Giải pháp chủ yếu để huy động nguồn vốn đầu tư
(PetroTimes) - Nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm chi phí tiếp cận dự án đầu tư; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược…là những giải pháp chủ yếu để huy động nguồn vốn đầu tư được PGS TS Bùi Tất Thắng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Á vừa qua.
PGS.TS Bùi Tất Thắng phát biểu tại diễn đàn |
PGS.TS Bùi Tất Thắng cho hay, vốn đầu tư được các nhà kinh tế xem là tài nguyên khan hiếm. Điều này càng đúng với những nước nghèo, đang trong thời kỳ CNH, HĐH và có khát vọng phát triển lớn. Trong các chương trình phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, không lĩnh vực nào là không đề cập tới vấn đề nguồn vốn từ đâu, quy mô ra sao và sử dụng thể nào. Điều đó cho thấy, vốn đầu tư luôn là nỗi lo thường trực của nhà quản lý, giới kinh doanh cũng như những người dân quan tâm và có ý định tham gia khởi nghiệp.
Ở Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII xác định là: “Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế cụ thể gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các mục tiêu trên, tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến đạt bình quân 33-35% GDP/năm.
Để đạt được các chỉ tiêu theo PGS.TS Bùi Tất Thắng cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu để huy động nguồn vốn đầu tư đó là: Cần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, cải cách hành chính, giảm chi phí tiếp cận dự án đầu tư. Thực hiện tốt công tác quy hoạch theo tinh thần Luật Quy hoạch 2017 để định hướng ngành/lĩnh vực kinh tế chủ lực trên những không gian kinh tế nhất định, làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, chính phủ số, thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tiếp cận dự án đầu tư, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới), đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Trước mắt, để nhanh chóng phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng hiệu quả với đại dịch Covid-19 nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) có vai trò rất quan trọng bởi có thể một số nhà đầu tư tư nhân còn cân nhắc thận trọng, e dè chưa đầu tư mạnh, nên nguồn vốn này sẽ có tác động mạnh làm hạn chế bớt những ảnh hưởng xấu của đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh.
Toàn cảnh diễn đàn |
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, trong công tác xúc tiến đầu tư cần được tổ chức lại để phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan liên quan: xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...; giữa các ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của công tác này là nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, nhất là từ khu vực đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, chuỗi sản xuất và mạng lưới thị trường rộng..., có thiện chí cam kết làm ăn lâu dài và có trách nhiệm xã hội với địa bàn đầu tư.
Cần chuẩn bị tốt mặt bằng chuẩn bị đầu tư. Một trong những điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư lâu nay là ở khâu chuẩn bị mặt bằng, đã gây ra rất nhiều hệ lụy: công việc xây dựng cơ bản khó khăn, thời gian bị kéo dài, nguy cơ đội vốn cao... Vì vậy, cùng với nâng cao chất lượng quy hoạch, việc chuẩn bị quỹ đất và chuẩn bị mặt bằng (sạch) là một trong những giải pháp rất cần đặc biệt chú ý trong thời gian tới.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, giảm chi phí logistics. Sức hút với vốn đầu tư còn phụ thuộc vào chất lượng hạ tầng và chi phí dịch vụ logistics. Vì vậy, 10 năm tới phải đặc biệt chú ý thực hiện tốt hơn đột phá về kết cấu hạ tầng (hiện đại, đồng bộ), nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, nước, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng các đô thị lớn... Các nhà đầu tư kinh doanh cũng rất quan tâm mức chi phí logistics với hiện đang là nhân tố làm tăng giá thành. Vì vậy, việc tổ chức lại khâu dịch vụ logistics hiện đang rất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún và cạnh tranh nhau một cách không lành mạnh đang là đòi hỏi cấp bách.
Bên canh đó, chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Cùng với kết cấu hạ tầng, nhân lực tiếp tục được xác định là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Đặc điểm khác biệt về vấn đề nhân lực của thời gian tới là nguy cơ thiếu về số lượng và vẫn chưa được cải thiện tốt hơn về chất lượng so với thời kỳ trước. Vì vậy, đã đến lúc phải đồng thời quan tâm đến vấn đề nhân lực cả ở khía cạnh chất lượng lẫn số lượng cùng gắn với phát triển nguồn nhân lực với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vinh dự là nhà tài trợ, đồng hành cùng diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Á với chủ đề “Thích ứng và đẩy mạnh hiệu quả đầu tư từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh và điều kiện mới”. |
Nguyễn Hoan