"Châu Âu không thể cầm cự được một tuần nếu thiếu khí đốt Nga"
Quan chức Nga cho rằng châu Âu không thể cầm cự quá một tuần nếu không có khí đốt của Nga, trong bối cảnh Moscow đang đối mặt với làn sóng trừng phạt do chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass). |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/4 cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể "tồn tại" trong mùa đông tới nếu không có khí đốt của Nga. Trong khi đó, cựu Tổng thống, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo, châu Âu sẽ không thể cầm cự được "một tuần" nếu không có khí đốt của Nga.
"Chúng tôi đánh giá cao sự nhất quán và thống nhất của các đối tác châu Âu. Đặc biệt là xem xét thực tế rằng, theo dữ liệu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Âu chỉ có thể cầm cự mà không cần khí đốt của chúng tôi không quá 6 tháng. Nhưng nói một cách nghiêm túc, họ thậm chí sẽ không tồn tại quá một tuần", ông Medvedev nhận định.
Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu tuyên bố các nước EU có thể xem xét các phương thức để thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp, mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố các khách hàng mua khí đốt của Nga từ những quốc gia "không thân thiện" sẽ phải thực hiện thanh toán bằng đồng rúp . Theo đó, các bên mua năng lượng của Nga sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và các khoản thanh toán bằng đồng USD hoặc Euro từ các tài khoản này sẽ được chuyển đổi sang đồng rúp.
Trong bối cảnh Nga tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moscow. Gói trừng phạt này được cho là bao gồm một số hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Các biện pháp trừng phạt Nga cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho châu Âu.
"Chúng ta sẽ không nhìn thấy hậu quả của việc này vào mùa xuân và mùa hè năm 2022 (vì chúng ta đã bổ sung các kho dự trữ), nhưng mùa đông tới, mọi thứ sẽ thay đổi nếu không còn khí đốt của Nga", Tổng thống Macron nói trong cuộc phỏng vấn tuần này.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng nói rằng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với khí đốt của Nga không được thảo luận, vì EU hoàn toàn hiểu rõ "những khó khăn to lớn mà lệnh cấm vận sẽ tạo ra".
Theo Alfred Kammer, Giám đốc Vụ châu Âu tại IMF, nếu nguồn cung khí đốt của Nga ngừng hoạt động, châu Âu chỉ có thể xoay sở trong 6 tháng nhờ vào "nguồn cung thay thế và sử dụng kho dự trữ hiện có".
"Tuy nhiên, nếu việc ngừng hoạt động khí đốt kéo dài đến mùa đông hoặc trong thời gian dài hơn, điều đó sẽ có những tác động đáng kể", ông Kammer cảnh báo.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrel tuần này tiết lộ EU không đạt được đồng thuận về lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga, tuy nhiên ông tin tưởng rằng một thỏa thuận sẽ đạt được trong tương lai gần.
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Moscow. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga, đặc biệt là năng lượng.
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga. Anh cũng "nối gót" với kế hoạch ngừng nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030.
Tổng thống Putin khẳng định phương Tây sẽ không thể cô lập một nước lớn như Nga, trong khi Moscow sẽ không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ tăng cường tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá tại thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy quá trình chế biến nhiên liệu thô. Ngoài ra, Nga cũng sẽ tìm kiếm các thị trường mới như châu Á để xuất khẩu năng lượng.
Theo Dân trí