Chứng khoán Mỹ giảm sâu trước mối lo mới
Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên đầu tuần lại giảm sâu, sau 4 tuần liên tiếp giảm, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về giá năng lượng cao do cuộc xung đột ở Ukraine sẽ khiến kinh tế chậm lại và lạm phát.
Chốt phiên ngày 7/3, chỉ số Dow Jones mất 797,42 điểm, đóng cửa ở mức 32.817,38. Chỉ số S&P 500 giảm gần 3% xuống còn 4.201.09, rơi sâu hơn vào vùng điều chỉnh. Mức trung bình của 500 cổ phiếu giảm hơn 12% so với mức đóng cửa cao kỷ lục của chỉ số này. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3,6% xuống 12.830,96 và hiện nằm trong vùng thị trường gấu (giá xuống), giảm hơn 20% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.
Các nhà đầu tư vẫn đang dõi theo những tác động tiềm tàng đối với nền kinh tế khi nguồn cung năng lượng toàn cầu bị gián đoạn trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp tục.
"Hậu quả là lạm phát đình trệ sẽ nhanh chóng trở thành trọng tâm trong các chiến lược danh mục đầu tư", ông Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group nói và cho biết: "Tăng trưởng chậm hơn và lạm phát dai dẳng hơn đang khiến giới đầu tư lo ngại và hành động".
Đầu giờ sáng qua, giá dầu đã đồng loạt tăng vọt vượt mốc 130 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Dầu WTI đạt mốc 130 USD/thùng trước khi về mốc 119,4 USD/thùng, tăng 3,2%. Trong khi đó, dầu Brent có thời điểm lên 139,13 USD/thùng trước khi giảm về mức 123,21 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Cổ phiếu năng lượng diễn biến theo đà tăng của giá dầu. Theo đó, cổ phiếu của Chevron tăng thêm 2,1%, cổ phiếu của Exxon Mobil tăng 3,6%.
Cổ phiếu ngân hàng nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất, với cổ phiếu của Citibank giảm 1,8%, US Bancorp giảm 3,9% khi nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các cổ phiếu của McDonald's, Starbucks và Nike cũng đi xuống khi giá xăng tăng đánh vào chi tiêu của người tiêu dùng. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã tăng lên 4,06 USD/gallon. Cổ phiếu của các hãng hàng không, hãng tàu và du lịch cũng bị ảnh hưởng vì lý do tương tự.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho biết Hạ viện Mỹ đang "xem xét" để cấm nhập khẩu dầu của Nga.
"Thị trường chứng khoán đang phải vật lộn với cú sốc nguồn cung hàng hóa lớn, trong đó đáng chú ý là giá dầu, và lo ngại rằng điều này có thể biến thành cú sốc lạm phát thay vì chỉ là cú sốc lạm phát", bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, cho biết.
Theo bà, cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng từ những thay đổi của giá dầu và triển vọng của lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga.
Phố Wall đang điều chỉnh theo hướng tăng chậm hơn. Các chiến lược gia hàng đầu từ Citi, UBS đến Yardeni Research và Evercore ISI đều hạ thấp triển vọng của chứng khoán Mỹ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Chỉ số S&P 500 đã mất 16% chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2022, tạm dừng ở mức 4.000 điểm.
Tuy nhiên, bất chấp động thái xa lánh các tài sản rủi ro, lợi tức trái phiếu Mỹ vẫn tăng cao cho thấy nhu cầu đối với tài sản an toàn ít hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng nhẹ trong phiên lên mức 1,77% do lo ngại lạm phát khiến lợi suất tăng lên.
Theo Dân trí