Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập dầu Nga trước lệnh cấm của EU
Theo Nikkei, Trung Quốc và Ấn Độ đang tiếp tục gia tăng nhập khẩu dầu Nga khi thương mại năng lượng toàn cầu được định hình lại một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khả năng hấp thụ của châu Á có nhiều hơn hay không sẽ được kiểm chứng khi Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tại Ukraine.
Nhập khẩu dầu Nga của Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh
Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ nhập dầu Nga trước lệnh cấm của EU (Ảnh: AP và Reuters). |
Phân tích dữ liệu từ Refinitiv, Nikkei cho biết, trong thời gian kể từ khi chiến tranh nổ ra vào ngày 24/2 đến ngày 2/6, tổng cộng 290 tàu chở dầu rời Nga tới châu Á, tăng mạnh so với con số 190 cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức tăng lớn nhất với mức tăng lần lượt là 8 lần, 70%, 54%.
Hãng nghiên cứu hàng hóa Kpler cũng cho biết, trong tháng 5, Trung Quốc nhập khẩu 1,09 thùng dầu/ngày từ Nga, tăng đáng kể so với mức 910.000 thùng/ngày trong tháng 4. Trong khi đó, Ấn Độ nhập 740.000 thùng/ngày, tăng mạnh so với mức 284.000 thùng/ngày. Trước đó, trong năm 2021, trung bình Trung Quốc nhập từ Nga 725.000 thùng/ngày, còn Ấn Độ chỉ 36.000 thùng/ngày.
Nhập khẩu của châu Á gia tăng cho thấy dầu Nga đang được bán với mức giá thấp hơn so với các loại dầu khác như dầu Brent. Thực tế, mặc dù giá dầu tăng khắp nơi kể từ sau chiến sự, nhưng giá dầu Urals của Nga vẫn bán ở mức 95 USD/thùng, tương đương mức giá tại thời điểm 24/2.
"Mặc dù giá dầu thô của Nga bị giảm phần nào nhưng các chuyến hàng dầu thô của Nga vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể", ông Tomomichi Akuta, nhà kinh tế cấp cao của Mitsubishi UFJ Research & Consulting nói và cho rằng Nga vẫn tiếp tục có được nguồn thu từ dầu mỏ.
Ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, dự đoán Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga do giá giảm mạnh.
Tuy nhiên, ông Tatsufumi Okoshi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc và Ấn Độ có thể tăng cao hơn nữa lượng mua dầu thô so với hiện tại.
"Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có hợp đồng mua dầu dài hạn với các nhà cung cấp ở Trung Đông", ông Okoshi nói với Nikkei Asia. Theo ông, họ chỉ tranh thủ nhập dầu Nga giá rẻ giao ngay khi thuận tiện. "Tôi không nghĩ họ sẽ chuyển từ Trung Đông sang mua lượng lớn dầu của Nga", ông nói.
Trong khi đó, cùng với việc hạn chế mua dầu Nga, EU cũng đang hướng tới việc làm cho những người mua thay thế gặp khó hơn bằng việc cấm các công ty bảo hiểm châu Âu bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga.
Ông Umud Shokri, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Washington cho rằng: "Việc Nga chuyển hướng khí đốt từ châu Âu đến châu Á đòi hỏi phải xây dựng các đường ống cực dài hoặc cảng chuyên dụng như trên đảo Sakhalin của Nga".
Theo ông, bán dầu đến châu Á thì phải vận chuyển bằng tàu biển, nhưng do các lệnh trừng phạt nên các công ty bảo hiểm đang từ chối bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga. Các ngân hàng cũng từ chối bảo lãnh trong thời gian dầu đang được vận chuyển. Do đó, Ấn Độ đang yêu cầu Nga giảm giá dầu để bù đắp các chi phí rủi ro và phụ trội.
Về dài hạn, Trung Đông sẵn sàng bơm nhiều dầu cho EU
Mặc dù ảnh hưởng của các lệnh cấm vận dầu của EU phải mất vài tháng nữa mới trở nên rõ ràng hơn, nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã gây ra một số thay đổi trong vấn đề nhập khẩu của EU và tạo ra sự khác biệt giữa các thành viên trong khối.
Nhập khẩu dầu của EU từ Tây Phi, Mỹ và Trung Đông, đặc biệt là từ Iraq và Saudi Arabia, đã tăng mạnh. Dầu Urals của Nga vẫn đến châu Âu nhưng thường hướng nhiều về Địa Trung Hải hơn, trong đó chủ yếu là Italy.
Do nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu được thiết kế để chế biến dầu thô Urals nên các sản phẩm thay thế tương tự loại dầu này sẽ đến từ Saudi Arabia và Iraq. Điều đó có thể giúp mở rộng thị trường dầu thô Trung Đông, trong khi các nhà lọc dầu châu Á, những khách hàng lớn nhất của họ, lại chuyển hướng sử dụng nhiều dầu thô của Nga hơn.
Nói với Nikkei, ông Shokri cho rằng: "Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất dầu Trung Đông như Saudi Arabia, UAE và Iraq không muốn làm bất ổn mối quan hệ giữa OPEC và Nga, nhưng về trung và dài hạn, họ sẽ sẵn sàng bơm nhiều dầu hơn cho châu Âu".
Sultan Al Jaber - CEO công ty năng lượng nhà nước ADNOC của UAE - nói với Nikkei rằng: "Chúng tôi đang tăng công suất sản xuất dầu thô lên 5 triệu thùng/ngày vào hoặc trước năm 2030 và đang tính đẩy nó lên cao hơn".
Trong khi đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ các nguồn khác lại sụt giảm khi nước này tăng cường mua dầu từ Nga. Cụ thể, theo Kpler, các chuyến hàng từ Tây Phi tới Trung Quốc trong tháng 4 chỉ còn trung bình 429.000 thùng/ngày, mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Trong khi đó, năm 2021, Trung Quốc nhập từ Tây Phi 1,15 triệu thùng.
Trong vài tháng gần đây, các nhà sản xuất Tây Phi đã phải vật lộn để tăng sản lượng. Tuy nhiên, theo ông Dmitry Marinchenko, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, họ đã hoạt động hết công suất. "Họ cần phải đầu tư và khoan nhiều hơn", ông nói và cho biết hai quốc gia duy nhất có khả năng dự phòng nguyên liệu là Saudi Arabia và UAE.
Ông Marinchenko cho rằng, mặc dù, Trung Quốc và Ấn Độ có thể nhập hầu hết dầu thô của Nga song họ vẫn không thể hấp thụ hết được lượng dầu mà Nga xuất khẩu sang châu Âu hiện nay.
"2-3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga có thể biến mất trên thị trường vào cuối năm nay và nó sẽ không đến đâu", ông nói là lý giải: "Ngày càng nhiều khách hàng tẩy chay dầu Nga và lệnh trừng phạt của EU sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong vận chuyển và công suất sản xuất của Nga bị sụt giảm do không tiếp cận được với công nghệ phương Tây.
Theo Dân trí