 2022, khi Covid-19 dần mất đi, các hộ gia đình sẽ tăng chi tiêu cho các dịch vụ. Và thực sự, câu chuyện đó đã đúng trong phần lớn năm nay. Nhưng tiêu dùng cho dịch vụ dường như đang chậm lại đáng kể.
Theo phân tích của Barclays, chi tiêu cho các dịch vụ như du lịch và nhà hàng trong năm nay đã tăng hơn 30% so với năm 2021, nhưng hiện tại, con số này đã giảm xuống chỉ còn một nửa.
Tương tự dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, các khách hàng tại salon tóc Simis ở Fairfax, bang Virginia, cũng đã bắt đầu cắt giảm sử dụng dịch vụ cắt tóc theo một cách mới. Chủ sở hữu của salon tóc Ahmet Sim cho biết, thường thì sau 4 tuần, khách hàng sẽ đến tiệm của anh để cắt tóc, nhưng giờ đây các cuộc hẹn đều đến sau 12 tuần. Một số khác thì lại mặc cả để có mức giá thấp hơn hoặc lựa chọn làm một phần thay vì toàn bộ dịch vụ. Điều đó khiến doanh số của tiệm giảm đến 20% so với năm ngoái. Tiền tip trung bình cũng giảm mạnh, từ khoảng 20% xuống còn 10%.
"Chỉ tháng trước thôi, tôi bắt đầu để ý thấy khách hàng mặc cả kịch liệt", Sim nói và cho biết: "Họ nói rằng hóa đơn của tôi thường chỉ 500 USD cho nhuộm và gẩy highlight. Làm thế nào để giảm bớt?".
Sim kể, anh đã tư vấn cho khách sử dụng các màu có giá thấp hơn hoặc chuyển sang các dịch vụ do các thợ làm tóc ít kinh nghiệm hơn. Nhưng chính anh cũng cảm thấy sức ép lạm phát đang đè nặng. Ngay như hộp găng tay dùng một lần đã tăng từ mức 7 USD lên gần 25 USD chỉ trong 2 năm. Thuốc nhuộm tóc trước đây chỉ có giá 25 USD nay tăng lên gần 40 USD. Trong đại dịch, Sim đã tăng giá dịch vụ một lần rồi nhưng lần này, anh lo nếu tăng giá, khách sẽ chuyển sang tiệm khác. Anh cho biết, mọi người đang thắt lưng buộc bụng. Họ nói họ không thể cố hơn.
Dấu hiệu thắt chặt chi tiêu xảy ra trên một loạt sản phẩm và ở nhiều lĩnh vực (Ảnh: Getty). |
Những dấu hiệu thắt chặt chi tiêu ban đầu này xảy ra trên một loạt sản phẩm và ở nhiều lĩnh vực, bao gồm du lịch và nhà hàng, đã làm lung lay quan điểm cho rằng người Mỹ đơn giản chỉ là đang chuyển từ tiêu dùng hàng hóa sang dịch vụ. Hy vọng cho đến lúc này sau 2 năm chi tiêu cho các sản phẩm như ô tô, đồ nội thất, thiết bị gia dụng, người Mỹ đang chuyển sang chi tiêu nhiều hơn cho các kỳ nghỉ, ăn uống bên ngoài, làm móng và các dịch vụ khác mà phần lớn họ đã không được sử dụng trong đại dịch.
Tuy nhiên, số liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy, chỉ số phản ánh sự tăng trưởng trong ngành dịch vụ ở Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
"Chi tiêu hàng hóa chắc chắn đang suy yếu nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn, các ngành dịch vụ cũng vậy", ông Kevin Gordon, Giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại Charles Schwab nói và cho biết thêm: "Doanh số các nhà hàng đã giảm bớt, chi tiêu liên quan đến du lịch cũng đang suy yếu. Áp lực của người tiêu dùng đang ngày càng quá lớn, cho dù là vì lạm phát hay vì yếu tố khác và điều đó diễn ra ở cả nhóm thu nhập cao.
Chi tiêu ăn uống ở nhà hàng đang chậm lại (Biểu đồ: Washington Post). |
Nhìn chung, trong tháng này, lượt tìm kiếm các chuyến bay trên trang Kayak đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi đó, dữ liệu ăn uống tại nhà hàng trên nền tảng đặt bàn Open Table trong tuần kết thúc vào ngày 16/6 cũng cho thấy số lượng người đi ăn ở nhà hàng đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhà giàu cũng "thắt lưng buộc bụng"
Theo ông Gordon, không chỉ các gia đình thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát mà những hộ gia đình thu nhập cao hơn cũng đang bắt đầu cắt giảm chi tiêu, đặc biệt khi các khoản đầu tư, từ chứng khoán đến bất động sản, bị thua lỗ.
Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho thấy, tài sản hộ gia đình ở Mỹ trong quý vừa qua đã giảm lần đầu tiên trong 2 năm, phần lớn là do giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 3.000 tỷ USD.
