Nga nỗ lực xóa bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD ra sao?
Những nỗ lực xóa bỏ đồng USD ra khỏi nền kinh tế và thị trường tài chính của Nga trong những năm qua đã giúp giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt lên quốc gia này.
Nga đã cắt giảm dự trữ USD xuống chỉ còn 16% trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương vào năm 2021. 4 năm trước, con số luôn được duy trì ở hơn 40%.
Những động thái trên sẽ giúp Nga tránh khỏi một số tác động tồi tệ của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra. Lệnh trừng phạt đã ngăn cản Nga tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế. Thêm vào đó, Mỹ ra lệnh cấm mua hàng mới trên thị trường thứ cấp từ tháng 3. Tuy nhiên, việc Nga nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD có thể làm dịu tác động của những lệnh trừng phạt trên và giúp chính quyền Tổng thống Putin chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, ít nhất là trong một thời gian.
Các hình phạt khác, chẳng hạn như giới hạn quyền truy cập của Nga vào SWIFT - một nền tảng nhắn tin không thể thiếu trong các đơn đặt hàng và thanh toán quốc tế - có thể tốn kém hơn nhiều và gây ra phản ứng thậm chí nghiêm trọng hơn trên thị trường toàn cầu, nhưng chúng sẽ gây ra sự chia rẽ.
Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi cho châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Ngân hàng MUFG ở Dubai, cho biết: "Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để đa dạng hóa tiền tệ, tránh phụ thuộc vào đồng USD. Điều này giúp Nga có thể chống đỡ được ở mức độ nào đó, mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện đang gây ra biến động thị trường và suy thoái".
Tất nhiên, Nga không thể tách khỏi đồng USD hoàn toàn. Các mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này là dầu mỏ, các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên được giao dịch trên các thị trường toàn cầu bằng đồng bạc xanh. Tuy nhiên, một số hợp đồng xuất khẩu dầu của Nga hiện được giao dịch bằng đồng EUR. Theo Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược tiền tệ tại Amundi Asset Management, chiến sự tại Ukraine đã đẩy giá dầu thô tăng vọt lên trên 100 USD/thùng, dẫn đến khả năng Nga có thể ít phải tiếp cận thị trường tài chính nước ngoài hơn. Ông nói: "Người Nga không thực sự cần phát hành trái phiếu. Khủng hoảng cán cân thanh toán hầu như không có khả năng xảy nhờ dự trữ ngoại hối và quỹ phúc lợi khổng lồ của họ".
Ngân hàng Trung ương Nga ước tính thặng dư tài khoản vãng lai tháng 1 của nước này đạt mức cao kỷ lục 19 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. National Wellbeing Fund - một quỹ tài sản tài trợ bởi dầu mỏ, được coi như một phần dự trữ của Nga - giám sát hơn 170 tỷ USD; tuy nhiên, kể từ tháng 6/2021, quỹ này đã không nắm giữ bất kỳ đồng USD nào.
Thặng dư tài khoản vãng lai tháng 1/2022 của Nga đạt mức cao kỷ lục 19 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 (Ảnh: Bloomberg). |
Kinh nghiệm quá khứ
Tình hình hiện tại của Nga khác xa so với lần đầu tiên quốc gia này đối mặt với các lệnh trừng phạt từ các nền kinh tế lớn khác. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Nga cũng đối mặt một số vấn đề và điều đó đã khuyến khích các nhà hoạch định chính sách của Nga đưa ra các biện pháp giúp nền kinh tế tránh phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, một trong số đó là thực hiện các giao dịch quốc tế bằng các loại tiền tệ khác.
Vào năm 2020, đồng EUR đã vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền chính để định giá hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng của nước này. Chỉ trong tháng này, tập đoàn sản xuất khí đốt nhà nước Gazprom Neft cho biết họ sẽ chỉ chấp nhận đồng nhân dân tệ để tiếp nhiên liệu cho máy bay Nga tại các sân bay của Trung Quốc.
Trên thực tế, tỷ trọng của đồng USD trong doanh thu xuất khẩu của Nga đã giảm từ 69% năm 2016 xuống 56% trong nửa đầu năm 2021, trong khi đồng EUR tăng gấp đôi lên 28%, theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Anna Zadornova từ UBS Group AG.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước còn nhiều biện pháp để trừng phạt Nga, mặc dù quốc gia này xóa bỏ đồng USD khỏi nền kinh tế. Việc hạn chế quyền truy cập vào SWIFT có thể khiến Nga gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ngân hàng Trung ương Nga có một hệ thống nhắn tin có thể được sử dụng như một sự thay thế tiềm năng cho SWIFT, tuy nhiên hiện tại nó vẫn rất hạn chế. Khi quyền tiếp cận SWIFT của Nga bị đe dọa vào năm 2014, Alexei Kudrin, bộ trưởng tài chính Nga khi đó, ước tính rằng nó có thể làm giảm 5% GDP của Nga trong một năm.
Trước các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ, Manik Narain, người đứng đầu nhóm phân tích chiến lược phụ trách các thị trường mới nổi tại UBS, cho biết: "Mặc dù Nga đã và đang nỗ lực để giảm bớt tổn thất, nhưng việc bị loại khỏi SWIFT vẫn có thể là một cú sốc kinh tế lớn".
Tuần trước, Tổng thống Biden đã phát biểu rằng nền kinh tế Nga sẽ phải trả giá lớn và đồng thời công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới được cho sẽ hạn chế khả năng kinh doanh của Nga bằng đồng USD, EUR, GBP và JPY.
Clay Lowery, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Tài chính Quốc tế, cho biết các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt sẽ có tác động đáng kể đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của Nga. Ông nói thêm rằng hệ thống ngân hàng của Nga sẽ khó kinh doanh hơn khi khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài bị hạn chế.
Các công ty dầu mỏ lớn cũng có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt, gây khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng Nga vẫn có khả năng chống chọi với các lệnh trừng phạt nếu các biện pháp trừng phạt không quyết liệt hơn.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích FX tại Monex Europe Ltd., cho biết: "Nga đã học được những bài học của 10 năm trước và tự định vị được mình trong trường hợp này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có tác động rộng hơn đến nền kinh tế Nga, và tôi tin rằng thị trường này sẽ sớm có phản ứng".
Theo Dân trí