Bàn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cho tương lai (P3)
Đại dịch Covid 19 đang làm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu, một trật tự thế giới mới đang dần được hình thành rõ nét, thay thế trật tự đơn cực do Hoa Kỳ lãnh đạo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
5. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai
Đại dịch Covid 19 đang làm thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu, một trật tự thế giới mới đang dần được hình thành rõ nét, thay thế trật tự đơn cực do Hoa Kỳ lãnh đạo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tuy nhiên, đây không phải là sự kiện đầu tiên đánh dấu sự kết thúc của trật tự thế giới cũ, sự vươn lên của Liên bang Nga và Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21 đã thách thức sự lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Trong hội nghị an ninh Munich năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo thế giới về sự kết thúc của trật tự thế giới đơn cực, nước Nga mong muốn có vị trí cao hơn và đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng một trật tự thế giới mới.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra trên toàn thế giới, báo hiệu sự kết thúc của phong trào toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc nổi lên ở nhiều quốc gia, lợi ích quốc gia đang được nhiều nước đặt trên lợi ích quốc tế.
Bối cảnh lịch sử đó thôi thúc các quốc gia tiến hành thay đổi chiến lược phát triển kinh tế, như Ả Rập Xê Út đề ra Tầm nhìn 2030 với mong muốn cải tổ, đa dạng hóa ngành kinh tế, tránh trường hợp lệ thuộc nhiều quá vào ngành năng lượng. Ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe đề ra chiến lược cải tổ kinh tế “Abenomics” với trọng tâm và tham vọng thúc đẩy, cải cách toàn diện nền kinh tế vốn quá trì trệ từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1991.
Đối với Trung Quốc, nhận thấy sức mạnh quốc gia nâng cao, mô hình kinh tế Đông Á đang theo đuổi đang đi hết quá trình phát triển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề ra tham vọng “Made in 2025” với trọng tâm là thay đổi toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc, gia tăng hơn nữa hàm lượng giá trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong ngành công nghệ cao.
Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhìn ra xu thế và sự vận động của thế giới đã đề ra khẩu hiệu “Hoa Kỳ trên hết”, đề ra chiến lược cải cách sâu rộng hệ thống thuế khóa, phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc để kéo các doanh nghiêp trở về Hoa Kỳ, giải quyết vấn đề thất nghiệp và lệ thuộc quá nhiều vào hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Yêu cầu của lịch sử và thách thức thời đại buộc Việt Nam phải có tầm nhìn để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế trong nước khi mô hình Đông Á đang đi hết chặng đường phát triển.
Khi nghiên cứu các mô hình phát triển, phải căn cứ vào tính hiệu quả, thực tiễn áp dụng và sự phù hợp của mô hình khi áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội, chính trị của Việt Nam. Một mô hình có thể phù hợp với quốc gia nào đó, nhưng nó chỉ có giá trị tương đối và không có giá trị phổ quát áp dụng cho tất cả quốc gia trên thế giới.
5.1 Các mô hình phát triển kinh tế
Mô hình tân tự do
Mô hình tân tự do hay là “Đồng thuận Washington” là thuật ngữ xuất hiện vào đầu thập niên 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Học giả Francis Fukuyama nhận định đây là giai đoạn “cáo chung của lịch sử” và “chủ nghĩa dân chủ” và “tự do thương mại” sẽ là xu thế của thế giới. Mô hình là một tập hợp các chương trình cải cách kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đề nghị áp dụng cho các quốc gia trên thế giới để vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Mười chính sách cải cách kinh tế bao gồm:
– Kỷ luật trong thực thi chính sách tài chính
– Chuyển hướng chi tiêu công sang giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng
– Cải cách hệ thống thuế, trọng điểm là yêu cầu giảm thuế
– Thị trường tự do điều chỉnh lãi suất
– Chế độ tỷ giá hối đoái được thị trường tự điều tiết
– Tự do hóa trao đổi thương mại
– Mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài
– Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước
– Loại bỏ xây dựng hàng rào bảo hộ và ngăn cản cạnh tranh giữa các quốc gia
– Củng cố pháp lý đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ
Đây là chính sách kinh tế được áp dụng ở các nước có nền kinh tế phát triển, sức mạnh kinh tế được tích lũy qua hàng trăm năm, qua các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, 2, 3. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy rõ, Chiến tranh Lạnh kết thúc chưa phải là sự cáo chung của lịch sử, dân chủ tự do và toàn cầu hóa không phải xu hướng chính của lịch sử thế giới.
