Tiết lộ doanh thu "khủng" của Nga từ năng lượng sau 100 ngày chiến sự
Nga thu về xấp xỉ 1 tỷ USD/ngày từ năng lượng hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Dù bị áp lệnh cấm vận nhưng dầu khí vẫn giúp Nga thu về doanh thu rất "khủng" trong thời gian qua (Ảnh minh họa: Bloomberg). |
Nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở ở Phần Lan công bố hôm 13/6 cho hay, Nga đã thu về 98 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của chiến sự ở Ukraine.
Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh Ukraine kêu gọi phương Tây cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Nga với hy vọng động thái này có thể ảnh hưởng tới ngân sách của Moscow để duy trì chiến dịch quân sự.
Theo báo cáo, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 60 tỷ USD trong doanh thu từ năng lượng hóa thạch của Nga trong hơn 3 tháng qua, chiếm 61%.
Hồi đầu tháng này, EU đã thống nhất sẽ dừng nhập khẩu hầu hết dầu của Nga cho tới cuối năm, mặt hàng mà lục địa này phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Moscow. Tuy nhiên, với mặt hàng khí đốt, châu Âu khó có thể từ bỏ nguồn cung từ Nga trong thời gian ngắn, vì nó kèm theo điều kiện về cơ sở hạ tầng như hệ thống đường ống khi châu Âu tìm nhà cung cấp mới.
Trung Quốc, Đức và Italy là các quốc gia nhập nhiều năng lượng hóa thạch của Nga nhất trong thời gian qua.
Doanh thu của Nga đến nhiều nhất từ dầu thô rồi đến khí đốt vận chuyển qua đường ống, sản phẩm từ dầu khí, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.
Dù sản lượng xuất khẩu của Nga bị giảm do các lệnh trừng phạt, nhưng giá thành nhiên liệu lại tăng vọt trên toàn cầu và khiến Moscow thu về doanh thu tăng mạnh.
Theo CREA, giá xuất khẩu nhiên liệu trung bình của Nga cao hơn năm ngoái khoảng 60%. Một số quốc gia đã tăng cường mua hàng từ Moscow, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Pháp.
Nhà phân tích Lauri Myllyvirta của CREA cho biết: "Trong khi EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga, Pháp đã tăng cường nhập khẩu để trở thành nước mua LNG lớn".
Chuyên gia trên cho rằng, các nước cần "nói đi đôi với làm" trong nỗ lực cấm vận năng lượng của Nga.
Theo Dân trí