Lao động nữ của EVN: Tăng cả “lượng” và “chất”
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cuộc trao đổi về sự phát triển của lực lượng nữ CNVC-LĐ của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Tập đoàn. |
Phóng viên (PV): EVN đã cán đích nhiều mục tiêu quan trọng trong kế hoạch bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020. Xin ông có thể chia sẻ một số kết quả ấn tượng nhất?
Ông Võ Quang Lâm: Giai đoạn 2016 -2020, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong toàn Tập đoàn được đánh giá là hiệu quả, nhiều hoạt động, phong trào, chương trình hành động cụ thể, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện mục tiêu sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn và mỗi đơn vị. Trong đó, phải kể đến việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tính đến 31/12/2020 tổng số lao động nữ toàn Tập đoàn là 19.997 người chiếm tỷ lệ 20,6%. Năm 2020, tổng số cán bộ nữ từ cấp phòng ban xưởng đội lên đến cấp Tập đoàn là 1.636 người chiếm tỷ lệ 12,92% tăng 0,27% so với năm 2016. Hiện nay, Tập đoàn có 04 Tổng công ty đã có nữ ở trong Ban lãnh đạo bao gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng thành viên của EVNNPC, 01 Hội đồng thành viên của EVNHCM, 02 Phó Tổng giám đốc của EVNGENCO3 và EVNCPC. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, Công đoàn nhiệm kỳ 2016 – 2020 tăng từ 16,1% lên 20%.
Lao động nữ được bố trí tại tất cả các lĩnh vực của Tập đoàn phù hợp với trình độ, ngành nghề được đào tạo và sức khỏe. Theo đánh giá của Công ty EDGE Strategy (công ty đánh giá độc lập chứng chỉ bình đẳng của Thụy Sỹ) tại 03 Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn là EVNHCMC; EVNSPC và EVNGENCO3 thì các đơn vị đã thực hiện rất tốt các công tác liên quan đến quyền và lợi ích người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, các chính sách về bình đẳng giới của Tập đoàn và đơn vị được nhất quán từ trên xuống dưới.
Trong giai đoạn vừa qua EVN có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức như: sắp xếp lại các Ban QLDA; thành lập Trung tâm dịch vụ sửa chữa tách khối vận hành và sửa chữa của các Công ty sản xuất điện hạch toán phụ thuộc; chuyển các công ty lưới điện của các Tổng công ty phân phối về các Công ty Điện lực; thành lập các Trung tâm dịch sửa chữa điện của các Tổng công ty. Được sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, các đơn vị đã bố trí lao động hợp lý trong đó có lao động nữ nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của các chị em. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của các chị em cũng ngày càng được nâng cao, các đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động gắn nhiệm vụ sản xuất với đời sống văn hoá gia đình, chủ đề sức khỏe, kỹ năng mềm, hoạt động xã hội, từ thiện và công việc thường ngày của lao động nữ.
PV: Từ những kết quả trên, ông đánh giá như thế nào về “lượng” và “chất” của lực lượng lao động nữ trong toàn Tập đoàn, đặc biệt là vai trò của họ trong quá trình Tập đoàn đang tiến hành chuyển đổi số?
Ông Võ Quang Lâm: Như đã nói, tuy lực lượng lao động nữ chỉ chiếm có 20,6% nhưng được bố trí trong tất cả nhóm ngành nghề lao động của EVN, từ những việc khó khăn như giải phóng đền bù mặt bằng, thiết kế giám sát, thi công các công trình điện, quản lý dự án, các vị trí trong dây chuyền sản xuất vận hành, ca kíp vận hành, công tác kinh doanh, tài chính kế toán, tổ chức nhân sự, văn phòng... cao hơn nữa là các vị trí quản lý các cấp, dù ở vị trí nào, công việc nào, các chị cũng hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiều vị trí là ưu thế của nam giới nhưng chị em vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như trưởng ban kỹ thuật hay phó giám đốc kỹ thuật, hay mảng môi trường trước những thách thức của thực tế, của dư luận xã hội, các chị đã có những sáng kiến giảm thiểu “bụi thải xỉ”- Nhiệt điện Vĩnh Tân hay “ Vườn nuôi chim tự nhiên”- Nhiệt điện Phả Lại để tạo môi trường xanh, sạch đẹp. Dù chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong mảng công nghệ thông tin nhưng chị em đã triển khai mạnh mẽ phần mềm ERP đến tất cả các đơn vị.
Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn đã liên tục quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số trong công tác dịch vụ khách hàng. Với 50% chị em trong lĩnh vực kinh doanh đã góp phần làm cho điểm đánh giá sự hài lòng của khách hàng (khách hàng đánh giá thông qua các website) của các Tổng công ty phân phối năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực tài chính kế toán chiếm 75%, cán bộ nữ trong lĩnh vực này ở các vị trí Phó trưởng ban Tập đoàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty, Kế toán trưởng (7 người ở đơn vị cấp 2 và 57 người ở đơn vị cấp 3), Phó trưởng ban Tổng công ty, trưởng phó phòng tài chính kế toán... các chị đã góp phần cho việc đạt và vượt mức chỉ tiêu tài chính trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, lao động nữ cũng có đóng góp lớn cho các lĩnh vực như công tác tổ chức nhân sự - văn hóa doanh nghiệp, công tác truyền thông của Tập đoàn.
Những đóng góp của chị em đã được các cấp ghi nhận thông qua các thành tích khen thưởng, công nhận sáng kiến. Với tố chất và bản tính khéo léo, mềm dẻo, điềm tĩnh nhưng quyết đoán nên người lao động nữ của EVN đã giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề quan trọng một cách linh hoạt và hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ chức, phát huy các đặc tính nữ đóng góp đáng kể trong một số lĩnh vực.
EVN sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. |
PV: EVN đã đặt ra mục tiêu nào trong Kế hoạch bình đẳng giới giai đoạn 2021 -2025, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm: EVN đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực (tăng tỷ lệ nữ trong các nhóm ngành nghề, đặc biệt là nhóm ngành nghề quản lý); nâng cao năng lực của cả nam và nữ để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của toàn thể CBCNV, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Trong đó, EVN sẽ tập trung vào một số mục tiêu như tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức bình đẳng giới; tăng cường bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý, trong lĩnh vực lao động việc làm, thu nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đảm bảo cân bằng cuộc sống và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của CBCNV... Đây đều là những mục tiêu, nhiệm vụ có nhiều thách thức mang tính nan giải, trong đó đặc biệt cần có nhận thức đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, cần có các chế tài phù hợp để tăng cường sự tham gia của cán bộ quản lý nữ trong công tác chuyên môn, đảng đoàn thể. Đặc biệt bắt đầu từ khâu quy hoạch, đào tạo phát triển cán bộ nữ.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tăng cường bình đẳng giới giáo dục- đào tạo có mối quan hệ chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, đây cũng chính là vấn đề giới cần được ưu tiên trong giai đoạn tới. Nếu không tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng lực lượng lao động đặc biệt là lao động nữ sẽ khó đáp ứng được xu thế thời đại.
PV: Để thực hiện được những mục tiêu trên xin ông cho biết, đâu là giải pháp mà Tập đoàn và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN sẽ tập trung triển khai thực hiện?
Ông Võ Quang Lâm: Để hiện thực hóa mục tổng quát đã đề ra, EVN sẽ triển khai các biện pháp tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác lồng ghép giới và thực hiện kế hoạch bình đẳng giới trong giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời xem công tác truyền thông nâng cao nhận thức CBCNV là giải pháp căn bản, thường xuyên và lâu dài, cần luôn đổi mới, sáng tạo về phương thức, hình thức và nội dung; luôn rà soát chặt chẽ nhằm đảm bảo không có định kiến giới, không phản tác dụng.
Trong đó, giai đoạn 2021-2023, EVN sẽ xây dựng các chính sách quy hoạch bổ nhiệm cán bộ nữ lồng ghép vào quy chế cán bộ; quy định về công tác tuyển dụng lao động nữ vào quy chế tuyển dụng, chính sách đào tạo đối với lao động nữ vào quy chế đào tạo của EVN, đồng thời xây dựng và thực hiện tiêu chí đánh giá người đứng đầu các đơn vị về chỉ tiêu lồng ghép giới vào công tác đánh giá cán bộ hàng năm.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) của Tập đoàn cũng sẽ xây dựng chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho lãnh đạo và tiến hành triển khai thực hiện và xem xét đưa vào đào tạo trực tuyến (E-learning), đưa chương trình đào tạo kỹ năng cho cán bộ quản lý nữ vào đào tạo trực tuyến thành chương trình đào tạo thường xuyên và bắt buộc.