Đối với Việt Nam, là nước dân số trẻ, đông dân, trình độ lao động còn thấp, sức mạnh GDP và thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp… Nền kinh tế lệ quốc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI và xuất khẩu, không thể áp dụng mô hình kinh tế tân tự do vào phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Một nền kinh tế nhỏ và yếu rất khó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế phát triển, trải qua quá trình tích lũy tư bản hàng trăm năm. Một khi nền kinh tế mở cửa tự do cho đầu tư nước ngoài, chế độ tỷ giá hối đoái được thả nổi….sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
Thêm vào nữa, nền tài chính Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, nếu thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá, để thị trường tự điều tiết về lãi suất ngân hàng thì nền kinh tế đất nước sẽ khó tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. Bài học của Nhật Bản trong việc thả nổi giá trị đồng Yên khi ký Thỏa thuận Plaza vào năm 1985 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính (1990 – 1991), hậu quả nền kinh tế chìm vào suy trầm trong gần 30 năm.
Không những vậy, thể chế chính trị, con đường phát triển đất nước có nhiều điểm khác với các nước phát triển phương Tây, áp dụng mô hình tân tự do sẽ là một thách thức quá lớn đối với Việt Nam.
“Đồng thuận Bắc Kinh”
Đây không phải là mô hình kinh tế mới, thành tựu của Trung Quốc trong 40 năm qua là sự kế thừa, học hỏi có chọn lọc từ mô hình phát triển Đông Á, với thành công đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Điểm nổi bật của “Đồng thuận Bắc Kinh” đến từ thể chế chính trị mạnh, sức mạnh nhà nước được đề cao trong việc tích cực ủng hộ hệ thống doanh nghiệp. Nhà nước nắm vai trò quan trọng trong việc hoạch định, đề ra chính sách, định hướng phát triển các ngành và tương lai kinh tế.
Sự thành công của Trung Quốc trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là chỉ dấu cho thấy vai trò của Nhà nước cần được đề cao trong việc điều hành kinh tế, nhất là khi gặp khủng hoảng, thị trường tự điều tiết.
Đại dịch Covid nổ ra, Trung Quốc gặp phải tình trạng “tam tứ nan” khi thế giới bắt đầu cảnh giác về tham vọng Trung Quốc, lại chịu ảnh hưởng xấu từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu tăng cường gây áp lực trong vấn đề nhân quyền, dân chủ và trách nhiệm giải trình khi đại dịch nổ ra ở Vũ Hán.
Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra chiến lược chuyển hướng nền kinh tế theo sách lược “tuần hoàn kép”, vừa tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong quá trình toàn cầu hóa, vừa tập trung co mình lại, phát huy lợi thế từ thị trường 1,4 tỷ dân, kích thích tiêu thụ nội địa.
Về cơ bản, mô hình phát triển của Trung Quốc trong 40 năm qua là mô hình phát triển dựa trên hai trụ cột là đầu tư và xuất khẩu, thực hiện tham vọng xây dựng Trung Quốc là công xưởng thế giới. Nhưng đi vào chi tiết, ở từng địa phương và từng giai đoạn, mô hình phát triển kinh tế có sự khác nhau:
– Đầu tiên là mô hình tập trung vào sự phát triển của các doanh nghiệp Nhà nước, được áp dụng ở Trùng Khánh, Thiên Tân, Thượng Hải… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mô hình này dần được thay đổi khi các doanh nghiệp nhà nước đều bị loại bỏ, từ năm 1997 đến năm 2002, có hàng triệu doanh nghiệp nhà nước bị giải thể, phá sản và tư nhân hóa. Nguồn lực đất nước được chuyển sang đầu tư vào khu vực tư nhân theo mô hình kinh tế Đông Á.