3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đã điều chỉnh sâu xuống thị trường gấu (thị trường giá xuống). Trong đó, S&P 500 đã có tuần giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
Tại Posh Luxury Imports, một đại lý cho thuê xe hơi cao cấp tại Los Angeles, chủ sở hữu Omar McGee cho biết cả nhu cầu tiêu dùng và điểm tín dụng của họ đều giảm rõ rệt so với 6 tuần trước. "Tôi thấy nhiều vấn đề về tín dụng hơn. Thẻ của nhiều người đã hết hạn mức hoặc bị chậm thanh toán. Điều đó có nghĩa mọi người phải thận trọng hơn nhiều trong việc chi tiêu", McGee nói.
Nợ thẻ tín dụng, vốn bùng phát trong đại dịch khi người Mỹ sử dụng các gói kích thích của chính phủ để thanh toán số dư nợ, hiện đang tăng trở lại mức cao nhất mọi thời đại. Tính đến ngày 1/6, người Mỹ có 868 tỷ USD nợ tiêu dùng, tăng gần 16% so với năm ngoái, theo dữ liệu của Fed.
Mặc dù vẫn có những người giàu có nhất thuê Lamborghinis và Bentleys, nhưng theo McGee, đã có sự sụt giảm đáng kể về lượng khách thuê những chiếc siêu xe này. Anh cho rằng việc đi lại đang giảm và du lịch cũng yếu hơn. "Nhiều khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có từng đến đây để tiêu xài nhưng giờ đây đã giảm khá mạnh", anh nói.
Người tiêu dùng căng vì tiền, do dự trong chi tiêu
Người tiêu dùng Mỹ đang do dự trong chi tiêu sau nhiều tháng lạm phát đứng ở mức cao nhất trong 40 năm. Giá cả đã tăng 8,6% so với năm ngoái, khiến một loạt mặt hàng thiết yếu bao gồm xăng đạt mức kỷ lục 5 USD/gallon.
Giá xăng cao kỷ lục khiến người Mỹ do dự nhiều hơn trong chi tiêu, đặc biệt là đi lại (Ảnh: Shutterstock). |
Điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế Mỹ là thị trường việc làm vẫn duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 3,6%. Nhu cầu về nhân công đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, số lượng việc làm gần gấp đôi với người tìm việc.
Với việc người lao động vẫn tìm được việc làm nên Fed đã thực hiện động thái sắc bén trong tuần trước là tăng lãi suất thêm 0,75% với hy vọng hạ nhiệt nền kinh tế đủ để kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái. Tuy nhiên, bất chấp sự đảm bảo của ngân hàng trung ương Mỹ rằng họ có thể đạt được "cú hạ cánh mềm", các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn ngày càng lo ngại về nền kinh tế cũng như tình trạng tài chính cá nhân của họ. Và thực tế, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong tháng này, theo một chỉ số của Đại học Michigan.
"Người tiêu dùng đang trở nên căng thẳng. Chúng tôi nhận thấy điều đó thông qua sự sụt giảm về doanh số bán lẻ và dư nợ tín dụng tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng mọi thứ sẽ sụp đổ ngay lập tức mà nó sẽ giảm từ từ", Douglas Duncan, kinh tế trưởng của công ty cho vay thế chấp Fannie Mae, nhận xét.
Thực vậy, các doanh nghiệp nhỏ trên toàn nước Mỹ đang có những dấu hiệu cho thấy lượng khách hàng đang sụt giảm. Ông Michael Moore - Giám đốc điều hành Morehead Pools, một công ty chuyên lắp đặt các hồ bơi sang trọng ở Louisiana - cho hay họ đã nhận lịch đặt kín đến mùa hè năm tới, nhưng có một dấu hiệu cho thấy những khách hàng có thu nhập cao hơn có thể nghĩ lại trước khi vung tiền cho công việc này, đó là lượng khách xếp hàng mới đã giảm 30% so với năm ngoái.
"Chi phí năng lượng và lạm phát, rồi tiếp đó là giá cả tăng đã thực sự kéo giảm nhu cầu trong lĩnh vực của chúng tôi", Moore nói.
Trong thời đại dịch Noffke Roofing, một công ty chuyên cải tạo nhà ở Mequon, đã chứng kiến nhu cầu cải tạo nhà tăng đột biến. Nhưng gần đây, sự chao đảo của nền kinh tế đang khiến cho nhiều khách hàng phải chọn cách sửa chữa mái nhà thay vì thay thế chúng. Nhiều người cũng đang chuyển sang các vật liệu rẻ hơn.
Chủ tịch công ty Ben Noffke cho biết nhiều khách hàng đang cân nhắc thêm thời gian sử dụng, thay vì phải thay ngay mái nhà mới. "Họ đang cân nhắc về ngân sách chi tiêu của mình nhiều hơn".
Nội dung: Nhật Linh
28/06/2022
Theo Dân trí
Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát |
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn |