Xe điện và các vấn đề lớn cần giải quyết để giảm phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam
(PetroTimes) - Sử dụng xe điện sẽ giúp Việt Nam đạt được kế hoạch giảm phát thải ròng bằng "0". Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, có phương án rõ ràng để phát triển loại hình này.
Xe điện là xu thế
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Thông điệp này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 1/11/2021 vừa qua với cam kết Việt Nam sẽ hành động để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Với những lợi thế về năng lượng tái tạo (NLTT), Việt Nam đang có một tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Để góp phần chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống, việc thúc đẩy đầu tư, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo cần phải gắn chặt với xây dựng một “hệ sinh thái” tiêu dùng năng lượng xanh, sạch. Và xe điện là một trong những “đầu ra” trong chuỗi hành động này. Tuy nhiên, việc phát triển, tiến tới phổ cập xe điện, góp phần giảm phát thải ròng bằng "0" tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, có phương án rõ ràng.
Trao đổi tại tọa đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam”, TS Nguyễn Đức Tuyên, giảng viên bộ môn Hệ thống Điện - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam có sự phát triển NLTT mạnh mẽ, thể hiện ở việc gia tăng nhanh chóng các dự án điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, NLTT với những ưu điểm vượt trội có vai trò to lớn là nguồn cung cấp năng lượng cho xe điện trong tương lai.
Xe buýt điện của Vinfast. |
TS Tuyên cũng khẳng định, xe điện rõ ràng góp phần lớn vào giảm phát thải trong tương lai. Trong khi so sánh giữa 2 loại nhiên liệu là điện và xăng dầu thì chi phí của xăng dầu luôn biến đổi theo thị trường (thường sẽ tăng cao, đặc biệt vào thời điểm thị trường có nhu cầu lớn và dẫn đến biến động nhiều mặt của xã hội). Trong khi điện ít có sự biến động, rất khó thay đổi. Sử dụng điện có sự ổn định nhất định trong hoạch định kỹ thuật và tính toán các vấn đề kinh tế kỹ thuật liên quan.
Cũng theo TS Tuyên, chúng ta phải thường xuyên nhập khẩu xăng dầu để chạy cho các xe truyền thống, nếu sử dụng điện thì có thể dùng nguồn NLTT chủ động, sẵn có và là thế mạnh trong nước.
Về góc độ bảo vệ môi trường, ông cho rằng, chúng ta không cần bàn thảo quá nhiều vì đã có cam kết tại COP26. Với những loại xe sử dụng nhiên liệu xăng dầu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu đổi sang xe điện, chắc chắn sẽ có cải thiện lớn.
TS Nguyễn Đức Tuyên, giảng viên bộ môn Hệ thống Điện - Đại học Bách Khoa Hà Nội |
“Chúng ta có thể đạt được lượng phát thải khí thải nhỏ nếu chúng ta tập trung vào phát triển NLTT để cung cấp điện cho hệ thống điện và sạc xe điện. Nếu dùng năng lượng truyền thống thì không có sự thay đổi” - TS Tuyên nhấn mạnh.
Theo TS Tuyên, lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam sẽ theo một số kịch bản, trong đó, kịch bản sử dụng 100% xe điện vào năm 2050 được chia làm 4 giai đoạn (khởi đầu (từ 2021-2030), tăng trưởng nhanh (từ 2030-2040), tăng trưởng ổn định (từ 2040-2045), hợp nhất ngành công nghiệp (từ 2045-2050).
Bài toán nhu cầu điện cho giao thông
TS Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng, xe điện trở thành xu thế và Việt Nam không nằm ngoài xu thế này.
Khi phát triển xe điện, nhu cầu điện cho giao thông là bài toán cần được các cơ quan chức năng tính toán và có lời giải phù hợp.
Theo TS Nguyễn Quốc Khánh, ở kịch bản phát triển vừa, từ năm 2030, nhu cầu sử dụng điện cho giao thông tương đương 1/2 lượng điện của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đến năm 2050 tương đương 2 nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ở kịch bản cao hơn, năm 2030 tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình; năm 2050 tương đương 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
TS Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng. |
Về giảm phát thải khí nhà kính, theo các kịch bản dự báo, việc giảm phát thải khí nhà kính khi sử dụng xe điện giảm 1,8% phát thải vào năm 2030 và 4,7% năm 2050 nếu cơ cấu nguồn điện như tổng sơ đồ điện 8 giữ nguyên. Ở kịch bản lớn hơn, giảm 3,3% lượng phát thải khí nhà kính năm 2030, giảm 13,6% vào năm 2050 nếu cơ cấu nguồn điện như tổng sơ đồ điện 8 giữ nguyên.
Với các kịch bản trên, TS Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, Việt Nam không chỉ dựa vào cam kết tại COP26 về “netzero” vào 2050, quy hoạch điện 8 điều chỉnh giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo mà cần có những thay đổi và cơ chế chính sách phù hợp. Việt Nam là nước đi sau nên có thể học hỏi và tận dụng kinh nghiệm của thế giới.
Tuy nhiên, hạ tầng điện giao thông ở Việt Nam chưa đồng bộ, ngoài khoảng 200 trạm sạc của Vinfast hầu như chưa hề có trạm sạc nào khác. Các tiêu chuẩn về trạm sạc của Việt Nam chưa có và chưa thống nhất, các chính sách ưu đãi cho xây dựng trạm sạc cũng không.
“Trong thời gian sắp tới, việc quy hoạch lại lưới điện, đặc biệt lưới phân phối sẽ là bài toán làm đau đầu ngành điện vì chưa có quy hoạch cụ thể, sẽ gây áp lực lớn. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn cho người sử dụng, an toàn lưới điện cũng cần phải được cân nhắc và có phương án cụ thể” - TS Tuyên cho biết thêm.
Xuân Hinh