Nghị quyết 68 - cuộc đột phá về thủ tục
Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ được xem là cuộc cách mạng về thủ tục, có sự đột phá trong khâu tiếp cận, có độ bao phủ rộng.
Nghị quyết này tiếp cận từ những chính sách cho người sử dụng lao động cho đến chính sách cho cả người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 là một trong 12 nhóm hỗ trợ.
Khi đi vào thực tế triển khai một số nội dung của Nghị quyết 68 vẫn còn một khó khăn, vướng mắc, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Quốc Tuấn.
Chính quyền vào cuộc
Ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ- CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 386/KH- UBND ngày 15/7/2021 chỉ đạo triển khai thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời, tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 hỗ trợ cho 09 nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh, các Sở, ngành đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Đến nay, 21/21 huyện, thành, thị; các cơ quan có liên quan đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn thực hiện.
Ngày 13/7, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã có Thông báo số 700/TB-NHCS về việc thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất cho vay 0% mà không cần tài sản bảo đảm. Mọi quy trình được đơn giản hóa, phương thức tiếp cận nhanh, gọn nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Tiếng nói doanh nghiệp
Tuy nhiên, khi đi vào thực tế triển khai một số nội dung của Nghị quyết vẫn còn một khó khăn, vướng mắc, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Không ít địa phương và nhiều doanh nghiệp hầu như chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến Nghị quyết.
Nguyên nhân thì có nhiều, song đơn cử một số bất cập mà nhiều doanh nghiệp phản ánh. Ông Nguyễn Duy Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn ACA miền Trung cho biết, các thủ tục và điều kiện cụ thể chứng minh doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi báo cáo tài chính cuối năm doanh nghiệp mới lập nên khó để so sánh điều kiện này. Trong thực tế, báo cáo tài chính quý, tháng thì rất nhiều doanh nghiệp lại không lập.
Điều kiện “Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” cũng là một trở ngại. “Thực ra, khi doanh nghiệp quá khó khăn, không thể tiếp cận các nguồn vốn thường ngày, và do ảnh hưởng dịch nên kinh doanh sụt giảm và có thể đã chuyển nhóm nợ nên không đủ điều kiện để vay; các điều kiện khác đi kèm của ngân hàng quy định điều kiện để giải ngân thì hầu như doanh nghiệp rất khó tiếp cận, như các chính sách Thuế (GTGT, TNDN…); tình hình tài chính, dòng tiền hết, không còn dự trữ, không tiếp cận được các nguồn lực thì doanh nghiệp tự dừng hoạt động và phá sản”, ông Tuấn phân trần.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Phát triển Vĩnh An, ông Nguyễn Tài Thu lại có một góc nhìn khá tích cực. Đối với nguồn vốn vay ưu đãi (vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất) thì Ngân hàng Chính sách Nghệ An làm rất kịp thời, hồ sơ vay vốn khá đơn giản nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu.
Còn các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, tạm dừng đóng quỹ hưu trí... thì chưa thiết thực do mức giảm rất ít. Doanh nghiệp chỉ tập làm hồ sơ cho gói Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, vì đây cũng chính là tài sản của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc tối đa 03 tháng là quá ít. Đối với các doanh nghiệp làm theo lương sản phẩm thì mức vay này không nhiều, và do quy chế trả lương nên nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà.
Theo quan điểm của ông Hoàng Mạnh Thiên - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ xây dựng Hoàng Phát, Nghị quyết cần có sự linh hoạt và thực tế hơn khi mà dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Cần tăng thời hạn vay vốn trên 12 tháng, thậm chí hai năm đối với khoản vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị mọi thứ khi dịch ổn định.
Tiếp cận gói hỗ trợ
Qua tìm hiểu, cho đến nay chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An còn chưa được tiếp cận được gói hỗ trợ này. Đa phần các doanh nghiệp tỉnh nhà là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cơ cấu đơn giản, kiêm nhiệm nhiều việc, người lao động làm theo mùa vụ, thậm chí không đóng BHXH, BHYT… nên gần như khó đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Tiết b, khoản 2, Điều 38 Quyết định số 23/QĐ-TTg.
