Nga dọa đáp trả lệnh cấm vận trong "cuộc chiến" kinh tế với phương Tây
Thủ tướng Nga cảnh báo nước này đã lên kế hoạch đáp trả các biện pháp cấm vận do các quốc gia khác áp đặt lên Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Mikhail Mishustin (Ảnh: Getty). |
Trong một cuộc họp của chính phủ hôm 9/3, Thủ tướng Mikhail Mishustin cảnh báo Moscow sẽ trả đũa việc các quốc gia áp lệnh cấm đối với tàu Nga. Thủ tướng cũng tiết lộ một số bước mà Nga đang thực hiện để bảo vệ nền kinh tế nước này trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ông Mishustin cho biết chính phủ Nga đang "theo dõi chặt chẽ" giá thực phẩm, đặc biệt là bánh mì. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/3 đã ký lệnh cấm xuất khẩu một số hàng hóa và vật liệu thô.
"Sự hỗn loạn liên quan đến các lệnh trừng phạt sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc", ông Mishustin nói.
Thủ tướng Nga không nói rõ chính phủ nước này sẽ trả đũa các lệnh cấm vận như thế nào. Trước đó, Tổng thống Putin từng nói rằng việc phương Tây hỗ trợ Ukraine dưới hình thức trừng phạt Nga và viện trợ cho Ukraine "tương tự tuyên bố chiến tranh".
Tuyên bố của Thủ tướng Mishustin được đưa ra trong bối cảnh khoảng 60.000 thủy thủ Nga và Ukraine đang bị mắc kẹt tại các cảng, theo Wall Street Journal. Do các tàu của Nga không được phép vào một số cảng của phương Tây, nên thủy thủ đoàn bị mắc kẹt, không thể giao hàng hoặc lấy hàng.
Anh đã cấm tàu Nga vào các cảng của nước này từ tuần trước. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ được cho là cũng đang xem xét một lệnh cấm tương tự.
Các công ty vận tải biển cũng tiến hành các biện pháp tương tự. Tuần trước, 3 công ty vận tải biển lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ không đưa tàu vào các cảng của Nga. Quyết định này được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin rằng, các tàu chở hàng ở ngoài khơi Ukraine được sử dụng làm "lá chắn" cho chiến dịch quân sự của Nga.
Nếu các lệnh trừng phạt đối với tàu Nga không dừng lại, Moscow có thể bị cắt đứt giao thương với phần lớn thế giới, ngoài các công ty vận tải biển châu Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/3 công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga để đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo "Mỹ đã tuyên chiến kinh tế với Nga và thực tế là họ đang tiến hành cuộc chiến này".
Cùng ngày, Anh cũng tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm 2022, trong khi EU cam kết sẽ giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.
Ông Peskov gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây là "hành động thù địch" và gây hỗn loạn thị trường năng lượng toàn cầu.
Nga liên tiếp hứng các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đặc biệt sau khi bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Theo Bloomberg, Nga trở thành quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, với 2.778 lệnh chỉ trong 2 tuần, nâng tổng số lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow lên 5.530.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã sử dụng đến các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các lệnh trừng phạt này cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ và châu Âu.
Theo Dân trí