Tin tức kinh tế ngày 3/10: Nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng giảm mạnh
(PetroTimes) - Nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng giảm mạnh; Kiến nghị lập quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng; Thu ngân sách của TP HCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/10.
Nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng giảm mạnh |
Vàng thế giới tăng dữ dội, trong nước ít biến động
Đầu ngày 3/10 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đang đứng mức 1.761-1.761 USD/ounce, tăng 6 USD mỗi ounce. Với mức giá này, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 48,53 triệu đồng/lượng chưa gồm thuế, phí.
Trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC lần lượt tại 56,55-57,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại 56,60-57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại 57,05-57,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng giảm mạnh
Ngày 29/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã hoàn thành cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 4/2021 đối với toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, với tỉ lệ trả lời đạt 92%.
Theo nhận định của các ngân hàng, trong quý 3/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước, trong đó nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu gửi tiền của khách hàng sẽ phục hồi trở lại trong quý 4/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Kiến nghị lập quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng
Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ để xin triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Theo đó, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.
Doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng cần hoạt động tốt trước khi dịch xảy ra, có báo cáo tài chính lành mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải có hợp đồng, đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới.
Rà soát áp dụng chống bán phá giá bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 2217/QĐ-BCT rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt được phân loại theo mã HS 2922.42.20 có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia (mã vụ việc AR01.AD09).
Trước đó, ngày 22/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.
Lợi nhuận ngân hàng có thể giảm trong quý IV
Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV-2021 do Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh có chiều hướng suy giảm so với quý trước. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo giảm kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 2014.
Theo đó, có 40,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý IV-2021 sẽ tăng trưởng so với quý III. Gần 60% tổ chức tín dụng cho rằng, kết quả kinh doanh quý IV sẽ không tăng so với quý III.
Đối với kết quả cả năm 2021, có 83,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng, 3% kỳ vọng không đổi, 13,3% lo ngại lợi nhuận giảm (cao hơn ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6 vừa qua là 9,7%).
Giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao trong hai tháng rưỡi qua
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao trong hai tháng rưỡi qua trong phiên ngày 30/9, trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng khiến chi phí thu mua tăng theo.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết nhu cầu trong nước đang tăng lên trong bối cảnh chính phủ thu mua gạo từ nông dân để tích trữ vào kho dự trữ quốc gia, dẫn đến mức giá gạo trong nước cao hơn.
Thu ngân sách của TP HCM chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri doanh nghiệp của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 2/10, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, sức khỏe doanh nghiệp, nền kinh tế TP HCM đang rất khó khăn. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế sau 9 tháng đều giảm rất sâu, đặc biệt các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ thu ngân sách khả năng không hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, bình quân TP HCM thu ngân sách 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng 7-8 chỉ còn 700 tỷ đồng mỗi ngày, và tháng 9 vừa qua tiếp tục giảm còn 600 tỷ đồng/ngày.
Tin tức kinh tế ngày 2/10: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 3 - 3,5% Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 3 - 3,5%; Thêm 132 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào chế biến cà phê; Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về cuộc điều tra liên quan đến gỗ… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/10. |
P.V (Tổng hợp)