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Ảnh: Quốc Tuấn |
Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, qua rà soát ban đầu 5.518 doanh nghiệp trong tỉnh thì chỉ có 22 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và Ngân hàng đã giải ngân cho 09 doanh nghiệp với số tiền 1.381.001.000 đồng.
Theo đó, tính đến ngày 9/9/2021, việc giải ngân cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc 1.120.181.000 đồng; cho vay trả lương phục hồi sản xuất 260.820.000 đồng. Trong đó, Công ty TNHH May mặc trọng Phúc được vay trả lương ngừng việc nhiều nhất với 796.665.000 đồng, Công ty TNHH Nam Việt 127.036.000 đồng; Công ty CP Tổng hợp Hà An được vay 120.420.000 đồng cho trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nha khoa Hoàng Dung 75.600.000 đồng; ít nhất là Công ty TNHH Hải Thuyên hơn 12.280.000 đồng. Số tiền chênh lệch nhiều như vậy là do số lao động của các doanh nghiệp khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp chỉ có 04 lao động.
Nguyên nhân và giải pháp
Mặc dù Nghị quyết 68/NQ-CP được xem có nhiều đột phá về thủ tục, cách tiếp cận, thậm chí có người còn ví von như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp; nhưng để đáp ứng đủ những điều kiện theo yêu cầu cũng là một bài toán nan giải, mà lỗi phần nhiều cũng do doanh nghiệp.
Như chúng ta đã biết, doanh nghiệp có vai trò và vị trí rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm cho người lao động, xoá đói giảm nghèo. Nhưng thực tiễn cho thấy, đặc biệt là cuộc rà soát 5.518 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần vừa qua, chỉ có 09 doanh nghiệp được giải ngân với số tiền khiêm tốn, những doanh nghiệp còn lại, phần thì không có nhu cầu vay vốn, phần nhiều không đáp ứng được những yêu cầu của gói hỗ trợ.
Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, trốn tránh nghĩa vụ BHXH, BHYT cho người lao động nói riêng và chưa thực hiện tốt pháp luật kinh doanh nói chung vẫn còn khá phổ biến. Khi một xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp cũng phải tự giác nâng cao trách nhiệm của mình để cùng với chính quyền củng cố và xây dựng một môi trường kinh doanh tốt, công bằng, bền vững và phát triển.
Dịch bệnh được dự báo có thể kéo dài và nghiêm trọng, không ít các doanh nghiệp đang ngừng hoạt động, sức chịu đựng của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng, cạn kiệt nguồn lực, khó đủ điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ sẽ có nguy cơ phá sản.
Chính vì thế, chính quyền cần có các chính sách, giải pháp nhanh, gọn, mạnh và phù hợp hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển. Chính phủ cần lắng nghe các ý kiến phản biện từ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhằm điều chỉnh chính sách cho phù hợp, sát với thực tiễn hơn để nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn có đủ điều kiện hưởng lợi. Nếu không thì sẽ như một sự thách đố, mặc dù câu hỏi không quá khó.
Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Chính phủ vừa kịp thời ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, dự kiến lũy kế đến hết năm 2021, ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Ngoài ra còn nhiều chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, hỗ trợ giảm tiền điện nước.
Hy vọng, không những Nghị quyết này mà các Nghị quyết tiếp theo sẽ thực sự là chiếc “phao cứu sinh” cứu giúp nhiều doanh nghiệp qua cơn hoạn nạn, ổn định sản xuất và phát triển.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Doanh nghiệp dịch vụ ăn uống TP.HCM "đau đầu" khi được mở cửa trở lại |
Định hướng thị trường vốn cho SMEs |
Bài 2: Nghị quyết 105 - Bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 |