– Thứ hai là mô hình Quảng Đông với trọng tâm là sự phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ), được thành lập từ đầu cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Có bốn đặc khu kinh tế đầu tiên được mở là Sán Đầu, Thâm Quyến, Chu Hải và Hạ Môn.
Đây là mô hình phát triển kinh tế mang dáng dấp rõ nhất của mô hình kinh tế Đông Á khi trọng tâm là hướng doanh nghiệp có tham vọng hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế toàn cầu, lấy lợi thế nhân công rẻ, ưu đãi chính phủ giúp doanh nghiệp tự do phát triển. Và đây là mô hình phát huy cao nhất lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Tuy nhiên, mô hình Quảng Đông dần đi hết sự phát triển khi kinh tế Trung Quốc phát triển cao, thu nhập bình quân đầu người tăng, chi phí nhân công tăng, thế giới đang nghi ngờ sự phát triển Trung Quốc…. Tất cả đặt ra yêu cầu buộc Trung Quốc phải tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.
– Mô hình thứ ba là mô hình phát triển kinh tế dựa trên sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Mô hình này có hai đặc điểm chính là vài trò quan trọng của chính quyền địa phương và sự năng động sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân. Mô hình này thành công nhất ở Chiết Giang, Ôn Châu.
Thành công của Chiết Giang trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế được ghi dấu ấn rất rõ nét trong thời kỳ Chủ tịch Tập Cận Bình làm Bí thư tỉnh ủy (2002 – 2007), thế mạnh của mô hình này là phát huy vai trò của hệ thống doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dưới sự lãnh đạo của những người nông dân vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế.
6. Mô hình kinh tế Việt Nam trong tương lai
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có nhiều điểm tương đồng về xuất phát điểm hệ thống chính trị và đặc biệt là áp dụng mô hình phát triển kinh tế. Trung Quốc nhận ra sự lỗi thời của mô hình cũ và đề ra chủ trương phát triển theo mô hình mới. Do đó, Việt Nam cũng nên nghiên cứu, tìm tòi ra hướng đi cho riêng mình.
Với sự tương đồng có được, mô hình Chiết Giang là mô hình đáng để Việt Nam nghiên cứu và học hỏi trong tương lai gần.
“Mô hình Chiết Giang” về bản chất là mô hình kinh tế thị trường với tất cả những nhân tố đặc trưng vốn có như quá trình hình thành thị trường, hệ thống thị trường, cơ chế thị trường và thể chế thị trường.
Sự thành công của mô hình Chiết Giang gắn liền với ba nhân tố chủ chốt: khu vực kinh tế tư nhân tự do phát triển rất mạnh, chính quyền địa phương chủ động tạo điều kiện thuận lợi và mô hình tạo ra khả năng tự chuyển đổi rất dễ dàng khi xảy ra khủng hoảng, dựa trên ưu thế năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân.
Thành công của mô hình Chiết Giang sẽ giải quyết được nhiều bài toán vốn có, khó khăn, như giảm khoảng cách phát triển kinh tế giữa các khu vực thành thị và nông thôn, giữa khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, giữa chính quyền và người dân trong việc phân bổ nguồn lực, và giữa doanh nghiệp và người lao động.
Mô hình Chiết Giang có ba đặc trưng cơ bản là người dân tự do kinh doanh, người dân được sở hữu và người dân thụ hưởng thành quả phát triển. Hiện nay, nền kinh tế Chiết Giang đang bước sang giai đoạn mới, chuyển từ trọng tâm lấy tốc độ tăng trưởng làm trọng điểm sang phương thức lấy chất lượng tăng trưởng làm ưu tiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng ưu tiên phát triển, nâng cao tỉ trọng ngành dịch vụ, kết hợp việc phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao.
