Trừng phạt Nga: Các công ty phương Tây dính đòn trước
(PetroTimes) - Vòng ngoài của cuộc chiến tranh Ukraine hiện nay là mặt trận kinh tế. Vũ khí duy nhất của phương Tây hiện giờ là trừng phạt, gây áp lực tối đa để Nga có thể ngừng cuộc chiến.
Hậu quả của các trừng phạt chưa thấy với Nga, nhưng với các công ty của phương Tây bắt đầu đã cảm nhận thấy, cụ thể là một số công ty Pháp đang làm ăn ở Nga.
Trong bài viết “Các công ty Pháp trong cái bẫy nước Nga”, báo Le Figaro cho biết nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Pháp Renault và một số công ty khác của Pháp đã buộc phải ngừng hoạt động tại Nga. Tờ báo cho thấy, mặc dù Chính phủ Pháp để ngỏ cho các công ty lựa chọn đi hay ở lại Nga, nhưng vì lo lắng cho uy tín của mình, ngày càng có nhiều công ty Pháp chọn đường rời khỏi Nga.
Tình hình đang trở nên phức tạp cho các doanh nghiệp Pháp đã cắm chân làm ăn ổn định ở Nga. Nhiều lãnh đạo các công ty Pháp khẳng định với Le Figaro cuộc chiến tranh ở Ukraine đã làm nhiều lĩnh vực sản xuất trở nên suy yếu, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp cũng bị thiệt hại lớn vì giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng vọt.
Với riêng hãng Renault, nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét qua bài viết “Renault: Cơn ác mộng Nga”, bởi vì Nga là thị trường lớn thứ 2 chỉ sau chính quốc của hãng xe Pháp này. Trong một khía cạnh khác liên quan đến hệ quả của trừng phạt Nga, tờ báo nhận định, đóng cửa đột ngột các nhà máy, các cửa hàng là đẩy hàng nghìn người (Nga) vào thất nghiệp, các gia đình vào sự khốn khổ. Làm cho người dân bị mất nguồn lương thực thực phẩm sẽ tạo ra sự hỗn loạn.
Bài xã luận của Le Figaro đặt ra một loạt câu hỏi: Chúng ta đang trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin hay người dân Nga? Làm như vậy chúng ta sẽ khiến người dân Nga phẫn nộ chống lại sự bất công của phương Tây? Các công ty của chúng ta phải bán phần tài sản mà đã phải mất nhiều công sức tạo dựng ở Nga, chẳng phải điều đó là chỉ có lợi cho Nga hay sao? Có đủ cách để gây áp lực kinh tế đối với Chính phủ Nga, mà vũ khí mạnh nhất cắt nguồn mua dầu khí của Nga. Nhưng quyết định này phụ thuộc vào riêng từng quốc gia mà thôi, Le Figaro kết luận.
Nh.Thạch