EVN cũng sẽ phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) triển khai chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý nữ đương chức và cán bộ nữ quy hoạch các vị trí lãnh đạo, quản lý; phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng các chỉ tiêu đáng giá KPI có lồng ghép về giới và các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; tiếp tục triển khai thực hiện đánh giá Chứng chỉ bình đẳng giới EDGE tại các đơn vị trực thuộc EVN.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ phối hợp với Công đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng các chương trình truyền thông truyền cảm hứng, tạo sự gắn kết giữa nam và nữ, thay đổi các định kiến và xây dựng môi trường làm việc bình đẳng; tổ chức chương trình 8/3, 20/10, biểu dương các gia đình CBCNV tiêu biểu và con CBCNV đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi, thăm hỏi động viên người cao tuổi (cha mẹ của CBCNV).
Giai đoạn 2024-2025, EVN tiến hành đánh giá kết quả hoạt động của giai đoạn 2021-2023, rút ra bài học kinh nghiệm và đề các chương trình hoạt động của các năm tiếp theo. Các chương trình truyền thông về bình đẳng giới, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên tiếp tục duy trì và mở rộng, để có nhiều hơn các chương trình, hình thức hoạt động cả về số lượng và chất lượng.
PV: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ông có chia sẻ gì với lực lượng lao động nữ trong toàn Tập đoàn?
Ông Võ Quang Lâm: Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, nữ CBCNV còn là những người mẹ tảo tần, những người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây, giữ lửa cho tổ ấm gia đình. Nhiều chị em đã luôn xứng đáng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Năng động, sáng tạo”; có vai trò quan trọng, làm rạng rỡ hơn giá trị văn hóa của ngành Điện lực Việt Nam. Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và thành tích của toàn thể chị em.
Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thay mặt cho lãnh đạo Tập đoàn, xin gửi lời chúc mừng, chúc sức khỏe, chúc toàn thể chị em trong EVN ngày càng tươi vui, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Tôi rất mong chị em sẽ tiếp tục phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa, cùng đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tôi cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị thành viên tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn thể nữ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tập đoàn được đóng góp tốt hơn vào hoạt động của đơn vị và xây dựng gia đình ngày càng yên ấm, hạnh phúc hơn.
Nguồn nhân lực nữ trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam: - Tính đến 31/12/2020 tổng số lao động trong toàn Tập đoàn là 97.236 người trong đó lao động nữ là 19.997 người chiếm tỷ lệ 20,6%. - Về độ tuổi: Dưới 30 tuổi: 1.766 người, chiếm 8,8% Từ 31 - 39 tuổi: 9.605 người, chiếm 48% Từ 40 - 50 tuổi: 6.781 người, chiếm 33,9% Trên 50 tuổi: 1.845 người, chiếm 9,3% - Về trình độ đào tạo: Trên Đại học: 1.039 người, chiếm 20% Đại học: 12.166 người, chiếm 26,76% Cao đẳng: 1.143 người, chiếm 18,28% Trung cấp và công nhân: 5.073 người, chiếm 14,26% Còn lại là trình độ khác. (Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ EVN giai đoạn 2016-2020) Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch bình đẳng giới trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ nữ cán bộ quản lý được bổ nhiệm chiếm tỷ lệ khoảng từ 60-80% so với tỷ lệ lao động nữ quy hoạch của đơn vị; tỷ lệ cán bộ nữ quản lý so với tổng số cán bộ quản lý cùng cấp đến năm 2025 từ 13-15%, mỗi vị trí chức danh quản lý khi bổ nhiệm (tuyển dụng) có 01 nữ là ứng viên; Tỷ lệ nữ trong các cấp ủy đảng và Ban Thường vụ chiếm tỷ lệ 5- 10%; trong quy hoạch từ 10-15% so với cán bộ cùng cấp; Tỷ lệ nữ lao động đạt chuẩn năng lực theo các vị trí chức danh - 100 % lao động nữ đạt chuẩn vị trí chức danh từ cấp công nhân, cán sự đến cấp chuyên viên; Tăng cường tỷ lệ lao động nữ ở các vị trí chức danh chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; Phấn đấu tỷ lệ nữ chiếm 5-10% trong đội ngũ chuyên gia cấp EVN; Tỷ lệ lao động nữ tham gia các đề tài, đề án nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến tại đơn vị năm sau cao hơn năm trước. |
Thanh Huyền