Ông Trần Đình Long và 2 đại gia Đông Âu "đòi lại" hàng nghìn tỷ đồng
Biến động hơn 50 điểm trong một ngày, VN-Index bật tăng mạnh giúp nhiều nhà đầu tư lấy lại được một phần tài sản đã đánh mất thời gian qua.
VN-Index dao động hơn 50 điểm trong phiên
Thị trường chứng kiến một cú "quay xe" cực "gắt" của các chỉ số chính trong phiên giao dịch hôm nay (25/1).
Trong suốt phiên sáng, VN-Index gần như chỉ giao dịch dưới đường tham chiếu và có lúc lùi về dưới ngưỡng 1.425 điểm, tuy nhiên, đến phiên chiều, chỉ số bật tăng rất nhanh, vọt tăng 39,87 điểm tương ứng 2,77% lên 1.479,58 điểm. Như vậy, chỉ trong một phiên giao dịch, biên dao động của chỉ số chính lên tới hơn 50 điểm.
Cú đảo chiều ấn tượng của VN-Index (Ảnh chụp màn hình). |
VN30-Index tăng rất sốc, mức tăng lên tới 44,85 điểm tương ứng 3,05% lên 1.516,16 điểm. HNX-Index tăng 9,47 điểm tương ứng 2,36% lên 419,23 điểm; UPCoM-Index tăng 1,32 điểm tương ứng 1,24% lên 108,03 điểm.
Dòng tiền ở phiên này tập trung vào cổ phiếu "trụ" và theo đó kéo chỉ số hồi phục nhanh chóng. Có tới 28 trong số 30 mã thuộc rổ chỉ số VN30 tăng, nhiều mã tăng mạnh. Trong đó, MSN, VRE, POW tăng kịch trần; VHM tăng 6,3%; HPG tăng 6,3%; PDR tăng 5,4%.
Nhờ HPG tăng 2.550 đồng/cổ phiếu và MSN tăng 10.000 đồng/cổ phiếu nên giá trị tài sản của các đại gia hàng đầu như ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát; ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Techcombank cũng hồi phục ấn tượng.
Cụ thể, với sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) 250,75 triệu cổ phiếu MSN, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh phiên hôm nay tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng sở hữu trên 255,7 triệu cổ phiếu MSN nên phiên này, giá trị tài sản của ông chủ Tập đoàn Masan cũng tăng thêm hơn 2.550 tỷ đồng.
HPG sau chuỗi giảm "thảm khốc", với phiên hồi phục này đã giúp tài sản của người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt - ông Trần Đình Long - củng cố lại vị trí với mức gia tăng tài sản gần 3.000 tỷ đồng trong một ngày.
"Kẻ khóc người cười" khi chỉ số tăng mạnh
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút mạnh dòng tiền của giới đầu tư. Có thể thấy dòng ngân hàng đã có tác dụng giữ nhịp thị trường trong suốt thời gian vừa qua để chỉ số không rơi quá sâu.
LPB tăng kịch biên độ sàn HoSE, lên 23.000 đồng, khớp lệnh hơn 22 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần cuối phiên còn trên 1,1 triệu đơn vị. TPB tăng 5,3%; BID tăng 4,5%; PGB tăng 4,3%; MSB tăng 4,2%; STB tăng 4,2%; SHB tăng 3,9%; VIB tăng 3,9%; CTG tăng 3,8%; HDB tăng 3,6%...
Cổ phiếu VN30 tăng mạnh kéo chỉ số hồi phục nhanh chóng (Ảnh chụp màn hình). |
Ngoài cổ phiếu ngân hàng thì nhóm cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng có đà tăng mạnh. BCM, SZC, VRE tăng trần, không hề còn dư bán. KBC tăng 6,8%; DXS tăng 6,3%; VHM tăng 6,3%; NLG tăng 5,7%; PDR tăng 5,4%; DTA tăng 5%; D2D tăng 4,4%. Trên HNX, CEO, VC7 cũng tăng kịch trần.
Trong nhóm thực phẩm và đồ uống, ngoài MSN thì SBT cũng tăng 5,6%; VHC tăng 5,3%; FMC tăng 3%; ANV tăng 2,2%; PAN tăng 2,1%. Ngược lại, nhiều cổ phiếu thuộc ngành này lại có diễn biến kém tích cực. HAG giảm sàn về 11.850 đồng và trắng bên mua; LAF giảm 4,7%; HNG giảm 4,5%; VNM giảm 2,2%.
Có thể thấy, mặc dù chỉ số tăng nhanh nhưng lại chủ yếu nhờ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bluechips. Theo đó, những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn chưa thể hòa vào niềm vui chung của thị trường.
Nếu như trong các đợt điều chỉnh suốt hơn hai tuần qua, chỉ số giảm sâu kéo theo hàng trăm mã giảm sâu, hơn 100 mã giảm sàn thì phiên "trả điểm" này vẫn còn 26 mã tiếp tục giảm sàn, 383 mã giảm giá.
"Chỉ số hồi phục, thị trường thoát hiểm và có lẽ là đã tạo đáy xong nhưng NAV (giá trị tài sản ròng - PV) của tôi vẫn đi xuống", chị Phan Hương (Hà Nội) cho biết.
Mặc dù vậy, với việc các chỉ số bật tăng và lấy lại được thiệt hại mà phiên hôm qua gây ra, nhiều nhà đầu tư đã tự tin hơn vào triển vọng của thị trường sắp tới, kỳ vọng chứng khoán sẽ xác lập lại đà tăng bền vững hơn, giá trị tài khoản sẽ được cải thiện.
Theo Dân trí