Hình mẫu và sự thành công của mô hình Chiết Giang sẽ bài học để Việt Nam đề ra phương hướng, mô hình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi bản thân khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang không được coi trọng, tỉ trọng đóng góp của khu vực tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, trong khi đây là khu vực đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước tuy có đóng góp lớn vào GDP nhưng đây là khu vực nhận được rất nhiều ưu đãi về chính sách, vốn nhưng không không đạt được kỳ vọng trong việc đổi mới bộ mặt kinh tế đất nước. Khu vực kinh tế nhà nước cũng không đủ “sáng tạo” và “năng động” trong việc đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực nhận được nhiều ưu đãi của Chính phủ và đóng góp rất lớn vào kinh tế đất nước, nhưng khu vực này không đảm bảo sự ổn định và bền vững của nền kinh tế đất nước trong tương lai, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam hoặc giảm đầu tư nếu có biến động chính trị tác động hoặc những ưu đãi của Việt Nam đưa đến không như kỳ vọng.
Dó đó, Việt Nam phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp đều có sự bình đẳng trong nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn được ưu đãi trong việc “ giữ vai trò chủ đạo”.
Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, Việt Nam nên tích cực khuyến khích sự phát triển các ngành dịch vụ, nâng cao mức tiêu thụ nội địa.
Giải pháp nâng cao mức tiêu thụ nội địa là tái phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, như đánh thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo, những tầng lớp gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chính sách tiền lương theo hướng nâng cao mức lương cơ sở, tăng lương cho lao động trong khu vực công, tạo sức lan tỏa đến lao động trong khu vực tư nhân, khu vực FDI. Giải pháp này có ưu điểm là tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người dân, tăng mức chi tiêu, kích thích tăng tiêu thụ nội địa. Nhưng cái mất là Việt Nam mất lợi thế nhân công rẻ trong việc thu hút FDI, khi đưa ra chính sách cần lộ trình và dự báo chuẩn để đồng bộ hóa với quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.
Tiếp theo là giải pháp đẩy mạnh tín dụng cho người tiêu dùng, phát triển đô thị hóa, giảm thuế, khuyến khích quảng bá sản phẩm….để kích thích tiêu dùng nội địa.
Về cơ bản, đặc điểm chính của mô hình phát triển kinh tế mới của Việt Nam là tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả thành phần kinh tế, tiến tới khuyến khích, ủng hộ hơn nữa sự phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân với ưu thế là sự năng động và sáng tạo trước những đổi thay của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Đặc điểm thứ hai là thúc đẩy tiêu thụ nội địa, khuyến khích người dân giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng, phát triển các ngành dịch vụ như giáo dục, công nghệ thông tin, vận chuyển, du lịch…..Như vậy có thể đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững cho nền kinh tế.
Tổng kết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói “Một dân tộc có bề dày hơn 4.000 năm lịch sử văn hiến, một dân tộc sinh ra nhiều bậc hiền tài, danh nhân văn hóa, trong đó nhiều danh nhân được thế giới tôn vinh, một dân tộc đã hiển hách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang để trường tồn thì đó phải là dân tộc mạnh, dân tộc đó quyết không để thế giới coi thường như một dân tộc bạc nhược, quyết không thể là dân tộc nghèo được”.
Thế giới đã đi qua 20 năm đầu của thế kỷ 21, trật tự thế giới mới đang được hình thành với nhiều cơ hội, thách thức mới. Yêu cầu của lịch sử và thách thức của thời đại đặt ra bài toán cho Đảng và Nhà nước cần phải tiến hành cuộc “Đổi mới 2.0”, phát huy những thành tựu Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới, tiếp tục tiến hành đổi mới sâu rộng thể chế chính trị, cải cách kinh tế với trọng điểm là khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế, xóa bỏ sự độc quyền, vài trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước. Bên cạnh đó chú trọng phát triển hơn nữa sức tiêu thụ từ thị trường nội địa…
Thời cơ luôn đi đôi với thách thức, Việt Nam có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý, nền chính trị ổn định, sự tin tưởng của người dân…, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước còn nhiều, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao không phải là điều quá khó khăn, quan trọng là Việt Nam cần có tư duy mới, hướng đi mới, mô hình mới tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước.
Bùi Mạnh Thành
Bàn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cho tương lai (P2) |
Bàn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cho tương lai (P1) |