Đại gia Hà Nội "săn" biệt thự, liền kề, phát hoảng vì giá tăng phi mã
Theo chuyên gia, khi nhìn vào dự án thì nên xem đó là đa số hay là hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ "đẩy" giá lên. Giá có thể tăng rất mạnh nhưng giao dịch thì không có.
Theo Savills, hiện vẫn khá thiếu nguồn cung mới có giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm, dẫn tới biến động lớn trong giá trung bình toàn thị trường (Ảnh: N.M). |
Lượng quan tâm tăng mạnh trước Tết
Dịp trước Tết Nguyên đán 2022, chị Miên - một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội vẫn tranh thủ tìm kiếm cơ hội sở hữu một căn liền kề ở khu vực phía Tây thành phố. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm của chị thất bại vì giá cả ở một số khu vực chị đang có nhu cầu mua như Hoài Đức hay Gia Lâm đều đã tăng mạnh so với thời điểm cuối năm ngoài.
"Có chỗ giá tăng tới cả vài tỷ đồng mỗi căn, thực sự choáng váng", chị Miên kể. Theo nhà đầu tư này, việc tìm kiếm đành tạm gác lại vì giá cả đã ở mức quá cao, tốc độ tăng quá nhanh và biên độ tăng lớn.
Thực tế, ngay dịp sát Tết, nhu cầu tìm mua phân khúc này rất lớn dù mức tăng của phân khúc này vừa qua đã rất cao. Tuy nhiên, lượng giao dịch qua tìm hiểu không lớn vì thực tế khi thị trường bị đẩy giá, nhiều nhà đầu tư cũng "chùn tay", sợ cảnh mua "đỉnh" bán "đáy" trong đầu cơ.
Theo dữ liệu vừa công bố của Batdongsan.com.vn, tháng 1/2022 là tháng cận Tết, nhiều người nghỉ Tết sớm, một số phân khúc bất động sản "hạ nhiệt" nhưng loại hình biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TPHCM vẫn có mức độ quan tâm tăng đáng kể, lần lượt là 29% và 30%, tập trung ở các khu vực như: Long Biên, Gia Lâm… (Hà Nội); Quận 7, nhà Bè… (TPHCM).
Không riêng gì 2 thành phố lớn, nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng ghi nhận mức quan tâm tăng mạnh đối với phân khúc này. |
Việc giá cả tăng mạnh ngoài lý do về yếu tố chung của thị trường khi trải qua cơn sốt giá thì còn có lý do về nguồn cung. Theo báo cáo thị trường Hà Nội quý IV/2021 vừa công bố của Savills Việt Nam, trong kỳ này không ghi nhận dự án biệt thự, nhà liền kề nào mới. Nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của một số dự án đang bán.
Đại diện đơn vị này cho biết, nguồn cung sơ cấp thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt trong một thời gian dài.
Trong quý IV/2021, lượng giao dịch tăng với 411 căn bán được, tăng 96% theo quý nhưng giảm 19% theo năm. Quận Tây Hồ ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 40% thị phần, theo sau là huyện Đông Anh với 21%. Nhà liền kề và nhà phố chiếm 57% lượng giao dịch, trong khi biệt thự chiếm 43% thị phần, tỷ trọng cao nhất từ quý I/2020. Tỷ lệ hấp thụ đạt 37%, tăng 17 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm.
Giá tăng quá cao sẽ khó bán
Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội - cho rằng phân khúc biệt thự, liền kề vẫn có thể sẽ được quan tâm nhiều trong năm nay. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, nhiều báo cáo cho thấy phân khúc biệt thự liền kề Hà Nội năm vừa qua tăng rất mạnh, có nơi tăng gấp đôi sau 2 năm.
Đề cập đến câu chuyện này, bà Hằng cho biết cũng cần phải có những đánh giá thực tế nó là sản phẩm gì. "Mức tăng giá này chúng tôi phải kiểm chứng, bởi vì những dự án mà chúng tôi biết không phải tăng quá nhiều như vậy. Có chăng là những dòng sản phẩm nhỏ lẻ, mua vào bán ra. Giá bán mà tăng như vậy thì có sự bất hợp lý. Hoặc cho dù có như vậy thì lượng giao dịch cũng không nhiều", bà Hằng nói.
Theo bà, nhìn vào dự án thì nên xem đó là đa số hay là hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ "đẩy" giá lên. "Các bên mua lại thì dù có đẩy giá lên thì các nhà đầu tư mua sau họ cũng đánh giá được. Giá có thể lên cao nhưng giao dịch thì không có", bà nói.
Giá biệt thự, liền kề tăng mạnh. |
Còn theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam - nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông. "Thường thời điểm trước và sau Tết, hoạt động giao dịch bất động sản rất tích cực, sôi động. Lượng giao dịch mà chúng tôi thống kê được qua các sàn luôn cao hơn so với các quý khác. Tuy nhiên năm nay, nguồn cung và sức mua có sự suy giảm, mặc dù đã có những diễn biến tích cực", ông Hoàng nói.
Theo vị chuyên gia này, nếu nói về việc lựa chọn thời điểm đầu tư, ông nghĩ nhà đầu tư nên dựa vào năng lực tài chính của mình, tiềm năng của khu vực dựa vào sự thay đổi của hạ tầng hay định hướng quy hoạch của Nhà nước…
"Khách hàng nên hết sức cẩn thận với tâm lý đầu tư theo đám đông, tránh đầu tư vào những dự án mà chủ đầu tư có sự chuẩn bị chưa tốt sẽ gặp nhiều rủi ro", ông Hoàng khuyến cáo.
Theo Dân trí