"Chứng trường" căng thẳng "tra tấn" tâm lý nhà đầu tư
Không có hoảng loạn, bán tháo trước những thông tin bất lợi nhưng VN-Index vẫn "co giật" mạnh, sự dịch chuyển nhanh của dòng tiền đang khiến giới đầu tư "căng não", chịu áp lực lớn về mặt tâm lý.
Tuột mốc 1.490 điểm, cổ phiếu ngân hàng
Một phiên giao dịch thực sự căng thẳng với phần lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. VN-Index mở phiên tương đối thuận lợi và tưởng chừng có thể vượt qua áp lực từ tin tức và diễn biến trên thị trường quốc tế, thế nhưng sau thời điểm 10h, hoạt động bán ra chốt lời ngày càng mạnh khiến VN-Index lún sâu dần.
Sau khi mất mốc hỗ trợ 1.490 điểm ở phiên sáng, VN-Index có lúc về sát 1.480 điểm ở phiên chiều trước khi hồi phục nhẹ và thu hẹp thiệt hại sau đó. Đóng cửa, chỉ số giảm 13,26 điểm tương ứng 0,89% còn 1.485,52 điểm.
Một phần nguyên nhân lớn gây áp lực đến thị trường chính là tình trạng bán ra mạnh tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ở dòng ngân hàng. Rổ VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ có 7 mã tăng giá, theo đó, chỉ số VN30-Index thiệt hại nặng nề, mất 21,51 điểm tương ứng 1,42% về 1.498,61 điểm và mất mốc 1.500 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index phần lớn phiên sáng vẫn còn giữ được trạng thái tăng thì phiên chiều chỉ diễn biến dưới đường tham chiếu, đóng cửa giảm 1,31 điểm tương ứng giảm 0,3% còn 442,25 điểm. UPCoM-Index cũng sụt giảm 0,57 điểm tương ứng 0,51% còn 111,8 điểm.
Bức tranh thị trường tương đối tiêu cực với 602 mã giảm giá so với 410 mã tăng giá. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn bình tĩnh và không có bán tháo xảy ra. Cả 3 sàn chỉ có 6 mã giảm sàn trong khi có đến 33 mã tăng trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng "dìm" chỉ số trong phiên 2/3 (Ảnh chụp màn hình). |
Ngoại trừ SSB tăng 2,4%, KLB tăng nhẹ 0,4%; BAB và VCB đứng giá tham chiếu thì các mã còn lại trong dòng cổ phiếu ngân hàng đều bị chốt lời và giảm giá. Nhiều mã giảm sâu và giảm trên 2%. Trong đó, EIB thiệt hại nặng nhất, giảm 5,5%; MBB giảm 4,4%; STB giảm 4,3%; HDB giảm 4,2%; CTG giảm 3,9%; MSB giảm 3,8%; BID giảm 3,7%; LPB giảm 3,4%...
Cổ phiếu ngân hàng cũng góp mặt nhiều nhất trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Cụ thể, top 10 mã cổ phiếu kéo lùi chỉ số mạnh nhất thì có tới 9 mã ngân hàng là BID, CTG, MBB, VPB, TCB, STB, ACB, HDB và EIB.
Dòng cổ phiếu chứng khoán hôm nay cũng bị biến động mạnh theo thị trường và chịu áp lực chốt lời. BSI và VND là hai mã tăng tích cực nhất những phiên vừa qua thì hôm nay lại bị điều chỉnh mạnh nhất với mức sụt giảm 3,3%. SHS cũng mất 2,7%; CTS mất 2,7%; SSI mất 2,6%; HCM mất 2,1%.
Tiền đổ vào bắt đáy, không có hoảng loạn
Đi ngược với thị trường chung, nhà đầu tư vẫn kiên trì mua vào cổ phiếu của dòng cổ phiếu ngành dầu khí và ngành phân bón. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bất động sản, nông nghiệp, bán lẻ, cảng biển… vẫn tăng tốt.
Điều này cho thấy, thị trường hôm nay giảm mạnh chủ yếu do áp lực bán ra của dòng cổ phiếu "trụ" là ngân hàng chứ hoàn toàn không có hiệu ứng bán tháo hay hoảng loạn.
Trong nhóm dầu khí, PVC và PXS tăng kịch trần và không hề còn dư bán cuối phiên; POS tăng 7,8%; PVS tăng 6,6%; PVP tăng 5,1%; PVB tăng 4,5%; PVD tăng 4%; PVT tăng 4%' BSR tăng 2,9%' PXI tăng 2,7%.
Cổ phiếu ngành phân bón đầu phiên bị chốt lời nhưng sức mua càng về cuối phiên càng mạnh. PSE tăng 7,2%; SFG tăng trần, DCM tăng 5,7%; DPM tăng 5,3%; LAS tăng 4,3%; NFC tăng 4,3%; PSW tăng 4,1%; PMB tăng 3,6% và BFC cũng tăng 3%.
Một số mã trong dòng cổ phiếu bất động sản vẫn vững vàng trước áp lực thị trường. Nhiều cổ phiếu tăng trần và tăng mạnh như CCL, FDC, SZL; PDR, VRC, QCG, BCM.
Thanh khoản sàn HoSE tăng mạnh so với phiên hôm qua (Ảnh chụp màn hình). |
Chỉ số giảm khá mạnh nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của dòng tiền, đẩy giá trị giao dịch trên HoSE phiên hôm nay lên 30.326,6 tỷ đồng với khối lượng giao dịch ở mức 941,55 triệu cổ phiếu.
HNX có 104,73 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.371,69 tỷ đồng; thị trường UPCoM có 74,63 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.625,45 tỷ đồng.
Quan sát những phiên gần đây có thể thấy dòng tiền trên thị trường luân chuyển tương đối nhanh giữa các nhóm cổ phiếu. Theo đó, những nhà đầu tư chủ động "lướt T0, T1" đúng nhịp hoặc chọn đúng dòng cổ phiếu và kiên nhẫn nắm giữ sẽ không bị tác động về tâm lý. Ngược lại, việc lướt sóng ngắn hạn theo xu hướng mua đuổi sẽ khiến không ít người "ăn không ngon, ngủ không yên", luôn thấp thỏm vì thông tin bên ngoài.
"Hôm trước vừa đua lệnh cổ phiếu ngân hàng thì hôm nay cổ phiếu giảm mà hàng vẫn chưa đủ T, chưa về tới tài khoản. Chứng khoán, tôi nghĩ, là bộ môn đầu tư không dành cho những người yếu tim và vội vàng" - anh Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết.
Anh Tuấn cũng chia sẻ, việc cổ phiếu giảm mạnh hôm nay khả năng liên quan đến việc một số ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT và một số quỹ ngoại bán ra cổ phiếu ngành này, song anh Tuấn vẫn đặt kỳ vọng vào triển vọng ngành này trong năm 2022 khi kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Theo Dân trí