Sẽ xây dựng 16 cảng trung chuyển than trên cả nước
(PetroTimes) - Để phục vụ các dự án nhiệt điện than lớn trong Tổng quy hoạch điện VIII, liên doanh tư vấn đã đề xuất 16 địa điểm dự kiến sẽ xây dựng các loại hình cảng trung chuyển than trên cả nước.
Vừa qua, để tăng tính khả thi cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương cùng các bên tư vấn đã trình Thủ tướng đề xuất chọn 16 địa điểm có tiềm năng để dự kiến thực hiện đầu tư các cảng trung chuyển than.
Cảng Hòn Nét - Con Ong của Quảng Ninh đang trong tình trạng quá tải. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, sau thời gian nghiên cứu và cân nhắc, để phục vụ các dự án nhiệt điện than lớn trong Tổng quy hoạch điện VIII, liên doanh tư vấn cho quy hoạch cảng đã đề xuất 16 địa điểm dự kiến sẽ xây dựng các loại hình cảng cứng, cảng nổi. Cụ thể như sau: Khu vực miền Bắc (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) sẽ có các cảng: Hòn Nét (Quảng Ninh), Tiền Hải (Thái Bình), Hòn Mê (Thanh Hóa), Sơn Dương (Hà Tĩnh) và Quảng Trạch (Quảng Bình).
Tại khu vực miền Nam (Nam Bộ và Nam Trung Bộ) sẽ xây các cảng: Vĩnh Tân (Bình Thuận), khu vực sông Gò Gia, cù lao Ông Chó (TP HCM), Soài Rạp (Tiền Giang), Duyên Hải (Trà Vinh), bãi Mỹ Thanh (Sóc Trăng), Gành Hào (Bạc Liêu), Hòn Khoai (Cà Mau), đảo Nam Du (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nam Vân Phong (Khánh Hòa).
Trong số này, tư vấn đề xuất xây dựng cảng nổi tại sông Gò Gia (TP HCM) và Hòn Nét (Quảng Ninh). Lý do là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá 2 nơi này có nhiều ưu điểm để xây dựng cảng nổi hơn so với các phương án khác như thời gian xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác nhanh hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; luồng vận tải cho phép sử dụng được các loại tàu viễn dương có trọng tải lớn đến 100.000 DWT và tàu trọng tải thứ cấp có trọng tải đến 30.000 DWT. Đồng thời những nơi này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030.
Vẫn theo Bộ Công Thương, EVN đề xuất mô hình đầu tư cảng theo hình thức đấu thầu thuê theo mô-đun. Đối với khu vực miền Nam, quy mô cảng theo mô-đun ban đầu tối thiểu khoảng 4,93 triệu tấn/năm (đáp ứng nhu cầu trung chuyển than của các nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng theo quy hoạch được duyệt).
Đối với khu vực miền Bắc, tùy thuộc lộ trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước sang sử dụng than nhập khẩu/than trộn để xác định quy mô cảng theo mô-đun ban đầu phù hợp. Trong tương lai, khi nhu cầu trung chuyển than thực tế tăng lên cần tiếp tục mở rộng quy mô cảng bằng cách bổ sung thêm các mô-đun tương ứng.
Tuy nhiên, loại hình cảng nổi hạn chế trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác trộn than và công suất chứa của kho than tại cảng, nhất là trong bối cảnh không thể nhập khẩu cố định một chủng loại than có thông số kỹ thuật phù hợp với thiết kế của nhà máy nhiệt điện để cung cấp trong suốt thời gian tổn tại của dự án mà phải nhập nhiều chủng loại khác nhau để phối trộn. Nên trong dài hạn cần xem xét lựa chọn loại hình cảng cứng để đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than.
Bộ Công Thương không đồng ý đề xuất lựa chọn địa điểm Cù lao Ông Chó (TP HCM) làm cảng vì chưa đầy đủ cơ sở pháp lý do chưa có trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Qua xem xét tính bất định trong việc xác định nhu cầu than trung chuyển qua cảng, đánh giá về chi phí đầu tư cảng (chi phí ban đầu lớn), nhận định về thực tế kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác của các doanh nghiệp Việt Nam (chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, vận hành mô hình cảng trung chuyển), EVN đề xuất phương án thuê dịch vụ để tổ chức thực hiện quản lý, vận hành cảng chuyển than.
Đặc biệt, nếu được Thủ tướng phê duyệt các đề xuất trên, dự kiến sẽ tìm các nhà đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống các cảng trung chuyển than trên cả nước.
P.V